Ông Nguyễn Thắng Vu không đơn giản chỉ là một giám đốc nhà xuất bản...
Phóng to |
Ông Nguyễn Thắng Vu - Ảnh: V.A. |
Tôi gặp ông Nguyễn Thắng Vu lần đầu vào năm 1993.
Trước đó tôi chưa hề biết ông, mặc dù tôi in cuốn sách đầu tiên ở Nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 1985 (tập truyện ngắn Cú phạt đền) và hai năm sau tôi lại in tác phẩm thứ hai, cuốn Bàn có năm chỗ ngồi.
"Ngành xuất bản sẽ mãi nhớ công ơn anh Vu vì đã mang truyện tranh manga về VN, khởi đầu với bộ Đôrêmon. Không phải chỉ là một bộ truyện tranh bán chạy, mà nó mở ra một hướng đi mới cho ngành xuất bản, mở ra một phương thức tiếp cận đối tượng độc giả mới" |
Chỉ khi ông Nguyễn Thắng Vu lên làm giám đốc, tạo nên “hiện tượng Đôrêmon” vào năm 1992 thì Nhà xuất bản Kim Đồng mới vượt qua những ngày tháng lao đao để bước vào thời hoàng kim rực rỡ.
Tôi gặp ông trong thời điểm đó.
Đó là một con người tầm thước, dong dỏng, đôi mắt tinh anh, giọng Quảng Bình nặng nhưng dễ nghe, đặc biệt giọng ông khỏe và rất trầm.
Ông là người thân tình nhưng có cái uy ngầm, có lẽ do cách nói chuyện của ông có tính thuyết phục cao, tầm nhìn xa, đặc biệt là năng động, táo bạo và quyết đoán.
Nhưng điều khiến tôi quý ông nhất là thái độ của ông đối với sách.
Tôi còn nhớ một buổi trưa cách đây 15 năm, khoảng 11g tôi ghé qua chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Sáng hôm sau là ngày phát hành bộ truyện Kính vạn hoa nên tôi ghé lại xem sách đã về chưa. Dắt xe qua khỏi cổng, tôi thấy một ông già mặc bộ pyjama đang lui cui ở giữa sân, loay hoay dán những cuốn Kính vạn hoa lên tấm bảng kê sát tường. Ông tỉ mẩn dán những cuốn sách nhỏ theo hình chữ K, V và H, có lẽ để trưng bày trong ngày phát hành.
Tôi không nghĩ người đang làm công việc tủn mủn đó là ông giám đốc nhà xuất bản. Lại gần, nhận ra ông Vu, tôi ngạc nhiên quá. Cái việc cỏn con đó ông có thể bảo bất cứ nhân viên nào làm cũng được. Nhưng ông không thích thế. Ông thích tự tay mình làm hơn.
Ông dán xong chữ K, lại lùi ra xa nghiêng đầu ngắm nghía. Xong chữ V, lại lùi ra, miệng không ngớt xuýt xoa. Tới chữ H, ông lại bước qua trái nhìn một lúc, bước qua phải nhìn một lúc, tặc tặc lưỡi rồi bước tới chỉnh chỗ này một chút, sửa chỗ kia một tẹo. Cái việc nhỏ nhặt đó gần như thu hút toàn bộ tâm trí ông, trông ông như một họa sĩ đang thưởng thức bức tranh vừa vẽ xong, thích thú, say sưa, phấn khích.
Sau này đã quen thân với ông nhiều mới biết ông là người yêu sách một cách kỳ lạ. Trước khi cho in một cuốn sách, ông băn khoăn, cân nhắc chất lượng giấy ruột, giấy bìa, tính toán đến từng mẫu
bìa, từng tranh minh họa. Khi sách in xong, bao giờ ông cũng muốn được là người nhìn thấy và vuốt ve trước tiên. Tôi đã nhiều lần bắt gặp ông say sưa mân mê bằng cả tay lẫn mắt những cuốn sách mới đem về từ nhà in còn thơm mùi mực, lúc ấy mặt ông sáng bừng như có ai quạt lửa dưới da ông. Quả thật trông cách ông nâng niu một cuốn sách mới in không thể không liên tưởng đến cảnh người mẹ đang hân hoan nâng niu một đứa con vừa chào đời.
Đó là gương mặt không thể nhầm được của một người đang đắm chìm trong nỗi trìu mến, lòng âu yếm và cảm giác hạnh phúc. Một nhà văn yêu sách của mình như thế cũng là hiếm, nhưng không phải là không có. Nhưng một ông giám đốc nhà xuất bản yêu sách đến thế, có lẽ là có một không hai.
Phẩm chất đó nơi ông tự nhiên tạo sự tin cậy vô điều kiện với những người cầm bút như tôi. Tôi quý phẩm chất văn hóa đó nơi một nhà kinh doanh, nếu chúng ta tin rằng xuất bản là ngành kinh doanh văn hóa. Bởi một khi ông yêu sách, tất ông cũng quý những người làm ra sách. Cách ông Nguyễn Thắng Vu đối xử với các nhà văn luôn toát lên thái độ quý mến và trân trọng, không chỉ vì ông hiểu rằng các nhà văn là yếu tố đầu tiên tạo nên sự thành công cho một nhà xuất bản.
Ông quý các nhà văn, vì ông hiểu họ cùng đi trên con đường mà ông đã chọn, cùng thực thi lý tưởng mà ông đã đeo đuổi, đó là góp phần một cách tự nguyện và không mệt mỏi vào việc phục vụ đời sống tinh thần của các thế hệ trẻ.
Tôi còn nhớ khi bộ Kính vạn hoa ra tới tập 20, ông viết một bức thư tay thật dài để chúc mừng tôi, đặc biệt dòng chữ “Thay mặt các em thiếu nhi tôi cảm ơn Ánh đã viết bộ truyện này” làm tôi vô cùng cảm động. Ông không “thay mặt nhà xuất bản” như lẽ thường tình, không nhắc gì đến mối quan hệ giữa một nhà xuất bản và một cộng tác viên, đối với ông mối quan hệ giữa nhà văn và các độc giả nhỏ tuổi mới là điều đáng nói hơn. Chuyện tuy nhỏ nhưng qua đó có thể thấy được tâm niệm thật sự của một người làm sách chân chính cho thiếu nhi: luôn nghĩ đến lợi ích của các em.
Sau này, khi đã rời cương vị giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, ông Nguyễn Thắng Vu vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng xuất bản một thời gian trước khi về nghỉ hẳn, đại khái ông đóng vai trò như một ông cố vấn, có một căn phòng nhỏ ở nhà xuất bản để lui tới mỗi tuần.
Thật ra tôi nghĩ ông cũng chẳng cố vấn được gì nhiều, tuổi tác đã chạm những ngón tay lạnh lẽo lên người ông và các thế hệ quản lý sau ông cũng dần cứng cáp. Cái yếu tố chính khiến ông chưa muốn rời bỏ hẳn công việc xuất bản, vẫn cố “dây dưa” với chức chủ tịch hội đồng xuất bản, kể cả khi ông biết có người suy diễn điều đó theo chiều hướng xấu, là vì ông không thể sống thiếu hơi thở của sách. Ông thèm biết bao những khoảnh khắc hồi hộp nhìn theo một bản thảo chuẩn bị đưa tới nhà in và hạnh phúc biết chừng nào khi đón một cuốn sách từ nhà in trở về.
Làm sách, với ông Nguyễn Thắng Vu từ lâu đã không còn là công việc. Đó là tình yêu của ông. Còn hơn thế nữa, là cuộc sống của ông. Sách là bầu khí quyển quen thuộc mà rời bỏ nó ông giống như cá rời khỏi nước.
Cá rời khỏi nước dĩ nhiên không sống nổi. Ông rời khỏi công việc làm sách không đến mức như thế, nhưng lúc đó cuộc sống đối với ông chắc chẳng còn bao ý nghĩa.
Đó là nỗi đau của ông Nguyễn Thắng Vu. Nhưng đó cũng là hạnh phúc của ông, thứ hạnh phúc hiếm người có được.
“Anh hùng xuất bản” Không phải một nhà văn được ông “đỡ đầu” nhiều tác phẩm, không phải những nhân viên dưới quyền được ông dìu dắt, cũng không phải một cây bút trẻ được ông phát hiện, người dành cho ông già làm sách thiếu nhi Nguyễn Thắng Vu (ông sinh năm 1943) những lời ca ngợi tốt đẹp nhất lại là một “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp trên thị trường: nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Lê Hoàng. Ông Hoàng kể lại, giọng còn nguyên sự xúc động chân thành: - Với riêng Nhà xuất bản Trẻ và tôi có một kỷ niệm, cũng là một sự hàm ơn mà chúng tôi không bao giờ quên với anh Vu và Nhà xuất bản Kim Đồng. Khi Đôrêmon đã làm mưa làm gió ở VN, Nhà xuất bản Trẻ vẫn chưa có cách nào tiếp cận thế giới truyện tranh Nhật Bản, chính anh Vu chứ không ai khác, sau một chuyến đi Nhật thương lượng tác quyền, đã chủ động “cho” chúng tôi bộ truyện tranh Subasa và gọi hai biên tập viên Cúc Hương - Thu Hương của Nhà xuất bản Trẻ sang để “chuyển giao công nghệ”. Từ Subasa, Nhà xuất bản Trẻ đã có đầu mối để tiếp tục bằng nhiều loạt truyện tranh khác và đã có lãi lớn từ truyện tranh, để bắt đầu cho một giai đoạn mới: lấy tích lũy từ truyện tranh để nuôi truyện chữ. Tôi kính trọng anh Vu vì cái tâm với sách thiếu nhi. Với anh, lợi nhuận không bao giờ là dấu chấm hết. Từ lợi nhuận của Đôrêmon, anh Vu và Nhà xuất bản Kim Đồng đã lập ra Quỹ Đôrêmon hàng tỉ đồng để giúp các học sinh nghèo vượt khó, từ lợi nhuận của Đôrêmon cũng đã hiện hữu thành 50 tủ sách khác nhau của hệ thống “Tủ sách vàng Kim Đồng”- những tủ sách chắc chắn không ai dám làm nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Ngành xuất bản VN thật may mắn vì có một người như anh và tôi nghĩ sẽ rất lâu nữa mới lại có được một “anh hùng xuất bản” thầm lặng mà cao cả như thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận