18/02/2023 09:39 GMT+7

'Có cần học đại học': Đại học chỉ là một phần của sự học

Sự học lớn hơn đại học. Sự học cũng không nhất thiết phải đến từ trường lớp, mà có thể có ở mọi nơi, từ sách vở, kinh nghiệm, bạn bè, những người đi trước... Đại học, nếu có, cũng chỉ là một phần nhỏ trong sự học lớn lao ấy.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Sài Gòn năm học 2022 - 2023 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Sài Gòn năm học 2022 - 2023 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là chia sẻ của TS Giản Tư Trung - viện trưởng Viện giáo dục IRED - nhân diễn đàn "Có cần học đại học?" đang thu hút sự quan tâm của độc giả Tuổi Trẻ.

Tình hình "đảo ngược", bản chất không đổi

* "Có cần học đại học?", với bề dày gắn bó với lĩnh vực giáo dục, ông đã từng nhận được câu hỏi tương tự như thế không, thưa ông?

- Đã nhiều lần. Chẳng hạn một lần từ 15 năm trước. Thời điểm đó, đậu đại học rất khó, hàng vạn học sinh phải tranh nhau những suất ít ỏi vào các trường. Sự cạnh tranh khốc liệt đó khiến không ít thế hệ học sinh phải chịu rất nhiều áp lực thi cử. Có những thí sinh thi đại học đến lần thứ ba, thứ tư. 

Và báo chí ngày ấy cũng đã ghi nhận một số trường hợp thí sinh tự tử vì kết quả thi đại học không như mong muốn trước kỳ vọng khủng khiếp từ phía gia đình. Khi đó, nhiều người băn khoăn và tự hỏi: Cái giá vào đại học có đáng như thế không?

Hiện nay, tình hình có vẻ đảo ngược. Cánh cửa vào đại học quá rộng mở cho học sinh, đến nỗi nhiều người nói rằng chỉ có những ai "không thèm" học đại học mới không vào đại học. Thậm chí có nhiều học sinh không nộp hồ sơ vào bất cứ đại học nào nhưng vẫn nhận được mấy giấy báo trúng tuyển của các đại học mời nhập học.

Ngược lại, các doanh nghiệp tiến bộ ngày nay đa phần không còn quan trọng bằng cấp. Họ quan tâm nhiều hơn đến ứng viên có năng lực làm việc hay không, có giải quyết được vấn đề của họ hay không. Họ cũng coi trọng về tố chất, bản tính và tiềm năng phát triển của các ứng viên.

* Vậy quan điểm cá nhân của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, việc một người thành công trong sự nghiệp và cuộc sống sẽ không có sự liên quan lắm với việc có học đại học hay không. Điều quan trọng hơn đó là sự học. 

Đó là sự học khai phóng - sự học giúp mình khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình - kéo dài suốt sự nghiệp và cả đời người. Sự học ấy không nhất thiết phải đến từ trường lớp mà có thể có ở mọi nơi, từ sách vở, kinh nghiệm, bạn bè, những người đi trước...

Nói cách khác, sự học lớn hơn đại học, và học đại học, nếu có, cũng chỉ là một phần nhỏ trong sự học lớn lao ấy. Tỉ phú Bill Gates cũng từng chia sẻ rằng ông ấy bỏ học đại học chứ chưa bao giờ bỏ học và sự thành công trong sự nghiệp của ông ấy cũng là nhờ học.

'Có cần học đại học': Đại học chỉ là một phần của sự học - Ảnh 2.

Ngày nay, học không chỉ để biết bởi đã có nhiều công cụ hỗ trợ, điển hình như ChatGPT, sẽ giúp mình biết những gì cần biết. Do vậy, mình biết nhiều bao nhiêu chưa phải là điều quan trọng, mà quan trọng là mình sẽ làm được gì và sẽ sống ra sao với những gì mình biết.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung

Sứ mệnh của đại học

* Được biết, ông từng tâm sự trong buổi chia sẻ với một đại học, chúc họ sớm trở thành... đại học. Theo ông, ý nghĩa thực sự của các đại học là gì?

- Đại học là một thiết chế đặc biệt và có nhiều loại đại học khác nhau: đại học công, đại học tư, đại học quốc tế; đại học vì lợi nhuận, đại học không vì lợi nhuận; đại học tinh hoa, đại học bình thường... 

Mỗi loại đại học sẽ có chuẩn mực riêng, vận hành theo những cách thức, quy luật khác nhau về học thuật, tài chính, sở hữu, quản trị... Nhưng các đại học vẫn cần một chuẩn chung, một chân dung chung. Đó là đại học thì phải khác với trường nghề, khác với doanh nghiệp, khác với trại tuyên huấn, nơi truyền giáo.

Vì nếu đại học cũng chỉ là nơi dạy nghề, nó nên được gọi là trường nghề. Đại học cũng phải khác với doanh nghiệp, nếu không thì đã được gọi là công ty. 

Tương tự, đại học không phải là nơi để nhồi nhét cho sinh viên những kiến thức giáo điều ấu trĩ. Và tất nhiên, đại học có thể dạy về các tôn giáo như một loại tri thức văn hóa nhưng không nên là nơi truyền giáo, nơi phát triển tín đồ. Và nhà trường cũng cần độc lập với nhà chùa hay nhà thờ.

Đại học nên là nơi tạo tri thức mới (chức năng nghiên cứu) và trí thức mới (chức năng đào tạo), là nơi đào luyện đời sống tinh thần, khai tâm mở trí, giúp người học không chỉ có nghề ở trình độ cao mà còn có tầm vóc văn hóa.

* Vậy người học có thể tận dụng thời gian trong các đại học - hay bất cứ môi trường học thuật khác - như thế nào để nuôi dưỡng sự học lớn lao của mình, thưa ông?

- Tôi nghĩ không chỉ ở đại học mà còn ở các trường phổ thông, nuôi dưỡng được sự học trong môi trường này sẽ cần từ phía cả người học lẫn người thầy. Giáo dục trước tiên sẽ nuôi dưỡng tinh thần hiếu tri (khát khao hiểu biết) của người học, giúp người học tin rằng ta là sản phẩm của chính mình, mỗi cuộc đời là một tác phẩm mà ta là tác giả.

Một trong những quy tắc cơ bản là hỏi. Muốn tự học phải biết hỏi và biết cách hỏi. Trước khi hỏi, người học sẽ phải tự tìm tòi, nghiên cứu để cố gắng tự tìm ra lời đáp. Quá trình tự tìm tòi và hỏi này được lặp đi lặp lại sẽ góp phần duy trì được khả năng tự chủ học tập, và rộng hơn đó là sự học không chỉ trong môi trường học thuật mà còn đến khi bước ra cuộc sống sau này.

Về phía người thầy, theo tôi, cần có một phương châm sư phạm: Dạy không hẳn chỉ là trao truyền kiến thức, mà dạy chính là giúp cho người khác học. Nghĩa là người thầy sẽ giúp người khác học thế nào để người đó có khả năng tự lực khai phóng bản thân suốt đời. Kết hợp cả hai yếu tố sẽ làm cho môi trường học tập nào cũng sẽ khởi sắc.

Tìm mình mới là gốc

* Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ, nhiều học sinh thường thắc mắc về cách chọn ngành, chọn trường. Ông có lời khuyên nào gửi đến các bạn?

- Có nhiều học sinh hỏi trực tiếp các thầy cô rằng "Em nên chọn trường nào?". Tôi nghĩ câu hỏi ấy không thể trả lời, bởi trước đó phải hỏi câu "Em nên học ngành gì?". Tuy nhiên, câu hỏi này cũng chưa ổn, bởi trước đó nữa học sinh nên hỏi: "Em nên làm nghề gì?".

Muốn giải đáp câu trên, lại phải tiếp tục làm rõ nhiều câu hỏi căn cơ khác như "Tố chất, thiên hướng của em là gì?", "Ước nguyện của em là gì?"... Đó là hành trình khai phóng bản thân và tìm ra chính mình. Như vậy, tìm trường, tìm ngành, tìm nghề chỉ là cái ngọn, còn tìm mình mới là cái gốc.

Đại học không có lỗi

Thông tin về tuyển sinh đại học vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh học sinh. Trong ảnh: PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM (trái), đanggiải đáp thắc mắc cho phụ huynh, học sinh tại một buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báoTuổi Trẻ - Ảnh: N.HUY

Thông tin về tuyển sinh đại học vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh học sinh. Trong ảnh: PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM (trái), đanggiải đáp thắc mắc cho phụ huynh, học sinh tại một buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: N.HUY

Thực tế những năm gần đây nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lại không tìm được việc làm hoặc phải làm trái nghề với mức thu nhập thấp, đã dấy lên luồng nhận xét có hàm ý coi thường việc học đại học.

Tôi và cô bạn thân thời còn học sinh rất mê viết lách và cả hai sớm có chút thành tựu từ niềm đam mê này. Nhưng thời điểm những năm 1990 ấy, việc con cái phải thi đỗ đại học là sự hãnh diện của nhiều bậc phụ huynh.

Mẹ của bạn tôi là bác sĩ của một bệnh viện trong huyện và bà cấm con mình "văn chương vớ vẩn". Ba mẹ tôi thì cũng răn đe tôi nhiều điều nếu thi "rớt" đại học.

Chúng tôi đều đỗ đại học và đều học những chuyên ngành mà cả hai không thích. Bạn tôi sau nhiều năm học bác sĩ nha khoa, cô ấy tốt nghiệp, giao bằng cho mẹ rồi mở shop bán hoa và theo đuổi nghề viết lách đến giờ.

Còn tôi, sau hai năm chịu đựng với giảng đường đại học, tôi giấu gia đình việc nghỉ học đại học và đăng ký vào một trường dạy nghề viết.

Tôi nghĩ rằng nếu ai đó "dị ứng" với việc học đại học mới là suy nghĩ không ổn nhất. Trường đại học chẳng có lỗi gì cả, có chăng chỉ là lỗi ở người học vì đã chọn chiếc áo mà bản thân mình không muốn mặc.

Thiết nghĩ, vấn đề lớn nhất mà nhiều người đã tốt nghiệp đại học nhưng lại làm việc trái với những gì đã được đào tạo đa phần đều bắt nguồn từ một quyết định sai.

Quyết định ấy có thể là việc sinh viên nào đó phải "gắng gượng" học cho xong một ngành học không thuộc về mình, hoặc một ai đó phải học đại học vì mong muốn của người khác hơn là dám lựa chọn cho điều mình thực sự muốn.

TẠ TƯ VŨ

"Có cần học đại học": Vì sao rẽ ngang cao đẳng, trung cấp?'Có cần học đại học': Vì sao rẽ ngang cao đẳng, trung cấp?

Có những bạn trẻ đủ điểm vào đại học nhưng lại chọn cao đẳng, trung cấp để theo học. Lý do nào khiến các bạn chọn lối đi riêng như vậy?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên