|
||
Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm thủ tục - Nguồn: Tổng cục Hải quan - Dữ liệu: Lê Thanh - Đồ họa: V.Cường |
Doanh nghiệp sẽ chỉ gửi một hồ sơ bằng điện tử cho nơi duy nhất là Cổng thông tin điện tử quốc gia, thay vì nhiều hồ sơ bằng giấy cho nhiều bộ ngành |
Ngày 12-11 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã bấm nút công bố triển khai chính thức cơ chế một cửa quốc gia ở cảng biển quốc tế, trước mắt thực hiện tại cảng Hải Phòng, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia, khẳng định đây là dấu mốc quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Đồng thời, là thực hiện cam kết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính, thành viên Ban chỉ đạo cơ chế một cửa quốc gia - cho biết lợi ích lớn nhất của cơ chế này là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa của VN.
Đến cuối năm 2013, thời gian thông quan hàng hóa của VN là 21 ngày. Nếu làm được cơ chế một cửa quốc gia tốt thì thời gian thông quan sẽ giảm được 3,5-4 ngày.
Lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp được hưởng khi cơ chế này vận hành, theo ông Trần Quốc Định - phó trưởng Ban cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí và thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chỉ gửi một hồ sơ bằng điện tử cho nơi duy nhất là Cổng thông tin điện tử quốc gia, thay vì nhiều hồ sơ bằng giấy cho nhiều bộ ngành. Do nộp tờ khai điện tử qua mạng Internet nên doanh nghiệp có thể ngồi tại trụ sở hay bất cứ đâu để thực hiện.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần có máy tính được nối mạng Internet. Phần mềm để khai báo trên hệ thống này sẽ được Cổng thông tin điện tử quốc gia cấp miễn phí.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh chỉ riêng các loại giấy tờ, doanh nghiệp sẽ giảm được 4-5 lần so với hiện nay.
“Doanh nghiệp không phải mang giấy tờ đến các cơ quan bộ ngành để được cấp giấy kiểm tra, kiểm dịch, giấy kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nữa. Và doanh nghiệp cũng không phải nộp giấy tờ đã được các cơ quan nhà nước cấp cho cơ quan hải quan.
Cơ quan hải quan căn cứ vào thông tin mà doanh nghiệp kê khai trong tờ khai như giấy phép được cấp số bao nhiêu, cấp ngày nào... để tra cứu, kiểm tra trên hệ thống Cổng thông tin điện tử quốc gia” - ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, trước mắt mới chỉ có các thủ tục hành chính của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải kết nối vào Cổng thông tin điện tử quốc gia.
Dự kiến khoảng hai tuần nữa thủ tục hành chính của Bộ Công thương sẽ kết nối vào hệ thống này. Trong quý 2 năm sau, các thủ tục hành chính của Bộ đội biên phòng, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ tiếp tục kết nối.
Từ năm 2016, cổng thông tin điện tử quốc gia sẽ tiến hành mở rộng kết nối các thủ tục hành chính cấp phép đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh của các bộ ngành. Đồng thời, việc kết nối chính thức một cửa quốc gia còn là tiền đề cho cơ chế một cửa ASEAN.
Năm 2015, VN sẽ kết nối thí điểm một cửa ASEAN với Lào, Myanmar, Philippines và Indonesia. Theo đó, các doanh nghiệp của các nước khi xuất khẩu sang các nước trong nội khối ASEAN sẽ thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa ASEAN.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Định đánh giá việc phối hợp giữa các bộ ngành để thực hiện thủ tục hành chính điện tử lại là công việc khó khăn nhất.
Bởi lẽ, các bộ ngành đều phải sử dụng hệ thống thông tin nhằm đảm bảo thông tin gửi đến phải được xử lý và phản hồi ngay. Trường hợp một bộ chậm thì cả dây chuyền bị ách tắc, chậm theo.
4 cơ quan quản lý xử lý thủ tục Tổng cục Hải quan cũng cho biết các giấy tờ mà doanh nghiệp vận tải biển sẽ gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ chế một cửa quốc gia bao gồm 12 chứng từ. Đó là: bản khai chung, danh sách thuyền viên, danh sách hành khách, bản khai hàng hóa, bản khai hàng hóa nguy hiểm, bản khai dự trữ của tàu, bản khai hành lý thuyền viên, giấy khai báo y tế hàng hải, bản khai kiểm dịch thực vật, bản khai kiểm dịch động vật, giấy phép rời cảng, bản khai an ninh tàu biển. Bốn cơ quan quản lý xử lý thủ tục 12 loại giấy tờ nêu trên, gồm: cảng vụ (thuộc Cục Hàng hải VN), hải quan, biên phòng, kiểm dịch động, thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận