09/06/2017 09:15 GMT+7

Có đến 40 điểm sạt lở, TP.HCM kiến nghị di dời dân

THU DUNG - N.ẨN
THU DUNG - N.ẨN

TTO - Tính đến ngày 30-5, tại 8 quận huyện trên địa bàn TP.HCM có 40 điểm sạt lở khu vực bờ sông, kênh rạch - theo Sở Giao thông vận tải TP.

Một điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông Sài Gòn, phía Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Một điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông Sài Gòn, phía Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Trong đó có 23 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 16 điểm sạt lở nguy hiểm và 1 điểm sạt lở bình thường.

Theo đó, H.Nhà Bè có nhiều điểm sạt lở nhất (16 điểm) và có đến 11 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Kế đến là Q.2, Q.Thủ Đức và H.Cần Giờ, mỗi địa phương có 5 điểm sạt lở (hơn một nửa là điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm)...

Ông Nguyễn Văn Tám, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sở đã giao Khu quản lý đường thủy nội địa TP phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển báo khu vực sạt lở bờ sông và thường xuyên kiểm tra để cảnh báo khu vực xuất hiện dấu hiệu sạt lở.

Đồng thời tập trung nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án xây dựng kè bảo vệ bờ tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, sở cũng kiến nghị UBND các quận có kế hoạch di dời ngay người dân sinh sống tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm đến nơi an toàn.

Về việc triển khai các dự án chống sạt lở, ông Nguyễn Văn Tám cho biết hiện nay đã có 33 dự án xây dựng bờ kè đang được triển khai tại 35 vị trí sạt lở. Tuy nhiên, các dự án này gặp nhiều khó khăn vì công tác đền bù giải phóng mặt bằng do UBND quận, huyện thực hiện chậm và nguồn vốn để thi công dự án cũng chưa được bố trí.

Sở GTVT TP đã kiến nghị UBND TP ưu tiên bố trí vốn kịp thời để sở và UBND các quận, huyện triển khai thực hiện ngay 33 dự án nói trên. Các vị trí sạt lở còn lại sẽ xây dựng bờ kè trong giai đoạn 2017-2018.

Theo một lãnh đạo Phòng quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP), Sở GTVT TP kiến nghị quận, huyện di dời ngay người dân ở vùng sạt lở nguy hiểm là vì đến nay chỉ có H.Nhà Bè di dời một số hộ dân ở khu vực sạt lở tại bờ phải sông Rạch Tôm, xã Nhơn Đức.

Ngày 30-5 tại khu vực này xuất hiện vết nứt dài, báo hiệu nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. “Khi UBND TP chỉ đạo, H.Nhà Bè mới di dời các hộ dân tại khu vực sông Rạch Tôm nói trên. Còn lại các địa phương khác chưa được di dời dân tại các khu vực sạt lở nguy hiểm” - vị này cho biết.

Trao đổi về việc khắc phục điểm sạt lở tại bờ phải sông Rạch Tôm, ông Bùi Hòa An - phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè - cho biết đã di dời 8 hộ dân sống trong khu vực này. Hiện chính quyền phải tiếp tục vận động để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng còn lại đến nơi an toàn.

Từ ngày 5-6, H.Nhà Bè cũng đã phối hợp với Viện Khoa học - thủy lợi miền Nam cùng các đơn vị liên quan tiến hành xử lý hố xoáy gây sạt lở (dự kiến sẽ xử lý nhanh trong vòng một tuần). Song song đó, các lực lượng chức năng phải túc trực 24/24 giờ tại khu vực này để cập nhật diễn biến mới về vụ sạt lở.

“Về phương án khắc phục lâu dài, UBND huyện sẽ có kế hoạch trình UBND TP đề xuất xây một đoạn kè bao quanh khu vực cầu Rạch Tôm dài khoảng 500m” - ông An nói.

Hỗ trợ dân di dời nhà từ 20-25 triệu đồng/hộ

Theo Sở GTVT TP, khi di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, các quận, huyện áp dụng quyết định 29/2016 của UBND TP về chính sách và mức hỗ trợ khắc phục thiên tai để hỗ trợ người dân.

Theo quyết định này, việc hỗ trợ di dời đối với các hộ gia đình, cá nhân mất cả nhà và đất ở phải có nguồn gốc pháp lý rõ ràng. Trường hợp di dời trong cùng quận, huyện, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; di dời trong TP hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ; di dời ra ngoài TP hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ.

THU DUNG - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên