10/10/2012 08:03 GMT+7

"Cơ bản là người có tiền"

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

Theo quy định, CITES Việt Nam (cơ quan quản lý việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp) không được phép tiết lộ danh tánh hơn 100 người đã có giấy phép nhập khẩu tê giác săn được từ Nam Phi vào Việt Nam. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-10, ông Đào Quang Tùng, phó giám đốc cơ quan này, cho biết đây “phải là những người có tiền”.

Có khá nhiều công ty nước ngoài chuyên tổ chức các tour du lịch Nam Phi kết hợp săn bắn tê giác. Theo quảng cáo trên Internet của một trong những công ty như vậy, chi phí săn tê giác trắng để kiếm chiến lợi phẩm có giá 55.000-150.000 USD, tê giác đen 250.000-350.000 USD và giấy phép săn một trong hai loại là 1.000 USD/lần.

Ông Tùng cho hay chi phí này thay đổi tùy quy định từng tỉnh của Nam Phi, tùy vào hình thức săn (từ trực thăng, ôtô hay đi bộ), số lượng người săn một mình hay theo nhóm, địa bàn bằng phẳng hay vùng núi... Phần lớn trong số những người nộp đơn xin giấy phép săn tê giác tại Nam Phi được cho là đến từ Việt Nam.

Theo CITES Việt Nam, hầu hết các vụ buôn bán trái phép loài hoang dã lớn có nguồn gốc nhập khẩu qua một số cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia, cảng biển và cảng hàng không, trong đó phần lớn tiếp tục được vận chuyển trái phép sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch tại Móng Cái, Quảng Ninh. Từ năm 2006 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 11 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác từ nước ngoài vào Việt Nam, chủ yếu từ châu Phi, và bốn vụ buôn bán sừng tê giác trong thị trường nội địa, tịch thu hơn 100kg sừng tê giác.

Từ năm 2006 tới nay, CITES Việt Nam thống kê trung bình có 10-30 mẫu vật/năm được CITES cấp phép nhập khẩu hợp pháp. Theo các quy định của CITES cũng như pháp luật Việt Nam, việc buôn bán sừng tê giác bị cấm. Trên thực tế, CITES cho biết phần lớn người nhập khẩu hợp pháp mẫu vật tê giác về Việt Nam không còn lưu giữ mẫu vật. Những người này đều khai báo đã cho hoặc cắt nhỏ ra cho bạn bè và người thân, một số thì chạm khắc hay tiện thành các đồ lưu niệm, không ai khai báo đã bán trong khi các cơ quan chức năng không thể theo dõi, giám sát việc sử dụng sừng tê giác được nhập về hợp pháp hoặc tìm ra bằng chứng buôn bán các mẫu vật này.

Riêng với tê giác sống, tới nay đã có 24 con được nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam và đang được các cơ sở nuôi dưỡng tốt, đồng thời công tác quản lý, giám sát cũng được các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ, không có trường hợp vi phạm nào xảy ra.

Trước lo ngại về những phức tạp mà hoạt động nhập khẩu hợp pháp tê giác từ Nam Phi vào Việt Nam có thể gây ra, ông Tùng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao CITES Việt Nam và Bộ Công thương phối hợp soạn thảo đề xuất tạm dừng cấp giấy phép nhập khẩu tê giác để trình Thủ tướng vào quý 4. Đồng thời Việt Nam và Nam Phi cũng đang bước vào giai đoạn hoàn tất và đi đến ký kết một thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực phòng chống buôn bán trái phép tê giác giữa hai nước.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên