06/02/2012 16:56 GMT+7

Chuyện xấu nhỏ, cái nhìn lớn

MAI THỊ NGUYỆT ÁNH
MAI THỊ NGUYỆT ÁNH

TTO - Câu chuyện Xin hãy tôn trọng thời gian của bạn Max Murta và bài viết “Chuyện nhỏ” chốn đông người đã khiến đề tài ứng xử không hay của người Việt nơi công cộng một lần nữa được hâm nóng.

Khạc nhổ ngoài đường, chen lấn xô đẩy, không xếp hàng, nói năng ồn ào, dùng giờ "dây thun", "tiết kiệm" câu xin lỗi... lẽ nào là "chuyện thường ngày ở huyện"?

Mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và chia sẻ quan điểm riêng.

Xin hãy tôn trọng thời gianChúng tôi không muốn giờ "dây thun"!Lễ hội đến Trần: vẫn chen lấn, xô đẩy

bYS1mWBD.jpgPhóng to
Giờ "dây thun. Ảnh minh họa từ internet"

Gặp cử chỉ đẹp lại thấy "tác giả" là người nước ngoài

Tôi thấy không chỉ lớp trẻ mà cả người lớn cũng ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng. Nguyên nhân tắc đường chủ yếu vẫn như câu chuyện hai con dê qua cầu. Đi ngoài đường ai cũng muốn lấn lên trước. Nhiều khi mình dừng lại để nhường người khác thì đằng sau mình bấm còi inh ỏi.

Giờ tan trường, phụ huynh đứng bít hết cổng trường và đường đi trong khi vỉa hè lại trống vì phụ huynh nào cũng không muốn con mình phải đi bộ.

Có lần, vào cây ATM rút tiền, tôi và một số người khác lịch sự đứng cách xa người đang rút trước, xếp hàng chờ thì một anh mặc đồng phục hải quan đến sau thản nhiên chen trước mọi người. Hình như họ coi mình là người ngu ngốc nên mới xếp hàng hay sao ấy?

Một lần khi xếp hàng làm thủ tục hải quan, con gái 4 tuổi của tôi đi sau một người đàn ông, anh ta qua một cánh cửa bật cao chừng 70cm, có người đi sau mà anh ta chả thèm giữ cửa, cứ vô tư bật cửa. Cánh cửa bật qua bật lại, đập vào mặt con tôi. Anh ta quay lại nhìn cháu khóc, vậy mà không một cử chỉ hay lời xin lỗi nào được phát ra. Thật vô cảm!

Tôi luôn dạy con mình khi đi qua cửa phải giữ cửa cho người tới sau, vào phòng máy lạnh nơi công cộng phải khép cửa lại để không mất công ai đó phải ra đóng cửa liên tục. Nhưng mỗi lần con gặp những người ứng xử vô văn hóa thì đành phải giải thích với con là vì họ chưa được học. Cư xử như vậy là không đẹp, con cứ nghe lời mẹ đi. Những lúc ta gặp những cử chỉ đẹp như giữ cửa, nhường đường, nhường thang máy thì nhìn lên... lại là người nước ngoài.

Vuột mất câu "xin lỗi" cứu vãn tư cách

Ngày xưa khi đi dự lễ cưới, người ta thường đến trước 15 phút để khi đúng giờ làm lễ ngắn gọn, long trọng xong thì nhập tiệc ngay. Lúc đó nếu đến muộn khoảng 1 giờ so với giờ ghi trong thiệp thì ngượng lắm vì văn hóa thời đó coi hành động này là thiếu tôn trọng chủ nhà và đám đông. Đó là lý do tại sao người nào mà lỡ tới trễ thì rối rít nói "xin lỗi" xem như cứu vãn... tư cách.

Còn bây giờ bạn đi dự lễ cưới ở Sài Gòn thì sao? Đến muộn 2 giờ vẫn không sao vì chưa làm lễ đâu. Ai đến đúng giờ thì không có người tiếp đâu nhé. Tiệc mời 17g thì 20g mới bắt đầu đó.

Người ở tỉnh đúng giờ hơn người thành phố

Khi đa số người đến trễ, thì thiểu số đến đúng giờ lại là những người chuốc lấy bực mình khi phải chờ đợi. Dần dần, thiểu số đó cũng phải chiều theo đa số, tức là cũng đến trễ để đỡ bực mình. Có một điều thú vị là người dân ở các tỉnh lại có ý thức đúng giờ hơn người dân đô thị.

Còn nhớ một lần, sếp tôi là người nước ngoài, được mời dự đám cưới nhân viên ở TP.HCM. Thiệp mời ghi rõ 18g nên ông ấy đến đúng giờ, và phải chờ đến 19g30 trong tình cảnh đói và khát thì buổi tiệc mới bắt đầu!

Lần khác, ông được mời dự đám cưới ở một tỉnh miền Tây. Rút kinh nghiệm, ông có mặt lúc 12g, muộn hơn 30 phút so với giờ ghi trên thiệp nhưng khi ông đến nơi thì hóa ra tiệc đã sắp tàn!

Dạy ứng xử nơi công cộng trước khi dạy điều vĩ mô

Ở nơi gởi xe, chịu khó chậm một chút, chịu khó xếp hàng thì tôi tin chắc rằng không mất của các bạn bao lâu so với việc chen lấn và gây gổ. Khi lấy xe ra, các bạn nên biết rằng phía sau mình có rất nhiều người đang chờ, sao không chuẩn bị thẻ xe và tiền lẻ cầm tay? Đợi đến chỗ soát thẻ mới loay hoay tìm thẻ, thậm chí sau khi nhận tiền thối thì có người thản nhiên móc bóp, vuốt phẳng tiền để vô bóp rồi từ từ cất bóp vào túi, sau đó mới rồ ga!

Chạy xe vào nơi như bệnh viện, phải chăng chỉ mình bạn gấp? Người khác thì không? Ai cho bạn quyền bấm còi inh ỏi nơi cần giữ yên lặng?

Theo tôi, để chấn chỉnh lại được những nét văn hóa đẹp, nên chăng các giờ đạo đức công dân của các em học sinh nên bớt đi các chương trình xa vời, chung chung. Nên dạy các em nhỏ những văn hóa cơ bản nhất nơi công cộng, tôi tin rằng các em đóng góp không nhỏ vào việc nhắc nhở cha mẹ giữ gìn văn hóa nơi công cộng. Vì các em rất hồn nhiên phát biểu cái sai và nếu cha mẹ muốn không ngượng với người xung quanh thì tốt nhất là đừng vi phạm.

Ai trễ giờ sẽ bị... làm cho bẽ mặt

Không biết tự khi nào, "giờ dây thun" đã thật sự trở thành vấn nạn của một bộ phận người VN.

Từ nhỏ, tôi đã được xây dựng nếp sống đúng giờ, trong mọi công việc tôi luôn sắp xếp để là người đến sớm ít nhất 10 - 15 phút, nhiều lần tôi là người có mặt đầu tiên. Người ta có rất nhiều lý do để biện minh cho sự đi trễ: nào là đưa con đi học, nào là kẹt xe... nhưng trên hết đó là thói hư tật xấu không bao giờ tôn trọng giờ giấc.

Chẳng hạn tôi và một anh bạn ở sát vách nhau, làm ở đơn vị cũng sát vách nhà chúng tôi, ra khỏi cổng là bước vào cơ quan nhưng anh bạn này rất hiếm hoi đến cơ quan đúng giờ mặc dù lúc tôi đi làm thì anh ta còn xem tivi. Thế tại ai?

Ở cơ quan tôi, ai đi làm trễ giờ rất dễ bị tôi và một số đồng nghiệp làm cho bẽ mặt, chọc quê và thậm chí yêu cầu kỷ luật vì không thể cả một tập thể phải chờ một số ít người. Đặc biệt là khi đi chơi tập thể, đúng giờ là chúng tôi khởi hành, ai đến trễ thì tự đón xe để bắt kịp đoàn, hai là quay về. Tuyệt đối không chờ nếu không có lý do chính đáng và không gọi báo cho đoàn biết.

Vì vậy, hơn ai hết chúng ta phải tự xây dựng cho mình nếp văn hóa đúng giờ. Muốn xây dựng một đất nước văn minh thì trước hết hãy là một con người văn minh, muốn là một con người văn mình thì hãy sống có văn hóa.

Rèn lòng can đảm để phê bình hành vi "xấu xí"

Dù chúng ta có khó chịu, bực tức trước những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nhưng còn rất ít người dám lên tiếng nói lại. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải rèn luyện thêm lòng can đảm, sự bình tĩnh và tinh thần dám nói ra sự thật về cách cư xử đúng đắn cho những đối tượng cư xử thiếu văn hóa cảm thấy hổ thẹn mà ghi nhớ cho những lần sau.

Cách phản ứng lại và cách nói để chỉnh sửa những hành vi đó cũng quan trọng không kém. Và không phải ai cũng có đủ kỹ năng để phản ứng lại một cách hiệu quả nhất.

Bạn đã khó chịu với những hành vi "xấu xí" nào nơi công cộng? Theo bạn, những yếu tố nào khiến những hành vi này vẫn diễn ra hằng ngày và bởi không ít người? Hãy gửi ý kiến của bạn về tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn!

MAI THỊ NGUYỆT ÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên