15/12/2019 09:27 GMT+7

Chuyển nhầm tiền không đòi lại được vì... ai chẳng có lòng tham

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Ngân hàng Nhà nước vừa đưa dự thảo quy định, theo đó sẽ thuận lợi hơn khi xử lý việc chuyển nhầm tiền. Nhưng thực tế có rất nhiều điều khi chuyển tiền nhầm cần lưu ý.

Chuyển nhầm tiền không đòi lại được vì... ai chẳng có lòng tham - Ảnh 1.

Quá trình giải quyết để lấy lại tiền chuyển nhầm hiện nay gần như trông chờ vào thiện chí của người nhận. Ảnh minh họa giao dịch tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện nay, nếu chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm trốn tránh, có thể mất vài tháng, thậm chí cả năm mới có thể đòi lại. Có trường hợp chịu mất trắng số tiền đã chuyển nhầm.

Dở khóc dở cười

Chị Hạnh (Phú Nhuận, TP.HCM), mở tài khoản tại một ngân hàng (NH) quốc tế, cho hay chỉ trong một thời gian ngắn chị đã bốn lần nhận tiền chuyển nhầm với số tiền mỗi lần vài triệu đồng, có lần lên đến vài chục triệu.

"Nhiều khi đang chạy ở ngoài đường, tôi nhận được điện thoại báo chuyển nhầm tiền vào tài khoản của tôi. Mỗi lần như vậy tôi phải hẹn về kiểm tra, nếu đúng sẽ chuyển lại. Có lần nhận nhầm một số tiền lớn, đại diện NH và kế toán doanh nghiệp còn đến tận cơ quan tôi nhờ ký giấy tờ cho NH chuyển lại tiền" - chị Hạnh kể.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người nhận tiền chuyển nhầm cũng thiện chí như vậy. 

Chị Trang (Bình Thạnh) cho hay từng chuyển nhầm gần 10 triệu đồng và một ngày sau mới phát hiện. Ngay lập tức chị ra NH trình báo. Một tuần sau, sốt ruột chị gọi lên hỏi thì NH cho biết không liên hệ được với chủ tài khoản.

"Tôi phải xin số điện thoại của chủ tài khoản đó, tìm đến tận nhà năn nỉ, tác động với người thân của họ, rồi hứa hậu tạ mới được trả lại tiền" - chị Trang kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều NH cho biết xử lý các trường hợp chuyển nhầm tiền hiện nay rất phức tạp nếu bên nhận không có thiện chí. 

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần lớn tại TP.HCM kể về một trường hợp nhận tiền kiều hối từ nước ngoài chuyển về mới đây. Số tiền chỉ 300 USD, nhưng do trục trặc nên lệnh chuyển đầu tiên NH không nhận được, đối tác tại nước ngoài đã chuyển lại lệnh thứ hai.

Nhưng sau đó lệnh chuyển đầu tiên lại thực hiện được, dẫn đến khách hàng nhận tiền hai lần. NH liên hệ người nhận để đề nghị hoàn trả nhưng người này né tránh, rút hết tiền ra xài. Đến gần một năm sau, khi cơ quan điều tra vào cuộc, người này mới chịu trả.

Trên mạng xã hội mới đây cũng xôn xao trường hợp một người nhận nhầm 34 triệu đồng nhưng chỉ chuyển trả lại hơn 30 triệu, tự lấy 3,8 triệu đồng với lý luận... ai chẳng có lòng tham. Khi bị tố, người này đã lên mạng xã hội nói rằng "số tiền 3,8 triệu xem như là... học phí cho một bài học"!

Ngân hàng không thể tự xử lý

Nhiều năm làm trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, chuyên gia Sang Ngô cho biết nhiều trường hợp chuyển nhầm tiền thực sự do ghi sai số tài khoản, hoặc do nhân viên NH gõ sai. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bản chất thật sự là tranh chấp. 

Chẳng hạn, hai bên thỏa thuận chuyển khoản đặt cọc một số tiền để mua nhà, mua xe, nhưng sau đó không thỏa thuận được nên bên mua "bẻ kèo", đến báo với NH là chuyển nhầm tiền.

Ngoài ra, phổ biến nhất hiện nay là bị lừa đảo. Nghe kẻ gian hù dọa đang bị công an điều tra, phải chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ nào đó để an toàn nên nhiều người đã làm theo. 

Tỉnh ra, khách hàng mới báo với NH là... chuyển nhầm. Với trường hợp này, nếu làm thủ tục chuyển tại quầy và báo ngay, NH có thể dừng lệnh chuyển.

Nhưng nếu chuyển online hoặc chuyển theo hình thức khác và giao dịch đã hoàn tất sẽ khó xử lý hơn. 

Chuyên gia Huỳnh Trung Minh thừa nhận quy định mới khi được áp dụng sẽ giúp NH can thiệp kịp thời để khách hàng lấy lại số tiền chuyển nhầm. Đặc biệt trong trường hợp chủ tài khoản bị lừa đảo, hay bị đánh cắp thông tin tài khoản.

"Nhưng vấn đề là cơ sở nào để xác định trường hợp nào là nhầm hoặc không nhầm, đặc biệt trong trường hợp báo nhầm lẫn mà bản chất là tranh chấp. Vì nếu không sẽ rủi ro cho NH khi người bị phong tỏa tiền khiếu nại NH. Khi áp dụng vào thực tế, NH Nhà nước cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể" - chuyên gia Huỳnh Trung Minh đề nghị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các NH cho biết theo quy trình, khi phát hiện chuyển nhầm tiền, khách hàng phải đến quầy giao dịch của NH thông báo để được hướng dẫn giải quyết.

Trường hợp chuyển nhầm do lỗi từ nhân viên NH thì NH có trách nhiệm liên hệ để lấy lại số tiền chuyển nhầm, hoặc ứng tiền trả cho khách hàng. 

Nếu lỗi chuyển nhầm do khách hàng, NH chỉ hỗ trợ liên hệ với người nhận nhầm, chứ không thể tự ý trừ tài khoản khi chưa được chủ tài khoản cho phép.

Trường hợp không liên hệ được với chủ tài khoản nhận nhầm, khách hàng có thể làm đơn yêu cầu công an vào cuộc hoặc khởi kiện ra tòa. 

"Ngoài ra, quá trình giải quyết cũng sẽ kéo dài hơn nếu tài khoản nhận không cùng hệ thống. Khi đó, NH đầu gửi sẽ làm thủ tục tra soát và báo cho NH đầu nhận để biết tài khoản nhận là ai. Nếu người nhận không hợp tác, NH sẽ thông báo đến khách hàng về kết quả xử lý" - lãnh đạo một NH giải thích.

Được phong tỏa tài khoản người nhận nhầm?

Tại dự thảo thay thế nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt đang được đưa ra lấy ý kiến, NH Nhà nước đưa ra quy định cho phép các NH, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền phong tỏa tài khoản người nhận khi phát hiện nhầm lẫn, sai sót.

Theo các NH, đây là quy định cần thiết và khi chính thức được ban hành sẽ giúp khách hàng lấy lại số tiền chuyển nhầm dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, theo các NH, cần có hướng dẫn chi tiết vì phân biệt thế nào là khoản tiền chuyển nhầm để thực hiện phong tỏa theo yêu cầu của người chuyển thực sự không dễ.

Không trả coi chừng vi phạm hình sự

Cuối tháng 3-2019, một ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) chuyển nhầm số tiền 5 tỉ đồng vào tài khoản một thanh niên tên N.. Ngay sau đó, nam thanh niên này đã rút tiền hàng trăm lần từ trụ ATM để mua xe, mua đất, mua nhà.

Công an đã mời thanh niên này đến trụ sở làm việc, sau đó thu hồi gần hết số tiền chuyển nhầm vào tài khoản.

Theo quy định, nếu có bằng chứng chứng minh người nhận nhầm tiền cố tình sở hữu số tiền hoặc cơ quan có trách nhiệm đã có yêu cầu trả lại số tiền, người nhận được tiền biết nhưng vẫn cố tình không trả lại hoặc sử dụng số tiền đó thì bị xem là có dấu hiệu vi phạm tội "chiếm giữ trái phép tài sản" theo điều 176 BLHS 2015.

Nếu người vi phạm bị xử lý hình sự về tội danh này thì ngoài hình phạt tù, người vi phạm sẽ phải trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu số tiền bị chiếm đoạt.

Nhận tiền chuyển nhầm, giữ luôn không trả, lãnh 4 năm tù Nhận tiền chuyển nhầm, giữ luôn không trả, lãnh 4 năm tù

TTO - Sáng 11-7, Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử và tuyên phạt bà Nguyễn Thị Nở (39 tuổi, ngụ quận 12) 4 năm tù về tội "chiếm giữ trái phép tài sản".

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên