Bài viết này tôi xin gửi đến cô giáo Nguyễn Thị Thuận - giáo viên bộ môn sinh học Trường THCS Hòa Ninh, thôn 8, Hòa Ninh, Di Linh, Lâm Đồng
Khung cảnh ấy nơi vùng quê nghèo này cũng không đủ sức mời gọi những thầy cô giáo trẻ mới ra trường. Hầu hết họ ở lại thành phố lập nghiệp. Không một ai chịu đem kiến thức đã được học để về xây dựng quê hương, dìu dắt thế hệ trẻ.
![]() |
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO |
Cả thị trấn chỉ có một trường cấp II nhỏ bé. Trường thường xuyên thiếu giáo viên. Cả trường chỉ có những thầy cô đã luống tuổi. Đầu năm lớp 8, chúng tôi ngồi đợi giáo viên chủ nhiệm đến nhận lớp. Tâm thế chờ đợi của lũ trẻ ngày ấy chẳng có một chút hồi hộp, bởi một lẽ đơn giản, chúng tôi thừa biết rằng trường chỉ có chừng ấy thầy cô chủ nhiệm, mà thầy nào cô nào cũng nghiêm khắc và không bao giờ nhẹ tay trước những trò nghịch ngợm của cái tuổi “nhất quỷ nhì ma”.
Nhưng không ngờ, bước vào lớp tôi là một cô giáo trẻ. Cô có khuôn mặt u buồn và phẳng lặng đối lập hoàn toàn với giọng nói đầy sôi nổi, nhiệt tình. Nhưng khi ấy tôi cũng như cả lớp đều không để ý gì đến điều đó. Chắc chắn rằng trong bụng đứa nào cũng “mở cờ” rồi. Cô giáo trẻ mà, trẻ thì hiền, thì thiếu kinh nghiệm trước những trò không thiếu phần quái gở xứng đáng với cái mác “học trò”.
Cũng có lẽ vì tâm lý xem thường cô giáo trẻ mà hồi đó tôi rất phá phách, thậm chí còn đánh nhau. Lần đầu tiên gặp cô sau giờ học tôi không thấy sợ, thậm chí còn có tâm lý chờ đợi. Chắc chắn cô sẽ mắng một trận ra trò đây. Tôi nhủ thầm trong bụng là sẽ cãi lại bất chấp cô đưa ra hình phạt nào. Thế mà gặp cô, tôi ngước lên nhìn chờ đợi và suýt nữa thì không đứng vững khi nghe cô nói câu:
- Cô cho em đảm nhận chức lớp phó kỷ luật, em có đồng ý không?
Cảm xúc và suy nghĩ của tôi lúc đó cứ lẫn lộn. Cô vui vẻ nói:
- Em cố gắng làm tốt nhé, ngày mai cô sẽ thông báo cho cả lớp biết.
Tôi "dạ" lí nhí trong miệng.
Trong mấy ngày đầu tôi cực kỳ hạnh phúc với chức vụ mới và cái máu đánh nhau trong tôi dường như bị nhốt chặt. Thế nhưng, chỉ sau một tuần nó lại bị thả ra cộng với sự huênh hoang lên mặt do cái chức “lớp phó kỷ luật” mang lại. Tôi vi phạm chính kỷ luật mà cô giao cho tôi canh giữ, gây cho cô không ít khó khăn với ban giám hiệu. Tôi không để cô gọi lên gặp một lần nữa mà nghe theo lời những anh đã bỏ học trong xóm lên thành phố làm thuê.
Tôi bỏ học, bỏ nhà đi, có lẽ người lo lắng cho tôi nhất ngoài bố mẹ ra là cô. Cô đã cùng bố tôi đi tìm tôi suốt mấy ngày liền ở thành phố. Bắt gặp tôi tại một công trường xây dựng, tôi chạy, cô đuổi theo, vừa đuổi theo tôi cô vừa khóc. Tôi dừng lại sau một tiếng nấc của cô. Cô chạy lại nắm chặt tay tôi như là sợ tôi lại biến mất. Cô không nói một lời suốt dọc đường về. Về đến khu tập thể của trường nơi cô ở thì cũng đã quá trưa. Cô xin phép bố cho tôi ở lại với cô một lát rồi cô sẽ đưa tôi về nhà. Tôi chỉ dám im lặng làm theo cô mà thôi.
Phòng cô chẳng có đồ đạc gì nhiều, điều mà tôi chú ý nhất là cái bàn nhỏ để cô ngồi soạn giáo án. Trên cái bàn ấy là tấm hình cả lớp tôi chụp cùng cô, được lồng khung để ngay ngắn. Thấy tôi đứng đó cô gọi tôi lại phụ cô nấu cơm trưa và không hề nhắc gì đến chuyện tôi bỏ nhà đi, không hề trách mắng, cô hỏi tôi công việc mà tôi làm. Cô làm cho tôi cảm thấy gần gũi hơn và mạnh dạn hơn, bữa cơm hôm đó thật là đáng nhớ. Tôi đã kể hết cho cô nghe về gia đình tôi, về lý do tôi bỏ đi, tôi nhận thấy trong mắt cô một niềm cảm thông sâu sắc.
Ăn cơm xong, cô kể cho tôi nghe về cô, dường như cô xem tôi là một người em và đem những hi vọng, ước mơ về nghề giáo viên của cô ra tâm sự với tôi. Khi ấy, tôi cũng mạnh dạn hỏi cô:
- Sao cô không ở thành phố làm vậy cô, về đây vừa nghèo, vừa khổ?
Cô cười, một nụ cười dịu dàng nhưng chứa đựng niềm lạc quan và hi vọng lớn lao. Cô nói:
- Ở thành phố đủ giáo viên rồi, còn ở quê thì thiếu. Cô rất thương các em phải chịu thiệt thòi. Trong lớp mình có không ít bạn thông minh, học giỏi nhưng vì điều kiện nên không thể bằng những bạn ở thành phố. Cô không muốn em nào phải bỏ học vì bất cứ lý do gì.
Tôi im lặng thật lâu. Cô ơi, sao cô không la mắng em, sao cô không trách móc đứa học trò đã gây cho cô không ít khó nhọc trong những ngày tháng đầu tiên đứng trên bục giảng? Tôi thấy ghét bản thân mình vì đã cố ý gây tổn thương cho tấm lòng nhiệt huyết của cô.
Cô không ở lại thành phố như những bạn bè khác, cô về quê, nơi đất đỏ lúc nào cũng quấn gấu quần, lúc nào cũng bụi mù cả đường đi, nơi không có những trường học khang trang, thậm chí còn không có cả thư viện, nơi mà học sinh không hứng thú gì với việc đến trường. Cô không còn chỗ để đi ư? Cô vì bất đắc dĩ ư? Không. Nhất định không phải như vậy, cô tự nguyện về đây! Tôi nhận ra điều đó nhờ vào giọng nói mạnh mẽ và những lời đầy tâm huyết của cô.
Về nhà, đối mặt với ba mẹ, tôi không cảm thấy sợ nữa mà tôi dũng cảm nhận lỗi. Tối hôm đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cô, về tấm lòng của cô đối với những học trò như tôi. Tôi khi đó mới học lớp 8 và lần đầu tiên trong đời tôi biết tự kiểm điểm bản thân mình.
Sáng hôm sau dậy thật sớm. Tôi đi học với một niềm vui và khí thế tưng bừng. Thế nhưng, khi bước đến cửa lớp tôi lại không dám vào. Các bạn đã vào hết rồi nhưng tôi vẫn đứng chôn chân. Một tiếng gọi sau lưng làm tôi hoảng hốt. Cô bước lại gần tôi và nắm tay tôi dắt vào lớp. Hơi ấm nơi bàn tay cô truyền cho tôi một sức mạnh khó tin. Ngay từ khi đó, tôi đã có ước mơ và mục tiêu của cuộc đời mình.
Hôm nay tôi đã là sinh viên năm cuối của Học viện Hành chính quốc gia. Tôi sắp tốt nghiệp ra trường và nhất định tôi sẽ trở về vùng quê đất đỏ ngập gót chân ấy, nơi có mùi hương hoa cà phê hòa vào không khí. Nơi có màu vàng rực của dã quỳ luôn soi sáng những ước mơ mà bao người con sinh ra trên mảnh đất này đã lãng quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận