01/10/2016 11:03 GMT+7

Chuyện những “chân dài” trên bãi biển

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG
KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG

TT - Suốt kỳ đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 (ABG5) diễn ra tại Đà Nẵng những ngày qua, bóng chuyền bãi biển luôn là môn thi đấu thu hút nhiều CĐV nhất.

Đôi Mai Thị Hoa- Thanh Trâm trong một trận đấu tại ABG5
Đôi Mai Thị Hoa- Thanh Trâm trong một trận đấu tại ABG5

Nói đến thể thao bãi biển, không thể không nhắc bóng chuyền nữ. Nếu trên sân cỏ, bóng đá được xem là “vua” thì trên những bãi cát, các cô gái với dáng người dong dỏng, săn chắc với nước da ngăm quyến rũ... chính là môn đấu “nữ hoàng”.

Khán giả Đà Nẵng thích đội Nhật, Philippines

Trong số các đội tuyển bóng chuyền bãi biển nữ tham dự giải, ngoài tuyển VN, hai cô gái của đội Nhật Bản nhận được rất nhiều sự yêu mến. Không chỉ được cổ vũ khi thi đấu, hai “hot girl” của tuyển Nhật là Futami Azusa (24 tuổi) và Murakami Reika (19 tuổi) còn nhận được sự săn đón bên ngoài sân khi rất nhiều chàng trai Đà Nẵng lần lượt xin chụp hình cùng họ.

Với cặp mắt to tròn cùng khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, cả hai có ngoại hình khá giống với những nữ sinh Nhật Bản khác. Và chỉ có làn da rám nắng của Azusa và Reika là điểm khác biệt đáng kể với những nữ sinh đồng hương của mình. Khi được hỏi về điều này, Azusa - cô gái vừa chuyển từ môn bóng chuyền trong nhà sang bãi biển được 3 tháng - bật cười và nói: “Con gái Nhật thường thích da trắng, con trai cũng vậy. Có lẽ vì vậy mà tôi khó kiếm bạn trai. Nhưng biết sao được, tôi yêu bóng chuyền bãi biển và rất vui với nước da này”.

Cũng có khuôn mặt xinh xắn, những cô gái Philippines tỏ ra tự tin hơn khi nói về ngoại hình của mình. “Ở Philippines, da ngăm hay da trắng đều được ưa chuộng. Tôi vốn là VĐV thi đấu bóng chuyền trong nhà trước khi chuyển sang bóng chuyền bãi biển. Khi thi đấu trên mặt cát, tôi cảm thấy tự tin hơn vì ít gặp chấn thương. Trước đây khi thi đấu bóng chuyền trong nhà, đầu gối tôi thường xuyên trầy xước mỗi lần đỡ bóng vì va chạm mặt sàn đấu quá cứng. Nhưng bãi cát thì khác, chúng êm và mịn hơn” - Nikka Carino, nữ VĐV 21 tuổi của Philippines, chia sẻ.

Không giống như các đồng nghiệp, những cô gái Thái Lan được làm quen với bóng chuyền bãi biển từ nhỏ. Poonsuda Kritsana, một nữ VĐV Thái Lan trẻ tuổi, cho biết cô đã tập bóng chuyền bãi biển hơn 5 năm qua và đó cũng là môn thể thao duy nhất cô theo đuổi. “Ở Thái Lan có đường bờ biển dài, rộng lớn nên việc chơi đùa trên bãi cát rất quen thuộc với chúng tôi từ khi còn nhỏ. Thể thao trên bãi biển ở Thái Lan cũng rất được ưa thích. Hiện tôi chỉ là một VĐV trẻ nên thu nhập của tôi chưa đáng kể. Dù vậy, tôi muốn theo đuổi sự nghiệp thi đấu trên bãi biển chuyên nghiệp”.

Yêu thích ánh nắng mặt trời cùng bãi cát êm mịn nên hầu hết các nữ VĐV bóng chuyền nước ngoài đều tỏ ra hài lòng với bãi biển Mỹ Khê - khu vực thi đấu của môn bóng chuyền tại ABG 2016, nơi được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng. “Bãi cát ở đây rất đẹp và tôi thích đi dạo vào buổi tối. Ban ngày hơi nắng một chút nhưng không vấn đề gì, tôi thích da ngăm mà” - Nikka cười nói.

Hai con vẫn “chạy” tốt

Tham dự ABG5, bóng chuyền bãi biển VN có bốn đội (hai nam, hai nữ). Dù dừng bước ở vòng 1/16 trước Đài Loan chiều 29-9 nhưng cặp đôi Mai Thị Hoa - Nguyễn Thị Thanh Trâm để lại nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ bởi lối đánh thông minh và vóc dáng... bốc lửa. Với gương mặt xinh đẹp, bà mẹ hai con Mai Thị Hoa (34 tuổi) với chiều cao 1,78m là hoa khôi của bóng chuyền VN suốt 15 năm qua và đến tận bây giờ.

Hai chân dài Mai Thị Hoa (số 1), Nguyễn Thị Thanh Trâm (số 2) trong một trận đấu tại ABG5. Ảnh: NAM KHÁNH
Hai chân dài Mai Thị Hoa (số 1), Nguyễn Thị Thanh Trâm (số 2) trong một trận đấu tại ABG5. Ảnh: NAM KHÁNH

Sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang, năm 18 tuổi Mai Thị Hoa bén duyên với bóng chuyền khi được chiêu mộ vào đội bóng chuyền bãi biển Tân Bình (TP.HCM). Một năm sau, chị được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Dù đã nhiều năm đóng góp cho bóng chuyền bãi biển, giành nhiều chức vô địch quốc gia, HCĐ SEA Games 22 nhưng tình yêu và niềm đam mê với bóng chuyền bãi biển của chị chưa bao giờ nguội lạnh.

Năm 2007, chị Hoa nghỉ thi đấu để lập gia đình và sinh liền hai đứa con trong ba năm. Dù tăng 15kg trong giai đoạn này nhưng năm 2010, khi trở lại với bóng chuyền bãi biển, chỉ trong hai tháng Mai Thị Hoa đã lấy lại vóc dáng của một “siêu mẫu”. Chị chia sẻ: “Bóng chuyền đã giúp tôi trở lại với sự nỗ lực tập luyện để giảm cân, lấy lại vóc dáng. Ngoài 3-4 giờ tập luyện mỗi ngày, về nhà tôi lại leo lên mái nhà tập chạy bộ, tập cơ bụng. Rất may, do không bị rạn da bụng nên tôi vẫn mặc bikini và ít người biết tôi đã sinh hai con. Bóng chuyền bãi biển không chỉ giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê thể thao mà còn duy trì được vóc dáng”.

Trời nắng như đổ lửa nhưng các VĐV bóng chuyền bãi biển vẫn phải ra biển lúc thời tiết khắc nghiệt nhất để tập và thi đấu với khung giờ từ 10g-12g, 14g-16g. Nếu không có niềm đam mê thì không cô gái nào có thể chịu đựng được sự “tàn phá” của nắng gió khi phơi mình ngoài trời. Thanh Trâm (19 tuổi) - VĐV triển vọng của bóng chuyền bãi biển VN - cho biết cô rất xót cho làn da cháy sạm của mình vì phải thi đấu giữa trời nắng cháy da. Dù vậy, Thanh Trâm cho biết cô yêu vô cùng sự cổ vũ sôi nổi của các CĐV mỗi lần ra sân thi đấu.

Mặc đẹp mới tự tin thi đấu

Góp phần vào sự hấp dẫn của các VĐV khi ra sân chính là các bộ bikini đầy màu sắc. Thanh Trâm cho biết chỉ khi nào có trang phục đẹp, hấp dẫn cô mới tự tin khi ra sân và tự tin khoe hết vẻ đẹp cơ thể mình. Trong khi đó Mai Thị Hoa tiết lộ các VĐV bóng chuyền bãi biển VN thường tự đi mua và đặt may các bộ bikini khi thi đấu. Chị Hoa nói: “Do các bộ bikini của nước ngoài giá rất đắt nên chúng tôi mua những bộ đồ bơi rẻ tiền 200.000-300.000 đồng, sau đó bỏ áo đi và mặc quần đi thi đấu. Riêng áo đấu, chúng tôi thường phải mặc áo do ban tổ chức và đoàn thể thao phát vì còn liên quan đến yếu tố nhà tài trợ. Mỗi trận đấu với các VĐV bóng chuyền bãi biển không chỉ là thi đấu mà còn là buổi trình diễn bikini đúng nghĩa”.

Ông Lê Hoàng Sơn - trưởng ban bóng chuyền bãi biển Liên đoàn Bóng chuyền VN, người có công đưa bóng chuyền bãi biển vào VN - cho biết việc để các cô gái VN mặc bikini khi thi đấu đã phải trải qua hơn 20 năm đấu tranh. Ông Sơn nói: “Năm 1994, khi tôi đưa bóng chuyền bãi biển về TP.HCM, chúng tôi đã phải đến từng gia đình động viên cho các cô gái chân dài đi tập luyện. Lúc đó cũng phải hứa với gia đình các em là không phải mặc bikini. Giai đoạn đầu các VĐV mặc quần áo dài thi đấu, sau đó chuyển sang áo tắm một mảnh nhưng rất bất tiện vì cát chui vào người không thoát ra được khiến VĐV khó chịu. Mãi sau đó VĐV mới chuyển sang mặc bikini hai mảnh như hiện nay”.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của bóng chuyền bãi biển, hiện nay Liên đoàn Bóng chuyền VN đã đưa môn thể thao này đến tổ chức ở những địa phương không có biển như Đắk Lắk. Ông Trần Đức Phấn, phó chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN, cho biết trong tương lai có thể liên đoàn sẽ đưa bóng chuyền bãi biển thi đấu ở trung tâm Hà Nội để phục vụ khán giả. Chỉ cần chở cát vào làm sân đấu, tạo khán đài di động là có thể thi được bóng chuyền bãi biển. Với sự quan tâm của rất đông khán giả, môn thể thao này sẽ có cơ hội đến gần hơn với người hâm mộ nhờ sức hút từ những đôi chân dài và những bộ bikini hấp dẫn.

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ABG5 Đà Nẵng