09/12/2020 10:11 GMT+7

Cơ hội của nhà trường

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Chỉ khi nào nhà trường, thầy cô coi học sinh cá tính, học sinh cá biệt là cơ hội để làm giáo dục thì khi đó mới có thể chứng tỏ được vai trò của mình và trở thành "trường học thân thiện", "trường học hạnh phúc".

Cơ hội của nhà trường - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang làm việc với tập thể Trường THPT Vĩnh Xương ngày 8-12 - Ảnh: B.ĐẤU

Nhà trường xưa hay nhà trường nay, nhà trường ta hay nhà trường tây đều có quy định giữ nghiêm kỷ luật học đường. Lẽ tất nhiên, nhà trường nào và thời nào cũng có học sinh mắc lỗi, cần được uốn nắn. Vậy, làm sao giáo dục "ngựa chứng trong sân trường"?

1. Học trò khác xưa rồi

Giáo dục gia đình, dạy học ở trường, tác động của xã hội khiến học trò ngày nay thực tế, năng động nhưng khá ương bướng, người thầy không còn là độc tôn trong việc truyền thụ kiến thức. Nhiều học sinh không nói trực tiếp nhưng không chấp nhận "thầy cô luôn đúng". 

Kỷ luật học sinh để răn đe, trừng phạt, buộc học sinh thực hiện một nội dung nào đó của trường, của lớp sẽ gây ra bức xúc. Giáo dục học sinh là khó, ngày nay công việc này càng khó khăn hơn. 

Trò thay đổi nhiều mà người thầy mãi "gõ đầu trẻ" thì giáo dục học sinh nói chung, kỷ luật học sinh nói riêng, chắc chắn sẽ không thành công, thậm chí thất bại! Học sinh cần được tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu.

2. Thận trọng với giáo dục ngoài chính khóa

Gần như trường phổ thông nào cũng tổ chức dạy học, giáo dục ngoài chính khóa. Nội dung này, công bằng mà nói bổ trợ cho dạy học chính khóa, giúp nhà trường nâng cao chất lượng. Tuy chủ trương là đúng song không nhiều trường có được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh, học sinh, tập thể giáo viên của trường. 

Do đó, tổ chức dạy thêm, học thêm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm... cần bàn bạc kỹ trong nội bộ nhà trường. Khi đã thông suốt mới triển khai, lãnh đạo nhà trường không được nóng vội, áp đặt; lấy chất lượng, sự tận tâm, trách nhiệm để thuyết phục phụ huynh, học sinh. 

Với số ít phụ huynh không hợp tác, nhà trường kiên trì thuyết phục, nếu họ nhất quyết không tham gia thì cần tôn trọng sự lựa chọn đó. 

Số học sinh không tham gia thường các em không tự tin, dè dặt khi đến trường nên giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, tổ tư vấn tâm lý học đường quan tâm, trợ giúp cho các em. 

Khoảng cách thầy trò sẽ dần ngắn lại, thay vào đó là niềm tin, những lần tổ chức sau, những năm học kế tiếp, học sinh rồi sẽ tham gia tích cực. Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm là thế!

3. Không ai muốn mình bị bêu riếu dưới cờ

Thầy cô chắc chắn là không rồi, lãnh đạo nhà trường càng không muốn, vậy tại sao lại áp dụng với học sinh? 

Tôi từng nhiều lần nhắc giáo viên, việc đuổi học sinh ra khỏi lớp, bắt các em đứng trước cửa lớp vì đến muộn, phê bình học sinh dưới cờ là bạo lực tinh thần. Hiệu ứng domino, bạo lực tiếp nối, đó là những lời lẽ cay nghiệt nói xấu nhau trên mạng xã hội, những hành vi cộc cằn với bạn bè trong lớp, trong trường. 

Và rồi, hẹn nhau đến một địa điểm nào đó để đấm đá tàn bạo! Học sinh chưa ngoan, thái độ của phụ huynh có khi làm thầy cô hụt hẫng sinh cảm xúc tiêu cực. Lúc này thầy cô hãy thắng chính mình mới giữ được trái tim bình yên.

4. Phụ huynh phối hợp với nhà trường

Sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là nguồn lực đặc biệt quan trọng, bởi giáo dục gia đình là gốc rễ của phát triển nhân cách học sinh. 

Chỉ khi phụ huynh đồng hành với nhà trường, việc giáo dục của thầy cô mới thực sự phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Xin đừng trách cứ hay chì chiết thầy cô, sẽ làm thầy cô nản lòng, phiền muộn. 

Đó sẽ là nguồn cơn của những cách giáo dục không nhân văn. Không ai hiểu học sinh bằng chính phụ huynh và khi thầy cô ở trường là người cha, người mẹ thứ hai, học đường mới thực sự yêu thương, nhiều trường học như thế sẽ góp phần kiến tạo xã hội nghĩa tình.

Trong ngồn ngộn những việc phải làm khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần lắng đọng hình ảnh người thầy mẫu mực, hiến dâng, khoan dung. Mong lắm thay!

Lấy nhân cách giáo dục nhân cách

Khi phải đối mặt với những học sinh nghịch ngợm, bất hợp tác, lì lợm, thầy cô hãy vững vàng. Sự vững vàng đó chỉ có khi và chỉ khi thầy cô giỏi chuyên môn, vững kỹ năng, tấm lòng rộng mở đối với học sinh.

Để rèn kỹ năng sống cho học sinh, thầy cô phải là hình mẫu của những kỹ năng đó, lấy nhân cách giáo dục nhân cách, người thầy cần lắm phẩm giá đó.

Lãnh đạo Sở Giáo dục họp với trường và gặp gia đình nữ sinh uống thuốc nghi tự tử Lãnh đạo Sở Giáo dục họp với trường và gặp gia đình nữ sinh uống thuốc nghi tự tử

TTO - Ngày 8-12, bà Trần Thị Ngọc Diễm - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang - dẫn đầu đoàn công tác đến Trường THPT Vĩnh Xương, họp toàn thể cán bộ giáo viên trường và gặp phụ huynh em N.T.N.Y. liên quan đến việc em uống thuốc nghi tự tử.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên