Hồi đó gia đình tôi có tới chín miệng ăn mà chỉ có hai lao động chính là bố và mẹ tôi, bà nội tôi đã già chỉ ở nhà trông nhà, trông cháu, cô út cũng gần bằng tuổi tôi nên chỉ biết thả bò vác củi là cùng.
Nhà sống xa trường học, việc chạy ăn hằng ngày đã khó huống hồ việc lo tiền sách vở học hành. Hằng ngày làm lụng vất vả, mẹ đã già, đàn con nheo nhóc hẳn bố mẹ tôi cũng nản lắm.
Cuộc sống ngày càng khó khăn. Là con trai trưởng trong một gia đình có năm anh chị em, năm 1992 lúc tôi tròn 10 tuổi cả gia đình tôi di cư đến Khuổi Ỏ thuộc xã Trương Lương cùng huyện để kiếm kế sinh nhai, cuộc sống và nghề nghiệp của gia đình tôi cũng chẳng có gì thay đổi và khấm khá hơn. Năm 1994 lúc tôi lên tuổi 12 mới được đi học lớp xóa mù chữ tại nhà dân (chú Hoàng Văn Sỉnh) ở bản Kéo Cam cách nhà tôi hơn một tiếng đi bộ (đường mòn).
Lớp học hồi đó nhà tôi có cô út cùng tôi và một em trai, một em gái đi học còn lại hai em gái nhỏ ở nhà. Nhưng cho đến bây giờ thì cả lớp hồi đó có duy nhất mình tôi học đến đại học, còn lại đa số không học hết cấp I và hầu hết bây giờ đã làm cha, làm mẹ.
Theo danh sách lớp học có hơn bốn mươi học viên nhưng hôm nào cũng chỉ có mặt khoảng hai mươi đến ba mươi người. Cả bản Kéo Cam là dân tộc Dao nhưng cô giáo của chúng tôi là dân tộc Tày, cô tên Biếc, người hiền lành, dễ mến và rất nhiệt tình, những ngày đầu chúng tôi chưa hiểu được tiếng Kinh cô dạy học bằng tiếng Tày rồi dần dần chuyển sang tiếng Kinh.
Tôi còn nhớ buổi học đầu tiên lớp có mặt khoảng hơn hai mươi người, lúc đó tôi còn là một thằng bé sống ở bản lẻ rất nhút nhát và rụt rè nên tôi chọn cho mình một chỗ ngồi ở cuối lớp để tránh sự chú ý của người khác. Cô giáo dạy chúng tôi hát bài Rừng núi quê ta, những lúc bắt giọng đôi khi cô xuống tận cuối lớp đứng cạnh tôi, nhiều lúc hát không đúng tự nhiên tôi xấu hổ đỏ cả mặt. Có vẻ hiểu được hoàn cảnh của tôi cô rất thông cảm cho tôi.
Sau cái lớp học đó chúng tôi được lên thẳng lớp 3 và cô Biếc tiếp tục nhiệt tình dạy chúng tôi học tại nhà chú Sỉnh. Năm tôi đang học dở lớp 4 thì “đã nghèo còn đeo cái khổ”, tai họa giáng xuống gia đình tôi. Bố tôi trèo lên vách đá hái rau rừng bị đá lở cả người lẫn đá rơi từ trên cao xuống, hai chân đều bị thương, cẳng chân phải bị đá giập nát mất nhiều máu và ngất đi, cũng may ông ngoại tôi là một thầy thuốc đông nam y kết hợp có tiếng nên mẹ tôi cũng biết vài phương pháp cầm máu cơ bản để bố giữ được mạng sống ở lại cùng gia đình chúng tôi.
Dân làng anh em bàn bạc và đánh giá nếu đi bệnh viện kiểu gì cũng sẽ bị cắt chân vì nát xương không thể bó bột được. Hơn nữa do nhà nghèo, vả lại bác Liều bên mẹ tôi là một thầy thuốc giỏi đã được truyền nghề từ ông ngoại nên mọi người đã bàn bạc và chấp nhận tự chữa trị tại nhà. Tôi là đứa cả và được việc nhất nhà nên phải ở lại nhà chăm sóc bố ngày đêm và tôi đã quyết định bỏ học. Thấy tôi nghỉ học không phép một buổi, hai buổi rồi một tuần liền không lên lớp cô Biếc tìm hỏi han tin tức và trèo đèo lội suối đến thăm bố tôi, hiểu được hoàn cảnh của tôi cô ròng ròng nước mắt cầm lấy tay tôi run run nói: “ Em hãy cố gắng làm tốt mọi việc trước mắt đã nhé! Rồi gặp khó khăn gì cô sẽ giúp em”.
Tôi chỉ biết mím môi gật đầu, sau đó cô động viên tôi quay lại lớp mỗi tuần chỉ cần đến lớp học hai đến ba buổi để cô kiểm tra kiến thức, cô mua thêm sách vở, một số sách tham khảo cho tôi và hướng dẫn cách dùng sách tham khảo, phần lớn tự học ở nhà là chính. Sau một thời gian thử nghiệm kết quả cũng không tồi cô rất vui và năm đó tôi vẫn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Năm lên lớp 5 phải thi tốt nghiệp, cô Biếc sợ kiến thức của các học sinh trên bản kém hơn học sinh ở vùng thấp sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp và có nhiều em nhỏ trên bản đã đến tuổi đi học, dân bản đề nghị cô dạy thêm lớp 1. Trước tình hình đó lớp chúng tôi bắt buộc phải chuyển trường và hơn một nửa lớp đã tạm biệt sách vở từ đó.
Riêng tôi, cô Biếc biết được tôi ham học, sức học của tôi được cô tin tưởng và biết được hoàn cảnh mẹ tôi mù chữ hiểu biết xã hội hạn chế nên cô đã hẹn mẹ tôi đưa tôi ra chợ xã đích thân cô lo liệu hồ sơ và dẫn tôi đi nhập học tận lớp học, giao tôi cho cô Nga chủ nhiệm lớp 5 tại Trường cấp I, II Trương Lương hồi đó. Chợ xã ngay cạnh trường tôi nên sau đó cứ mỗi phiên chợ cô lại xuống tận lớp tìm gặp thăm tôi và hỏi han tình hình học tập của tôi.
Tuy nhà tôi cách trường hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ đường mòn và nhập học muộn gần một tháng trời nhưng do kiến thức tôi vững và chịu khó thức khuya dậy sớm để không phụ lòng tốt của thầy cô, bố mẹ cuối năm đó tôi đạt tốt nghiệp lớp 5 loại giỏi. Và con đường học của tôi tiếp tục cho đến bây giờ tôi đã là một sinh viên đại học năm thứ tư, còn cô út của tôi, các bạn và các em của tôi trong cái lớp học của cô Biếc ngày đó giờ hầu hết đã làm cha làm mẹ.
Khi tôi viết những dòng này thì cô Biếc đã nghỉ hưu vài năm nay. Hiện cô vẫn còn khỏe mạnh và sống hạnh phúc cùng gia đình, thi thoảng cô lại gọi điện động viên tôi rằng: “Cô đã gieo chữ cho nhiều người nhưng ít người ươm được chữ nảy mầm và đơm hoa kết trái, cô hi vọng em sẽ làm được điều đó”. Câu nói đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiến xa hơn trên con đường học tập và tự hoàn thiện mình hơn trong cuộc sống. Để không phụ lòng cô, tôi sẽ cố gắng phấn đấu nhiều hơn. Và tôi luôn nhớ “có một cô giáo như thế”. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi rằng: “Nếu không có cô giáo đầu tiên ngày ấy thì tôi sẽ ra sao?”.
Thái Nguyên 26-7-2010
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận