05/05/2017 09:48 GMT+7

Cơ chế đặc thù tạo động lực cho TP.HCM phát triển

NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG
NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG

TTO - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nghị định 48/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM để TP phát triển, thực hiện vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.

Đường Phạm Văn Đồng là một trong những công trình giao thông của TP.HCM được làm theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Trong ảnh: khu vực cầu Bình Lợi thuộc dự án này - Ảnh: Tự Trung
Đường Phạm Văn Đồng là một trong những công trình giao thông của TP.HCM được làm theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Trong ảnh: khu vực cầu Bình Lợi thuộc dự án này - Ảnh: Tự Trung

Với những đề xuất chưa được cho phép, TP sẽ tiếp tục đeo bám, kiến nghị. Những vấn đề đã áp dụng thí điểm ở TP nếu cho kết quả tốt thì cũng phải kiên trì theo đuổi để trung ương xem xét, nhân rộng trên phạm vi cả nước

Ông Cao Thanh Bình (phó trưởng Ban kinh tế và ngân sách, HĐND TP)

Vậy cơ chế đặc biệt này có gì khác so với đề xuất của TP? Với cơ chế mới, TP.HCM có những thuận lợi như thế nào?

Nhiều đề xuất chưa được chấp thuận

Theo một chuyên gia tài chính, nghị định 48 chưa thực sự là một cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong thời điểm hiện nay và nhiều nội dung đề xuất của UBND TP chưa được Chính phủ chấp thuận. Nhiều quy định trong nghị định 48 TP đã và đang áp dụng, thậm chí một số nguồn tài chính cho TP còn thấp hơn quy định hiện hành.

Cụ thể như về phân cấp nguồn thu thì TP vẫn phải tuân thủ theo Luật ngân sách nhà nước. Trong khi đó, UBND TP đã đề xuất cơ chế đặc thù cho phù hợp với quy mô đô thị lớn.

Cụ thể như cấp lại cho TP một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8 - 10 - 12% tổng thu) trong vòng 10 năm để tạo điều kiện cho TP bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển; cho phép TP nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh và một số loại phí đối với hoạt động dịch vụ trên địa bàn.

Về cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP từ số tăng thu ngân sách, theo chuyên gia tài chính trên thì mức thưởng thấp hơn so với cơ chế hiện hành mà TP được hưởng (theo nghị định 124 năm 2004 và nghị định 61 năm 2014).

Quy định hiện hành, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP tương ứng 70% số tăng thu ngân sách so với dự toán được Thủ tướng giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. UBND TP đề xuất giữ nguyên mức “tương ứng 70%” này nhưng nghị định 48 lại thu hẹp chỉ còn “không quá 70%” số tăng thu ngân sách.

UBND TP đã đề xuất thời gian ổn định tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và TP là hai thời kỳ ổn định ngân sách (tức 10 năm theo Luật ngân sách nhà nước). Tuy nhiên, nghị định 48 chỉ quy định thời gian ổn định này trong vòng 5 năm. Quy định hiện hành thì thời gian này do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Cũng theo phân tích của một số chuyên gia, nghị định 48 chỉ thống nhất với kiến nghị của TP nội dung về sử dụng quỹ dự trữ tài chính. Đó là TP được chủ động quyết định mức bố trí quỹ dự trữ tài chính địa phương phù hợp với nhu cầu dự trữ tài chính và khả năng cân đối thực tế của ngân sách TP.

Ngoài ra, TP được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn và thời gian tạm ứng không quá 36 tháng kể từ ngày tạm ứng.

Và thêm nữa, theo Luật ngân sách nhà nước, hạn mức dư nợ vay của ngân sách TP không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được giữ lại. Tuy nhiên, nghị định 48 cho phép TP được hưởng hạn mức dư nợ vay không vượt quá 70% số trên, cao hơn quy định của luật.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trước đòi hỏi từ thực tế, TP sẽ tìm kiếm thêm nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện các dự án. Cụ thể như làm dự án theo hợp đồng BT, đổi đất lấy hạ tầng, phương thức công tư hợp tác (PPP). Trong những trường hợp cụ thể cần thiết, TP sẽ xin ý kiến các bộ ngành trung ương để giải quyết.

Cần sự quan tâm, phối hợp từ các bộ ngành

Theo ông Cao Thanh Bình - phó trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP, so với những gì TP đề xuất thì cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại nghị định 48 vẫn chưa được trọn vẹn như mong đợi.

“Chẳng hạn như về các loại phí đặc thù cho TP hay một số vấn đề phân cấp ủy quyền khác cũng chưa thấy đề cập” - ông Bình dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Bình nhìn nhận nghị định 48 có một số nội dung tạo điều kiện tốt cho TP. Ví dụ như với quỹ đất đang quản lý, TP được quyền tạm ứng từ ngân sách hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau đó thì thực hiện đấu giá để thu hồi vốn hoàn trả lại. “Đó là cơ chế rất tốt trong việc kêu gọi đầu tư công và TP sẽ chủ động được nguồn vốn hơn” - ông Bình nhận định.

Đánh giá về chỉ tiêu thu ngân sách, ông Bình cho rằng quy định về mức thưởng khi TP thu vượt ngân sách sẽ tạo thêm động lực cho TP tăng thu, các đơn vị cố gắng thu đạt và vượt chỉ tiêu. Tiền thưởng vượt thu sẽ dành để tái đầu tư cho lĩnh vực đầu tư công, TP có thêm điều kiện để nuôi dưỡng nguồn thu...

Ngoài ra, nghị định 48 còn quy định TP.HCM được tạm ứng từ quỹ dự trữ của TP để đầu tư các dự án hạ tầng. Theo ông Bình, quy định này giúp TP chủ động khi muốn đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo quy định mới tại nghị định 48, với những công trình, dự án vượt khả năng ngân sách của TP thì TP có quyền lập dự toán kèm theo đề nghị gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính. Trên cơ sở đề nghị của TP, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho TP.

“Nghe qua thì rất thuận lợi cho TP nhưng thực chất nguồn vốn cấp này có kịp thời hay không mới là điều quan trọng. Nói cách khác, các cơ chế đặc thù cho TP muốn phát huy tác dụng thì phải được sự quan tâm đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ từ phía các bộ ngành” - ông Bình nhấn mạnh.

NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên