22/01/2009 20:09 GMT+7

Có chút gì đó chơi vơi…

H.T.
H.T.

TTO - Những ngày cuối năm có một cái "tội" rất lớn là luôn làm người ta xao lòng… Nhưng cái "tội" đó kể cũng dễ thương chứ? Bởi biết đâu được, chính những xao lòng ấy mà người ta biết quý trọng hơn những giá trị của cuộc sống, của mỗi thời khắc đang qua, của những sum vầy, đoàn tụ… để hạnh phúc hơn khi được náo nức, được vội vã trở về bên gia đình và những người thương yêu.

kAT2QOMw.jpgPhóng to
Sài Gòn đêm xuân - Ảnh Nguyễn Thanh Tài dự thi cuộc thi ảnh Xuân 2009 "Những nẻo đường xuân"
TTO - Những ngày cuối năm có một cái "tội" rất lớn là luôn làm người ta xao lòng… Nhưng cái "tội" đó kể cũng dễ thương chứ? Bởi biết đâu được, chính những xao lòng ấy mà người ta biết quý trọng hơn những giá trị của cuộc sống, của mỗi thời khắc đang qua, của những sum vầy, đoàn tụ… để hạnh phúc hơn khi được náo nức, được vội vã trở về bên gia đình và những người thương yêu.

Nên chơi vơi quá, khi thấy phố xá náo nức, người người náo nức mà mình chỉ yên lặng ngắm nhìn. Ai cũng nói Tết Sài Gòn buồn lắm, vắng hoe. Ai cũng nói “thử đi rồi hối hận”. Ai cũng nói đừng ở lại, sẽ rơi nước mắt cho coi, về nhà đi, về với Tết Hà Nội có hoa đào và có mùi hương trầm ấm trong rét giá, để rồi được xúng xính áo len, áo khoác đủ màu và xuýt xoa phà hơi thở vào lòng tay cho ấm mỗi khi ra phố dạo chơi…

Về nhà để còn canh được canh nồi bánh chưng, xem chừng nồi thịt kho tàu và đun nước mùi già cho cả nhà tắm tất niên, giũ sạch mùi năm cũ mà thơm tho đón giao thừa…

Muốn lắm chứ. Nhất là khi chưa một lần nào không có mặt cùng gia đình đúng vào thời khắc giao thừa, giữa thênh thang của trời đêm, của khu vườn rộng, ngẩng mặt lên trời ngắm bầu trời đen thẫm, rộng mở và hít một hơi thở sâu, cảm nhận một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng đang tràn ngập không gian và chính mình… Giao thừa lúc nào cũng ấm. Giao thừa lúc nào cũng uống ly rượu chúc sức khỏe bố mẹ và anh trai. Giao thừa lúc nào cũng ngồi cùng anh trai và mẹ nghe bố nhắc vài điều năm cũ và dặn những điều năm mới.

Nên chơi vơi quá khi giao thừa này ở lại thành phố. Chắc sẽ rơi nước mắt. Dù sẽ cười trong điện thoại thay vì khóc. Bởi giao thừa lúc nào cũng ấm. Và dù con gái có về hay không, giao thừa nhà mình vẫn sẽ như thế. Mẹ cũng sẽ làm xôi và gà cúng tổ tiên ông bà. Chị dâu sẽ thay cô con gái trong gia đình làm bánh cúng sang canh và anh trai sẽ nâng ly rượu đỏ thẫm sóng sánh mừng tuổi bố mẹ thay em gái.

Đâu có sao, cũng như là con gái đang có nhà vậy. Nhà năm nay lại vui bởi gia đình đã có thêm một sinh linh bé bỏng xinh xắn, mắt sáng rạng rỡ. Này bé con, con chính là mùa xuân ấm của ông bà, của bố mẹ con. Và của cô nữa…

Nên chỉ là có chút gì đó chơi vơi vậy thôi, khi mỗi ngày nhìn ngắm thành phố và người người náo nức. Sẽ không hối hận đâu khi ở lại, hứa đó, bạn thân mến. Sẽ không được đón giao thừa đất Bắc. Nhưng sẽ được nhìn ngắm thành phố không biết tự bao giờ đã trở nên rất thân thuộc với đêm giao thừa có pháo bông rực rỡ, có cái ấm nóng đặc trưng của Phương Nam và có mai vàng rực rỡ trên mỗi đường đi…

Sẽ còn được ngắm những đường phố thường ngày đông nay vắng. Sẽ được biết sao là Sài Gòn vắng hoe, sao là Sài Gòn hiền lành, yên ả… Để hiểu hơn cảm giác của thi sĩ họ Đỗ khi anh viết tạp bút báo Xuân “Ta tìm một quán cà phê nho nhỏ còn mở muộn vì chủ nhà không về quên ăn Tết, quán lề đường mà ngày thường không được phép kê ghế, kê bàn. Bây giờ vắng vẻ. Ngồi êm ả ngắm buổi chiều cuối cùng của năm trôi đi nhè nhẹ, buồn buồn nhưng thú vị khôn cùng…”(*)

* Trích “Cuối năm đùa chút thôi mà” – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số Xuân

H.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên