![]() |
Hai học trò Cao Thị Mỹ Châu (phải) và Trần Thị Thanh Nga chúc mừng sinh nhật lần thứ 95 bà Ngô Thị Hai - Ảnh: Tấn Đức |
Hôm 21-2 vừa rồi, khi dâng hoa mừng sinh nhật lần thứ 95 của bà, các học trò cắc cớ hỏi: “Cô ơi, giờ cô mơ ước điều gì?”. Bà đáp: “Dạ, tôi ước mình có thiệt nhiều tiền để xây nhà điều dưỡng cho bà con, vì tôi thấy quanh đây còn rất nhiều người già yếu chưa được chăm sóc đầy đủ, đúng cách”.
Các học trò thốt lên: “Trời đất ơi, suốt sáu chục năm cống hiến cho ngành điều dưỡng, giờ cô đã ở tuổi xưa nay hiếm mà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, vẫn luôn nghĩ cho mọi người, trong khi tụi con vẫn chưa làm gì được cho cô...”.
"Cô Ngô Thị Hai là cổ thụ của ngành điều dưỡng VN. Tinh thần và thái độ phục vụ bệnh nhân của cô mãi là tấm gương cho chúng tôi" Thạc sĩ Trịnh Thị Loan, nguyên phó chủ tịch Hội Y tá - điều dưỡng VN,phó trưởng khoa điều dưỡng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành |
Bước qua tuổi 95, bà Ngô Thị Hai vẫn là thủ lĩnh tinh thần của CLB Thiện nguyện, chuyên chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. CLB được thành lập cách đây ngót 15 năm, khi bà đang làm cố vấn điều dưỡng cho BV.
Hồi ấy, mỗi bệnh nhân nhập viện thường có rất nhiều người thân vào chăm sóc, trong khi đa số chưa có kiến thức cơ bản về điều dưỡng. Điều đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh giữa các bệnh nhân và từ người bệnh sang người khỏe.
Trước thực tế này, bà Ngô Thị Hai đã kêu gọi những người đến tuổi về hưu, có thời gian rảnh rỗi đến BV giúp chăm sóc người bệnh. Bởi vậy có người nói vui đây là CLB người già mạnh khỏe chăm lo cho người trẻ ốm đau. Mới đầu CLB có hơn 20 người, được bà Hai huấn luyện cách tắm rửa, gội đầu, xoa bóp, giúp người bệnh ăn qua đường ống... và cả phương cách trò chuyện, động viên tinh thần cho từng đối tượng bệnh nhân.
Cử nhân điều dưỡng Huỳnh Thị Mi Sênh, nguyên trưởng phòng tổ chức cán bộ BV Nguyễn Tri Phương, nhớ lại: “CLB Thiện nguyện của cô Hai đã giúp giải tỏa phần nào áp lực thiếu điều dưỡng viên hồi ấy. Dù đời sống còn khó khăn, cô Hai còn trích tiền lương của mình để mua sắm những vật dụng cần thiết cho các bệnh nhân nghèo, tổ chức nấu xúp, cháo dinh dưỡng tại nhà rồi mang vào cho họ ăn lại sức... Hình ảnh cô Hai tận tụy với người bệnh cứ theo tôi mãi”.
Gần đây, do tuổi cao, những lần đến với CLB của bà Ngô Thị Hai thưa dần, nhưng bà vẫn day dứt với mô hình thiện nguyện này. Hôm 21-2 vừa rồi, đúng vào sinh nhật lần thứ 95 của bà, trong căn nhà nhỏ do nhà thờ Jeanne d’Arc (KP 7, P.9, Q.5) cho ở tạm, người ta thấy hai bà lão đang chụm vào nhau bàn đường hướng phát triển mới cho CLB.
Sau khi nghe “báo cáo” tình hình, bà Ngô Thị Hai nắm chặt tay bà Chu Thị Thịnh, một thành viên tích cực của CLB (ngụ 355/28 Kênh Tân Hóa, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú), giọng đầy cương quyết: “Mai tôi với cô đi vận động, rủ thêm mấy người nữa, mình cùng trở lại với bệnh nhân nghen...”.
Không chỉ gắn bó với CLB, suốt chục năm qua, sau khi thôi hẳn công việc cố vấn ở BV Nguyễn Tri Phương, bà Ngô Thị Hai vẫn không tách mình ra khỏi cái nghề bà đã đeo mang. Khi thì người ta thấy bà xuất hiện ở trường y, khi ra vào các BV lớn ở TP.HCM để tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về điều dưỡng, chống nhiễm khuẩn và nói chuyện đời, chuyện nghề với sinh viên. Bà nghĩ: “Xã hội đã ban cho mình kiến thức thì mình phải có trách nhiệm trả lại cho thế hệ sau”.
Người thầy về y đức
Cử nhân điều dưỡng Cao Thị Mỹ Châu, điều dưỡng trưởng phòng mổ BV Nguyễn Tri Phương, nhớ lại: “Khi mới vào BV tôi đã được nghe biệt danh “cô Hai vô khuẩn” nhưng cũng chẳng hiểu gì. Đến khi cô Hai trực tiếp hướng dẫn thì mới thấy được hai chữ vô khuẩn quan trọng thế nào.
Vì yêu cầu vô khuẩn cho bệnh nhân mà cô Hai rất nghiêm khắc và tỉ mẩn trong công tác giảng dạy, thực hành. Từng thao tác, từ việc lớn đến việc nhỏ cô đều chỉ dạy rất kỹ càng. Sau này đi làm, cọ xát với thực tế mới thấy hết giá trị từ những bài học quý giá của cô Hai”.
Nghe học trò kể, bà Ngô Thị Hai sực nhớ chuyện cũ: “Hồi mở khóa huấn luyện điều dưỡng đầu tiên ở BV Nguyễn Tri Phương, đa số các em không chịu thực hành vì sợ dơ. Đó là một điều tối kỵ trong ngành điều dưỡng. Tôi đã nghĩ ra cách bảo các học trò đưa mấy người ăn xin bị ghẻ lở nằm trước cổng BV vào thực tập tắm cho họ. Thấy tôi làm trước, các em cũng làm theo rồi quen dần, không còn “mắc bệnh sợ” bệnh nhân nữa”. Rồi bà lại dặn học trò: “Làm nghề điều dưỡng phải nhất mực cẩn trọng, vì nhiều khi chỉ cần một thao tác sai sẽ làm ảnh hướng rất nghiêm trọng đến bệnh nhân, thậm chí dẫn đến tử vong. Việc “phạm tội” này ít ai giám sát được, cho nên ngành điều dưỡng rất cần những người có cái tâm với nghề”.
Những câu chuyện của học trò kể về bà Hai nhắc mãi vẫn không hết. Lại có người dù không học với bà ngày nào cũng tự nhận là học trò. Một trong số đó là bác sĩ Phan Quý Nam, nguyên giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, người đã có hơn 20 năm công tác cùng đơn vị với bà Ngô Thị Hai: “Tôi học rất nhiều ở cô Hai phong cách làm việc, cách cư xử với đàn em, cũng như thể hiện tình thương yêu với bệnh nhân”.
Một bác sĩ khác ở BV Nguyễn Tri Phương nói rằng chỉ một lần sơ giao đã thấy toát lên ở bà Ngô Thị Hai vẻ bặt thiệp, khiêm cung của người trí thức.
Quả vậy, nói chuyện với khách, dù người đó thuộc hàng con cháu, bà vẫn một “dạ” hai “thưa”, đi kèm luôn là hai tiếng “xin lỗi”, như lúc nào cũng sợ khách có điều chi phật lòng. Còn với học trò thân quen, mỗi khi ai đó nói cười to tiếng, bà lại lấy tay khoát khoát ra tín hiệu giảm âm thanh. Bà bảo người thầy thuốc phải tập thói quen đi nhẹ, nói khẽ để tránh ảnh hưởng tới bệnh nhân!
Cả đời bà dành hết tâm sức cho nghề, đến nỗi không dám lập gia đình, vì “sợ mình lo cho bệnh nhân rồi bỏ bê chồng con, làm người ta khổ”.
Một đời người, hai đời nghề Cho đến giờ bà Ngô Thị Hai vẫn nhớ rõ những ngày bà được cha dắt từ Mỏ Cày (Bến Tre) lên Sài Gòn “ở đậu, ăn cơm nhờ” tại nhà người cậu làm luật sư để theo học lớp nữ điều dưỡng đầu tiên tại VN do Hội Hồng thập tự Pháp mở vào năm 1937. Bà kể lớp của bà đa số là những phụ nữ Pháp, số người VN chỉ đếm chưa đầy bàn tay. Khi tốt nghiệp (1942), bà cùng với ba bạn đồng học là Lâm Thị Hai, Huỳnh Xuân Lan và Trương Thị Tư được phân bổ về BV Chợ Rẫy. Một thời gian sau được điều động về làm huấn luyện viên Trường Cán sự điều dưỡng, rồi đi tu nghiệp tại Canada. Trở về nước, bà tiếp tục huấn luyện tại các trường, BV rồi chuyển về Y viện Quảng Đông (nay là BV Nguyễn Tri Phương), công tác liên tục ở đó đến năm 2002 mới nghỉ. Như vậy, toàn bộ thời gian làm việc của bà Ngô Thị Hai đã ngót 60 năm, tức gấp đôi thời gian làm việc chính thức của một đời người. Đó là chưa tính quãng thời gian làm việc tự do của bà từ năm 2002 đến nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận