Giám đốc CIA Mike Pompeo trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về "Những mối đe dọa trên thế giới" vào ngày 11-5 - Ảnh: Reuters |
Các nhà điều tra Mỹ vẫn đang chia rẽ về câu hỏi liệu có hay không gián điệp Trung Quốc nằm vùng trong nội bộ Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), hay Bắc Kinh đã tấn công hệ thống liên lạc điệp viên bí mật của cơ quan này để biết thông tin, hay một ai đó đã phản bội.
Bị bỏ tù hoặc thủ tiêu
Ba quan chức Mỹ mà báo New York Times (NYT) tiếp cận cho hay có tới 12 người đã bị thủ tiêu, trong đó một người bị bắn chết ngay trước mắt đồng nghiệp tại một cơ quan công quyền ở Trung Quốc. Đó như một thông điệp Bắc Kinh ngầm chuyển tới những kẻ khác đang làm việc cho Washington.
Bốn cựu quan chức khác tiết lộ, trong bài báo ngày 20-5 của NYT, rằng các hoạt động phản gián của Trung Quốc bắt đầu nổi lên vào năm 2010, thời điểm CIA nhận được những thông tin có giá trị cao về Chính quyền Bắc Kinh từ các nguồn tin nằm sâu trong bộ máy hành chính, bao gồm cả chuyện người dân bực bội với tình trạng quan liêu và tham nhũng của quan chức nhà nước.
Cuối năm 2011, những thông tin dạng này bắt đầu vơi dần, các nguồn tin biến mất hoàn toàn trong một năm sau đó, báo NYT viết. Trước thực tế này, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và CIA đã mở một chiến dịch điều tra chung, xem xét lại tất cả mạng lưới gián điệp, nguồn tin của Mỹ hoạt động tại Bắc Kinh và các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc.
Theo NYT, thông tin về cuộc điều tra được giữ kín. Tất cả 10 cựu quan chức CIA và FBI được tờ báo này liên hệ đều đồng ý mô tả về cuộc điều tra, song từ chối cho biết danh tính.
Trụ sở CIA tại thủ đô Washington của Mỹ - Ảnh: CIA |
Mờ mịt thông tin kiểm chứng
Cả CIA và FBI đều từ chối bình luận hay xác nhận cuộc điều tra được nhắc đến trong bài viết của NYT. Truyền thông thế giới đã dẫn lại bài viết của tờ báo Mỹ, đồng thời đặt ra dấu chấm hỏi về tính xác thực.
Ông Matt Apuzzo, người tham gia viết bài này cho NYT, thừa nhận: “Một trong những điều phiền hà nhất là chúng ta không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra”.
Báo NYT bình luận: “Đúng thời điểm CIA đang phải vật lộn tìm hiểu bằng cách nào những tài liệu tối mật lại bị trang mạng WikiLeaks phơi bày trên mạng cách đây 2 tháng, còn FBI điều tra những mối quan hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và người Nga, thì chuyện cuộc điều tra ở Trung Quốc không đi đến đâu lại một lần nữa cho thấy những khó khăn khi tiến hành các hoạt động phản gián ở những quốc gia có mạng lưới gián điệp phức tạp như Nga và Trung Quốc”.
Các thông tin dạng này rất khó kiểm chứng ở Trung Quốc, đài BBC nhận định. Năm 2012, chỉ có vụ duy nhất đáng chú ý là một quan chức trong Bộ Công an Trung Quốc bị bắt với cáo buộc làm việc cho CIA. Không một vụ bắt giữ gián điệp hay nguồn tin nào đáng chú ý và nổi trội hơn vụ này.
Cuối năm 2015, CIA rút phần lớn nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc về nước sau vụ tấn công tin tặc vào Cơ quan Quản lý nhân sự Mỹ (OPM), làm lộ hàng triệu hồ sơ của các nhân viên hành pháp, bao gồm cả CIA.
Chính quyền Bắc Kinh bị nghi ngờ đã đứng sau vụ này. Đài BBC nhận định rằng nếu trong giai đoạn 2010-2012, Bắc Kinh cũng đã sử dụng cách này để triệt phá mạng lưới của CIA tại Trung Quốc, nó chắc chắn đã bị ém nhẹm.
Đang cố gắng thiết lập lại Một số nhà điều tra tin rằng Trung Quốc đã tấn công và xâm nhập được hệ thống liên lạc bí mật của CIA. Số khác lại cho rằng việc mạng lưới tại Trung Quốc bị triệt phá là do sự bất cẩn của các điệp viên và nguồn tin khi cứ gặp nhau tại cùng một tuyến đường, địa điểm hay các nhà hàng Trung Quốc đã bị lắp đặt sẵn các thiết bị nghe lén. Năm 2013, CIA phải thừa nhận mạng lưới gián điệp tại Trung Quốc đã bị suy giảm đáng kể và đang cố gắng xây dựng lại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận