07/01/2007 10:15 GMT+7

Cô gái Việt ở Boston

LÊ VĂN THẢO
LÊ VĂN THẢO

TTCT - Non tháng sang Mỹ theo chương trình hội thảo của Trung tâm William Joiner, chúng tôi làm việc ở Trường đại học Massachusetts hơn hai tuần lễ, trao đổi kinh nghiệm viết về chiến tranh, về xã hội sau chiến tranh, đông đảo đại biểu là nhà văn Mỹ, những sinh viên đại học dự trại sáng tác, đại biểu người Việt chỉ có mấy người từ bên nước sang và các nhà văn người Việt ở Mỹ.

2q3TJ8vT.jpgPhóng to
Nguyễn Hồng Nhung và Lê Văn Thảo ở Boston

Tôi nói lời xin lỗi các bạn Mỹ nếu tôi phải nói nhiều hơn về chiến tranh với các bạn người VN chúng tôi, dù sao cuộc chiến cũng xảy ra trên đất nước chúng tôi, những mất mát đau thương, tâm tư nhức nhối còn lại là của chúng tôi.

Và tôi đã nói, chân tình gần gũi nhưng ngôn ngữ bất đồng, thời gian lại ngắn ngủi, rốt lại chỉ là những lời lẽ trong hội nghị. Những gì tôi thu nhập trong chuyến đi là gặp gỡ bạn bè các nhà văn cựu binh Mỹ tôi quen trong chuyến đi lần trước hay những lần các anh sang VN, trao đổi đôi điều về việc viết về chiến tranh, những kỷ niệm trong chiến tranh. Thật ra, như thông thường trong các chuyến đi, tôi chú ý nhiều hơn các chuyện “bên lề”. Tôi chú ý tới cách người Mỹ tổ chức hội nghị, các nhà văn y phục xuề xòa ăn uống ngay trên bàn viết nhưng rất chú tâm vào diễn đàn, không khí yên phắc, người nói say sưa người nghe chăm chú, diễn giả nhiệt tình và công chúng nghe nhiệt tình.

Mùa hè ở Boston hơi nóng vào buổi trưa, buổi sáng buổi chiều lành lạnh, không khí khô ráo, dễ chịu. Có một câu ngạn ngữ vui ở Boston: “Bạn cần sang mùa khác ư? Xin đợi năm phút”. Đặc điểm của Boston là trong ngày có khi có cả thời tiết bốn mùa. Thành phố nhiều cây cối, nhà cửa ngăn nắp, đường sá rộng rãi thoáng mát. Nước Mỹ hoàn thiện về hệ thống đường sá cầu cống, cả hệ thống phân phối tiêu dùng, luật pháp thuế má. Chỉ riêng những cột máy thu tiền đậu xe cũng khiến tôi nhìn ngắm trầm trồ mãi. Vốn gốc nhà quê, cuộc sống tiện nghi bao giờ cũng làm tôi ngỡ ngàng choáng ngợp.

Nhưng cũng đến thế thôi, giàu có là của người ta. Những người bạn Mỹ cũng chỉ là bạn. Tôi đến đây để tìm hiểu, trao đổi tâm tình với những người Việt đồng bào ruột thịt: bà con sinh sống thế nào, tâm tư tình cảm ra sao, nghĩ gì về đất nước. Tôi đã từng sang Mỹ, đã gặp người Việt, ở nhà cũng không thiếu thông tin từ Mỹ dội về, trên báo trên mạng, người qua lại lúc nào cũng có. Nhưng nghe thấy là một chuyện, ở tại đây cùng ăn ngủ giữa cộng đồng non nửa triệu người Việt là chuyện khác.

Những ngày ở Boston tôi có quen biết Nguyễn Hồng Nhung, cô gái trẻ 21 tuổi sinh viên dự trại sáng tác. Quê Nhung ở Quảng Ninh nhưng Nhung sinh ra lớn lên ở Mỹ, chưa một lần về quê, chưa từng nhìn thấy con trâu ruộng lúa. Vậy mà Nhung nói thông thạo tiếng Việt, viết thông thạo chữ Việt, trong khi ở nhà Nhung mọi người đều nói tiếng Anh, hai anh trai Nhung không hề biết tiếng Việt, người mẹ nói chuyện với các con cũng bằng tiếng Anh. Tôi không hỏi Nhung học nói và viết tiếng Việt như thế nào, ở đâu, tự mình mày mò ra sao. Tôi dành điều bí ẩn đó cho riêng của Nhung, và lòng khâm phục ngưỡng mộ riêng của tôi.

Những ngày ở Boston đầy ấn tượng, nhưng tôi vẫn nôn nóng về California với cộng đồng đông đảo người Việt, dù rất hồi hộp lo âu, không biết những gì chờ đón chúng tôi dưới đó. Tám năm trước, một lần sang Mỹ chính tôi đã bị một nhóm người Việt gây hấn.

Sau ba tuần ở Boston chúng tôi “xuôi” về Cali, đầu trên nước Mỹ đi xuống đầu dưới, bên này Thái Bình Dương qua bên kia Đại Tây Dương. Vài ngày đầu hơi lo, rồi quen dần, rồi thấy gần gũi, tôi có thể tự mình đi siêu thị tiệm quán chuyện vãn với các cô gái bán bánh mì thịt nước trái cây, ngồi coi bóng đá giải vô địch thế giới trò chuyện tranh cãi, có khi cả mấy ngày không gặp người Mỹ nào.

Trong mấy ngày ngắn ngủi điều đập vào mắt tôi đầu tiên là bà con mình vật vã làm ăn. Không so sánh với cảnh “nhàn nhã” bên mình, chuyện ăn không ngồi rồi không hay ho gì, nhưng quả bà con mình bên Mỹ làm ăn vật vã quá so với những người Mỹ xung quanh. Người bạn tôi giải thích: “Nhiều người Việt mình sang đây làm ăn khấm khá, không ít người giàu có, so với nhiều di dân khác không hề thua kém, có thể nói còn thành đạt hơn.

Nhưng cực lắm, cực hơn người ta nhiều. Mình từ đất nước đói nghèo sang, không có gì trong tay, tiền bạc vốn liếng nghề nghiệp, cả tiếng Anh cả bằng lái xe cái gì cũng phải học, cắm cúi học. Rồi cắm cúi làm, cần phải tích lũy, biết sau rồi thế nào, để dành tiền cho mình, cho con cái, gửi về bên nhà tiếp giúp bà con họ hàng. Không như ông bạn Mỹ cạnh nhà, lương trong tuần xài hết, thứ bảy chủ nhật dẫn vợ con đi chơi, vài bữa tổ chức party nhậu nhẹt, không phải lo gì cả”.

Chuyện làm ăn sinh sống là vậy, còn đời sống tinh thần? Hôm ở Boston tôi nói vui với anh bạn người Việt: “Mấy anh nói chúng tôi hay nói chính trị, nhưng sang bên này tôi thấy mấy anh còn chính trị hơn”. Mười ngày ở Cali đi đây đó, đến đâu vừa ngồi xuống là bàn chuyện thời sự chính trị thể chế này nọ, như một cuộc họp giao ban, toàn chuyện tầm “vĩ mô”.

Không thấy nói chuyện đời thường, chợ búa giá cả, thời tiết mưa nắng, cây cỏ sông nước, gia đình vợ con sinh sống... Những điều nêu ra thường xa vời, phiến diện, vẫn đầy những định kiến, những thông tin cóp nhặt rời rạc được thổi phồng lên, chỉ một ít người bàn luận rồi vội vàng đưa ra những kết luận xét đoán. Trong khi còn nhiều chuyện khác phải quan tâm.

Thí dụ như tiếng Việt ngày càng mai một đi trong cộng đồng người Việt đông đảo như thế này, con cái sinh ra lớn lên ở Mỹ gần như không dùng tiếng Việt. Đó là vấn đề sống còn, nhất là đối với nhà văn, không còn ngôn ngữ liệu có còn văn học hay không. Chúng ta thua hẳn nhiều cộng đồng di dân khác, như người Hoa, không chỉ về tiếng nói còn cả chuyện đoàn kết tương trợ nhau làm ăn. Tại sao?

Những ngày ở Cali, giữa cộng đồng đông đảo người Việt, thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới Nguyễn Hồng Nhung cũng đang ở trên đất Mỹ, nhưng ở Boston lạc lõng hơn nhiều, hình dung cô đang vật lộn với mớ từ ngữ tiếng Việt của mình, một mình đấu tranh giữ lấy nó, bảo tồn nó ở một nơi cách xa quê hương nửa vòng Trái đất, nói tiếng nói của quê hương cô chưa một lần nhìn thấy.

Đã tới ngày rời nước Mỹ, ưu tư day dứt vẫn còn, thêm đôi điều suy ngẫm. Ngồi chờ ở sân bay nhờ điện thoại anh bạn chào từ giã mọi người, bạn cũ và bạn mới. Riêng với Nguyễn Hồng Nhung không thể gọi - cô học trò nghèo không có số điện thoại. Ngồi yên vị trên máy bay rồi tôi vẫn chưa dứt được cảm giác nặng nề của một chuyến đi dài, nhưng cũng mừng thấy hành trang đem về có thêm điều gì đó.

Và vừa mới đây tôi nhận được thư của Nguyễn Hồng Nhung, thư viết: “Mùa thu đã đến Boston rồi, và cháu cảm thấy có điều lạ. Những chiếc lá chưa đổi màu đã rụng xuống đầy sân nhà của cháu rồi. Bên này Boston vẫn buồn thôi. Không có muôn màu muôn sắc như ở VN”. Thật lạ, cô gái trẻ tả cảnh sắc quê nhà khi chưa một lần nhìn thấy!

Thư còn viết cô mơ ước được về VN: “...Cháu sẽ ghé thăm chú. Cháu muốn xem phong cảnh núi và biển, bông sen và các loại hoa khác. Cháu muốn nếm thử nhiều thức ăn và mua sách về đọc”. Cô nói đang dành thời gian viết một quyển sách, nhưng ngồi vào bàn đầu óc trống rỗng, quyết tâm hẹn với mình chưa viết được trăm trang chưa về VN. Một quyết định thật dũng cảm và đáng yêu.

Mỗi lần nhớ về nước Mỹ, hình ảnh cô gái 21 tuổi đang vật lộn với tiếng mẹ đẻ giữa xứ người xa lạ, lại an ủi rất nhiều cho tôi, người cũng đang vật lộn với chữ nghĩa chính nơi đất ở của mình.

LÊ VĂN THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên