PGS.TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại hội thảo “Các vấn đề phát triển TP.HCM, cơ chế - chính sách đột phá” chiều 9-3 - Ảnh: Tự Trung |
Đó là nội dung được đề cập nhiều tại hội thảo “Các vấn đề phát triển TP.HCM, cơ chế - chính sách đột phá” ngày 9-3.
TS Trần Du Lịch, nguyên phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng những vướng mắc về thể chế chung khiến những vấn đề thí điểm của TP trở nên quá khó khăn. Ông Lịch tha thiết: phải kiên trì mô hình chính quyền đô thị để tạo cơ chế phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương.
“Chính quyền 4 cấp chồng lấn chức năng như hiện nay không thể phát triển nổi” - ông Lịch nói.
Làm thí điểm để thuyết phục trung ương
Lấy ví dụ cụ thể từ thực tiễn mới nhất của TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng dẫn chứng: TP muốn lập lại đội săn bắt cướp, trung ương không đồng ý. Nhưng khi đặt vấn đề lập đội đặc nhiệm hình sự thì Bộ Công an đã cho thí điểm.
TP muốn quản lý thực phẩm sạch, xin lập Sở An toàn vệ sinh thực phẩm không được. Nhưng xin lập Ban quản lý vệ sinh thực phẩm, Chính phủ đã cho thí điểm 3 năm.
“Cách tiếp cận vấn đề phải hết sức mềm dẻo, khéo léo và khôn ngoan. Mục tiêu vẫn giữ nguyên thế, chỉ là thay đổi cách tiếp cận, cách đặt vấn đề. Ta cứ thí điểm đi, nếu làm tốt sẽ được làm tiếp” - ông Thăng gợi mở.
Trước những ý kiến về việc nên quyết tâm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, ông Đinh La Thăng đặt lại vấn đề: “Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao đề xuất về chính quyền đô thị lại thất bại” và cho rằng để dễ được chấp nhận, các đề xuất đều phải dựa trên những cơ sở thật vững chắc cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn.
Ông Thăng cho rằng chính quyền đô thị nên bắt đầu từ những mô hình thí điểm, chẳng hạn như trước đây TP muốn lập bốn TP vệ tinh thì nay thử làm một TP vệ tinh trước - có kết quả tốt rồi dần tìm cách thuyết phục trung ương sau.
Hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển
Theo TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN, nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 đã mở ra không gian và điều kiện cho TP bứt phá, mở ra cho TP những cơ hội lớn để thay đổi tư duy, cơ chế phát triển.
“Tuy nhiên, thời gian qua thực tế cho thấy tư tưởng trên của nghị quyết 16 chưa được thực hiện đầy đủ. Thậm chí còn xuất hiện những trói buộc, hạn chế mới, cản trở sự phát triển của TP” - ông Thiên nhận định.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết sự khác biệt về khả năng tạo ra GDP giữa các tỉnh thành nằm nhiều ở số lượng doanh nghiệp. Tỉnh thành nào có số doanh nghiệp trên 1.000 dân cao hơn sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn.
Do vậy trong quá trình phát triển của TP.HCM, các doanh nghiệp phải được xem là lực lượng cốt lõi.
Ông Vũ Thành Tự Anh đề xuất TP.HCM phải thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp, có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy lực lượng này lớn mạnh.
TP.HCM nên nghĩ đến thoái công nghiệp hóa Ngày 9-3, tại hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2017 do Thời Báo Kinh Tế VN tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho biết để có những phát triển đột phá, đã đến lúc TP.HCM nghĩ đến tư duy thoái công nghiệp hóa (thoát khỏi công nghiệp - PV). Đây là xu hướng mà những nước đang phát triển nỗ lực thoát ra để tiến lên một nền kinh tế tri thức, dựa vào nền tảng trí tuệ nhân tạo. Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết TP.HCM luôn coi việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phấn đấu đạt con số 500.000 doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020... là trụ cột quan trọng trong các chính sách phát triển. Mục tiêu đó cũng sẽ là cơ sở, động lực để kinh tế thành phố tăng trưởng hai con số và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận