
Người lao động làm việc trong nhà máy của Hòa Phát - Ảnh: HPG
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố thông tin bất thường, thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 và tỉ lệ dự kiến năm 2025.
Ngày 26-3, hội đồng quản trị Hòa Phát thông qua tờ trình chi trả cổ tức năm 2024 với tỉ lệ 20%, gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Như vậy, với gần 6,4 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền chi trả cổ tức bằng tiền mặt ước tính khoảng 3.198 tỉ đồng.
Tuy nhiên theo cuộc họp mới nhất, công ty sẽ trình cổ đông phương án giữ nguyên tỉ lệ 20% nhưng chuyển toàn bộ sang hình thức trả bằng cổ phiếu. Kế hoạch này sẽ được trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào ngày 17-4.
Nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh là từ diễn biến của chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của chính quyền ông Donald Trump và trên cơ sở thận trọng, đảm bảo nguồn vốn tiền mặt.
Năm 2025, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 15.000 tỉ đồng và duy trì mức cổ tức 20%.
Về thuế quan, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá thép mạ từ Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Trong đó, Công ty TNHH Tôn Hòa Phát (thành viên của Tập đoàn Hòa Phát) và Thép Nam Kim chịu mức thuế 49,42%, Hoa Sen 59%, Tôn Đông Á 39,84%, trong khi các doanh nghiệp không nêu tên chịu mức thuế cao nhất 88,12%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam (chiếm 13%) tính đến cuối năm 2024 (sau khu vực Đông Nam Á và châu Âu).
Báo cáo chiến lược tháng 4-2025 do SSI mới công bố đã đánh giá, dù các mặt hàng thép không chịu thuế đối ứng trực tiếp, ngành thép Việt Nam vẫn đối mặt với thuế nhập khẩu 25% toàn cầu và thuế chống bán phá giá sơ bộ từ 40 - 88% với tôn mạ.
Nếu thuế quan 46% duy trì dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể giảm, ảnh hưởng nhu cầu thép cho xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, đầu tư công và phát triển bất động sản sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận