03/07/2017 11:07 GMT+7

Chuyện nghề các “PT”

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Ngoài việc huấn luyện thể thao còn phải thiết lập chế độ dinh dưỡng, thậm chí luôn đeo bám sát sao, hỗ trợ tâm lý dành cho học viên, đó là công việc của một “PT” (personal trainer) - tức những HLV dạy kèm cá nhân.

HLV Nguyễn Trường Ân hướng dẫn cho bà Kruytbosch tập luyện. Ảnh: H.Đ.
HLV Nguyễn Trường Ân hướng dẫn cho bà Kruytbosch tập luyện. Ảnh: H.Đ.

Khái niệm PT đang ngày càng trở nên phổ biến, xuất hiện ở nhiều môn thể thao như thể hình, thể dục, bơi lội... theo chân nhu cầu của người tập luyện.

“Thể dục dành cho người bận rộn”

HLV thể hình chuyên nghiệp, chủ một hệ thống phòng tập có tên tuổi ở Sài Gòn nhưng lại không có bất kỳ... phòng tập thực thụ nào. Nhiều năm gần đây, HLV Nguyễn Trường Ân đã thực hiện công việc quản lý lẫn huấn luyện của mình như thế. Anh Ân là một trong những HLV ở VN đi tiên phong trong việc cung cấp gói dịch vụ PT cho những ai đam mê tập thể hình.

Điểm khác biệt cơ bản của những PT so với các HLV thể hình bình thường là huấn luyện một kèm một. “Nhu cầu tập một kèm một với HLV xuất phát từ nhiều lý do. Trời nắng nóng, đường sá ngày càng đông đúc khiến nhiều người không muốn đi ra khỏi nhà. Tập một kèm một tất nhiên cũng hiệu quả hơn. Người tập sẽ có thêm nhiều động lực tập luyện, không thể nào buông bỏ được khi có HLV theo kèm sát bên. Ngoài ra, ý tưởng mở dịch vụ của tôi còn đến từ việc có nhiều phòng tập thể hình ở TP.HCM chưa được tận dụng hết, đặc biệt là tại các khách sạn, công ty lớn”.

Khách hàng của các PT phần lớn là những người trong giới kinh doanh, quá bận rộn công việc đến mức không có nhiều thời gian tập thể dục. Bà Jay Kruytbosch - một phụ nữ người Canada hiện đang làm việc tại Việt Nam và là học viên của HLV Nguyễn Trường Ân - cho biết: “Tôi sang Việt Nam đã được gần 2 năm nay. Ở quê nhà, tôi chơi khá nhiều môn thể thao như hockey, chạy bộ nhưng ở đây chưa thể thích nghi được thời tiết. Tập trong các phòng tập thì các HLV chỉ nói sơ, qua loa về cách tập luyện chứ không tận tình mấy, tôi tập mà chẳng có mấy hiệu quả. HLV Ân thì khác, ông ấy theo dõi tôi rất sát sao, rất nghiêm ngặt và cùng tập với tôi”.

Chế độ dinh dưỡng nghiêm khắc

HLV Phạm Khắc Hy, một PT tên tuổi khác trong giới thể hình, thì cho biết đối tượng khách hàng của anh thường là các ca sĩ, diễn viên - những người đặt mục tiêu giảm cân trong thời gian ngắn. “Một trong những khách hàng đầu tiên của tôi đặt ra mục tiêu giảm 8kg trong 1 tuần. Kết quả tôi giúp cô ấy giảm đủ 8kg chỉ trong vòng 6 ngày với chế độ tập luyện, dinh dưỡng rất nghiêm ngặt”.

Anh Hy cho biết chế độ tập luyện dành cho những người muốn giảm cân nhanh chóng của anh thông thường sẽ gồm 4-5 giờ tập luyện cho mỗi tuần. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chế độ dinh dưỡng. “Một PT là phải có kiến thức về dinh dưỡng. Vì nếu tập luyện nhiều nhưng ăn không đúng cách cũng sẽ không hiệu quả trong việc giảm cân. Tôi tự tay soạn chế độ dinh dưỡng cho khách hàng của mình. Và trong hợp đồng ký kết, điều kiện của tôi là khách hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng” - anh Hy cho biết.

Giúp nhiều người giảm cân thành công nhưng HLV Phạm Khắc Hy cũng từng thất bại, nói chính xác hơn là do khách hàng bỏ cuộc khi không đáp ứng được thực đơn ăn kiêng mà anh đề xuất. “Công việc của một PT vì thế không chỉ là huấn luyện, yêu cầu người tập phải làm theo mình. Chúng tôi phải thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi han về tình hình sức khỏe khách hàng của mình. Vì nếu họ gặp trở ngại về sức khỏe hay tâm lý thì sẽ rất khó lòng đáp ứng điều kiện tập luyện. Hồi đi học ở Hàn Quốc, tôi từng được đào tạo về việc này” - anh Hy kể.

Tương tự, HLV Nguyễn Trường Ân từng có khoảng thời gian 2 năm được đào tạo kỹ về kỹ năng dinh dưỡng, tâm lý khi theo học một hệ thống phòng tập ở Malaysia. “Tôi làm việc rất bận rộn và mỗi khi nghĩ đến tập thể dục, đến ăn kiêng tôi lại thấy rất chán nản. Nhưng HLV đã giúp tôi chiến thắng bản thân, ông ấy luôn biết cách khích lệ, tạo động lực cho tôi” - bà Kruytbosch nói.

Bơi lội cũng có “PT”

Trời nóng, các hồ bơi trong TP.HCM vì thế luôn đông nghẹt người vào mùa hè, các lớp học bơi cũng tương tự với khoảng mười mấy, hai mươi học viên một lớp. “Học bơi mà đông như vậy tôi thấy khó mà hiệu quả được, con tôi học suốt 2 tháng rồi vẫn chưa biết bơi, HLV không có nhiều thời gian để kèm riêng từng em” - một phụ huynh cho con học bơi cho biết. Dịch vụ dạy bơi kèm riêng vì thế ra đời.

Chị Lê Thị Ngọc Diễm - một HLV của hồ bơi Lam Sơn (quận 5) - cho biết từ nhiều năm qua, chị vẫn thường nhận những lớp dạy kèm riêng như vậy. “Chủ yếu là tại các chung cư hoặc khách sạn. Hồ bơi công cộng thì đông chứ ở đó lại vắng lắm, dạy bơi rất thoải mái. Dạy bơi một kèm một tất nhiên hiệu quả hơn xa so với dạy đông người. Đối tượng trẻ em khoảng 8-12 tuổi là học nhanh nhất, thông thường chỉ cần 5 buổi là biết được một kiểu bơi. Người lớn thì mất thời gian lâu hơn nhiều” - chị Diễm nói.

Cũng như những HLV thể hình, công việc “PT trong hồ bơi” của chị Diễm không chỉ đơn giản là xuống hồ và dạy bơi. “Rất nhiều khách hàng lớn tuổi mời tôi về dạy không phải vì nhu cầu cần biết bơi. Họ đa phần mắc các bệnh thoái hóa xương khớp, được bác sĩ khuyên đi bơi vì môn thể thao này rất tốt cho xương khớp. Nhưng mặt khác, nhiều người cũng bị thêm các bệnh viêm xoang, dị ứng nên rất ngại nước hồ bơi. Dạy cho họ khá phức tạp. Thông thường tôi chỉ có thể dạy kiểu bơi ngửa mặt” - chị Ngọc Diễm kể.

1,5 triệu đồng/giờ

Vừa được thành lập trong vài năm gần đây, dịch vụ PT của anh Ân mau chóng phát triển. “Số lượng khách của tôi ổn định khoảng 12 người vào mỗi thời điểm, bây giờ tôi phải san sẻ khách bớt cho các bạn PT khác trong phòng tập” - anh Ân kể. Trong khi HLV Phạm Khắc Hy cũng cho biết giai đoạn đỉnh cao nhất anh phải dạy đến 10 người một ngày.

Chi phí mời một PT cũng đắt hơn rất nhiều so với đi tập ở các phòng tập bình thường. HLV Phạm Khắc Hy cho biết chi phí một giờ dạy của anh lên đến 1,5 triệu, trong khi những HLV khác trong phòng tập cũng vào khoảng 500.000 đồng/giờ.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên