25/07/2019 18:11 GMT+7

'Chuyển từ khai thác sang nuôi biển để giữ tài nguyên cho đời sau'

K.NAM
K.NAM

TTO - 'Cả nước có trên 110.000 tàu cá, hàng triệu lao động, ta khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đã đến lúc chuyển từ khai thác sang phát triển nuôi biển, để giữ tài nguyên cho đời sau', Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Chuyển từ khai thác sang nuôi biển để giữ tài nguyên cho đời sau - Ảnh 1.

Công nhân lựa cá tại cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trước khi đưa đi tiêu thụ-Ảnh: K.NAM

Chiều 25-7, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có chuyến khảo sát và làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kiên Giang xung quanh hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy - hải sản, lĩnh vực trồng lúa hữu cơ công nghệ cao, lĩnh vực nuôi biển và tình hình sạt lở bờ biển.

Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tại tỉnh này có 9.845 tàu cá, trong đó có 3.991 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ với 5 nhóm nghề trong đó có 2 nhóm nghề chính chiếm hầu hết số tàu cá là lưới kéo (cào chiếc, cào đôi) và lưới rê.

Thời gian vừa qua, tình hình tàu cá Kiên Giang vi phạm quy định đánh bắt hải sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Để kéo giảm tình trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 2.174 tàu đánh bắt xa bờ (có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên).

Ngoài ra, các tàu cá cố tình vi phạm đánh bắt hải sản IUU (đánh bắt trái phép, không khai báo...) còn phạt cao nhất tới 1 tỉ đồng, rút giấy phép khai thác...

Nguyên nhân của tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chủ yếu do ngư trường trong nước cạn kiệt. Giải pháp lâu dài và khả dĩ cho vấn đề này là giảm công suất tàu, giảm sản lượng khai thác, tăng diện tích nuôi biển áp dụng công nghệ cao. Vùng biển có tiềm năng phát triển nuôi thủy sản là Nam Du và Phú Quốc-Thổ Châu.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, để duy trì nghề khai thác, Kiên Giang phải tìm cách giảm đội tàu lưới kéo (hiện chiếm 30% cả nước) - đối tượng vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất. Đây mới chính là vấn đề cần giải quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, mô hình nuôi biển công nghệ cao phải được nhân rộng để phát triển kinh tế biển bền vững. Ta hạn chế khai thác IUU (Illegal, unreported and unregulated fishing - hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) không phải để gỡ "thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu (EC), mà cái chính và lâu dài là giữ gìn nguồn tài nguyên biển cho các thế hệ sau.

Về lĩnh vực trồng lúa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng không nên mở rộng diện tích, mà phải tập trung đầu tư sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ để tăng giá trị hạt gạo, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để tạo ra giá trị cao nhất.

2019, Việt Nam tính cấm khai thác thủy sản vùng biển nào? 2019, Việt Nam tính cấm khai thác thủy sản vùng biển nào?

TTO - Dự kiến quý 1-2019 đề án về "cấm biển" sẽ được ban hành trong đó cấm, hạn chế khai thác hải sản tại khoảng 20 khu vực vùng biển ven bờ.

K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên