28/03/2016 15:52 GMT+7

Chuyện PR và “đền thờ Tổ” trường tồn nhất của nghệ sĩ

TÙY PHONG
TÙY PHONG

TTO - Không ai dám chắc sẽ lại có hay không những thông cáo báo chí "cưa bom" kiểu “phim tui đến Cannes” dẫn tới các bản tin “nhân bản cừu Dolly” lại tràn ngập các trang tin điện tử nhanh như điện xẹt.

Những buổi ra mắt phim, những live show ca nhạc và cả những cuốn sách sẽ khó được biết đến nếu không có bàn tay "ma thuật" của các nhân viên PR. Ảnh minh họa.

Chiến dịch lừa dối dư luận

Các quảng cáo trá hình núp bóng thông cáo báo chí về cuốn sách nào đó mới ra đời, về bộ phim nào đó sắp chiếu, vẫn là những thứ dễ được tòa soạn các báo cho đăng mà không thắc mắc gì nhiều về những “hậu trường” uẩn khúc đằng sau nó. 

Thành thử, trong khi một bản tin món hàng gia dụng nào đó có thể khiến doanh nghiệp tốn đến hàng chục triệu để xuất hiện trên trang báo, thì một quảng cáo trá hình về sách hay phim có thể được in nhanh lẹ và hầu như miễn phí.

Hậu quả đã đến rồi chứ không phải không!

Nhiều cuốn sách sau khi được quảng cáo ầm ĩ và được phóng viên ra sức ngợi khen như thể đã đọc kỹ từng chữ, rốt cuộc lại là các thảm họa dịch thuật.

Chắc chắn mọi người chưa quên vụ bê bối nổi tiếng liên quan đến bản dịch Lolita, sau khi một tờ báo đăng bài phỏng vấn dịch giả, và cho dịch giả tuyên bố trong bài rằng tất cả các chú thích trong sách “là của người dịch”, và lao động đó chỉ có thể gọi tên là “văn đức”.

Nhưng rồi người ta đã phát hiện ra vô số lỗi ở bản dịch, và hầu hết chú thích được lấy từ một cuốn sách khác, cũng rất nổi tiếng trong giới mê Lolita.

Rốt cuộc, dịch giả ấy phải lên một số tờ báo khác để xin lỗi về vụ đạo chú thích, gây ầm ĩ khá lâu trong văn giới.

Sau vụ bê bối này, cũng còn xảy ra thêm vài vụ tương tự, thành thử các cuộc họp báo hoặc ra mắt sách với thông cáo báo chí viết sẵn giờ cũng “mất thiêng nhiều rồi”.

Nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy đâu đó trên các tờ báo mạng những bài viết ngợi ca một bản dịch hay cuốn sách nào đó với tinh thần “đôi bạn cùng tiến”, do phóng viên phụ trách mảng sách cũng là nhà văn hay dịch giả nào đó.

Sách thì vậy, mà phim còn nhiều vụ hài hước hơn.

Nhiều bộ phim được tung hô từ lúc chưa quay, rốt cuộc khi ra mắt giới truyền thông mới té ngửa chỉ là các phim hài nhạt nhẽo đến mức khán giả bình dân cũng quay lưng.

Có những bộ phim được sớm ca ngợi là sẽ là bom tấn, được làm với mục tiêu chinh phục thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng rồi sau buổi premiere (công chiếu), ai cũng hụt hẫng và dĩ nhiên, doanh thu tiền chẳng thu đủ một phần nhỏ kinh phí.

Không ít lần, báo chí đưa tin rất hoành tráng về những ngôi sao điện ảnh Việt được tham gia các bộ phim bom tấn của Mỹ, vậy nhưng khi phim được chiếu thì hình ảnh của các sao Việt ấy chỉ hiện ra trong tích tắc.

 Nói chính xác, nhà sản xuất phim khôn khéo dùng các sao Việt để PR cho phim mình ở VN theo kiểu “ngoại giao gấu trúc”, đổi ít chi phí và vài giây trên phim thành hàng trăm bài báo mạng.

Hiệu quả truyền thông kiểu “có bé xé ra to” này sẽ khó mà đạt được nếu như các tờ báo thận trọng hơn với các loại thông cáo báo chí “viết để in luôn” được gửi đến các hộp thư điện tử của phóng viên mỗi ngày.

Những bản tin “nhân bản cừu Dolly”

Có lẽ đây là một vấn đề của báo chí hiện đại, khi mạng internet đòi hỏi phóng viên phải đưa tin ngày một nhanh hơn, nhiều hơn, hấp dẫn hơn, thì một số tờ báo điện tử đành phải “ủy quyền trách nhiệm” cao hơn cho phóng viên chứ không thể duyệt tin theo đúng quy trình xưa được nữa, đặc biệt là các tin về giải trí, vốn đông người xem mà lại tương đối an toàn.

Đáng tiếc rằng không phải tờ báo nào cũng có hệ thống hậu cần chuyên nghiệp - ở đây nghĩa là có “tiền kiểm và hậu kiểm” kỹ càng, biết đào tạo và giao việc đúng người.

Và không phải phóng viên nào cũng có đủ trình độ kiểm soát tin, có nhạy cảm nghề nghiệp để thấy sự bất thường của tin, hoặc có mối quan hệ đủ rộng để xác thực lại tin.

Trong bối cảnh tốc độ vẫn là yếu tố quyết định thành công của một bản tin trên mạng hiện nay, dường như ít tờ báo nghĩ đến việc quay lại quy trình kiểm soát tin tức nghiêm ngặt như nhiều năm trước kia.

Hậu quả là rất nhiều khi phóng viên thành nạn nhân của các công ty truyền thông và thông cáo báo chí.

Bên cạnh đó, kiểu đưa tin quảng cáo trá hình cho doanh nghiệp, dù là trong lãnh vực nghệ thuật, sớm hay muộn cũng khiến độc giả mất lòng tin.

Có thể phóng viên nào cũng nhận được trong hộp email cùng một bản tin “viết để in luôn” như nhau, nhưng đưa nó lên mặt báo hay không, đưa như thế nào, lại phụ thuộc vào bản lĩnh cả phóng viên và đẳng cấp tờ báo.

Nói cách khác thì đó chính là trình độ nghiệp vụ,  trách nhiệm và đạo đức của những người làm nghề.

Để đảm bảo chất lượng tin tức thì chỉ còn cách đào tạo, huấn luyện và bảo vệ được các phóng viên giỏi. Chính uy tín của họ sẽ cùng với danh tiếng của tờ báo tạo nên niềm tin cho độc giả.

Mỗi tin tức sai lệch sẽ là một hòn gạch xây nên bức tường ngăn cách không chỉ độc giả với báo mà cả khách hàng với nhãn hàng, công ty đó, nhà sản xuất đó và nghệ sĩ đó.

Nhìn ngắn hạn thì mọi chuyện rồi sẽ trôi vào quên lãng, mọi người sẽ quên ngay khi có một trò vui nào đó mới. Vụ “phim tui đến Cannes” rồi sẽ chỉ còn gợi lên một nụ cười mỉm với những ai liên quan.

Nhưng ngày mai sẽ ra sao?

Không ai dám chắc sẽ lại có hay không những thông cáo báo chí kiểu “phim tui đến Cannes” tiếp tục gửi vào hộp thư điện tử của các phóng viên. Rồi từ đó những bản tin “nhân bản cừu Dolly” lại xuất hiện tràn ngập các trang tin điện tử nhanh như điện xẹt.

Nếu các nghệ sĩ - các đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất phim, bộ phận PR của phim…. có ý thức hơn, biết tự tôn trọng nghề nghiệp và sản phẩm của mình hơn, thì khán giả sẽ luôn yêu thương và không bao giờ quay lưng với họ.

Và có thể đó mới chính là đền thờ Tổ trường tồn nhất của các nghệ sĩ.

*Xem Kỳ 1: Chuyện "Phim tui đến Cannes" và bi hài tin vịt cồ

*Xem Kỳ 2: Thời thông cáo thượng vàng hạ cám và tin giật gân?

*Xem bài: PR và những chiêu trò ma thuật: những câu chuyện dựng đứng

*Xem bài: PR và những chiêu trò ma thuật: Mắc kẹt trong ảo tưởng

TÙY PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên