Phóng to |
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: TTO |
- TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM): Tôi được biết khi theo học ngành hành chính học, ngoài khối kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên sẽ học về lý luận nhà nước và pháp luật, lý luận hành chính nhà nước, Hiến pháp và Luật tổ chức nhà nước, lịch sử hành chính Việt Nam, quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, quản lý tài chính công, tổ chức quản trị và điều hành công sở, tâm lý học trong quản lý nhà nước...
Bên cạnh các môn học này, khi chọn chuyên ngành quản lý công, sinh viên sẽ học thêm các môn: quản lý công, quản lý chiến lược trong khu vực công, quản trị địa phương, dịch vụ công, quản lý chất lượng toàn bộ trong khu vực công...
Khi tốt nghiệp, cử nhân hành chính học có thể đảm nhận công việc của chuyên viên trong trong lĩnh vực hành chính và quản lý hành chính nhà nước; có cơ hội tìm những công việc liên quan đến quản trị trong các tổ chức kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nhà nước...
* Em thấy nhiều trường đào tạo ngành công nghệ sinh học. Chương trình đào tạo các trường khác nhau thế nào? Học xong ngành này có thể làm việc ở những đâu? (hanguyen@...)
- PGS -TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành này như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM… Các trường đào tạo ngành này có nội dung chương trình giống nhau 70-80%, còn lại khác nhau 20-30% tùy thế mạnh của từng trường.
Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học: các viện nghiên cứu, bệnh viện, công ty dược, công ty chế biến, công ty giống cây trồng - vật nuôi, công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nhu cầu xã hội ngành này ngày càng tăng do các sản phẩm công nghệ sinh học tạo ra ngày càng ứng dụng nhiều trong đời sống.
* Năm nay em định đăng ký thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chuyên ngành cơ khí ôtô nhưng gia đình không cho vì sợ ngành này ra trường không có việc làm, đang bão hòa và không có cơ hội thăng tiến trong công việc. Vậy cho em hỏi ngành cơ khí ôtô tổng quát chương trình dạy học là gì, cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào? (bennong@...)
- PGS-TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì cơ hội tìm việc làm của sinh viên thuộc ngành nào cũng đều khó khăn cả. Trong thời gian tới, ngành cơ khí ôtô có cơ hội phát triển tốt vì theo lộ trình, Việt Nam sẽ phải giảm thuế nhập khẩu ôtô xuống 0% so với trên 200% hiện nay.
Mặt khác, do được học những kiến thức nền tảng về cơ khí và động cơ, cũng như hệ thống điều khiển nên sinh viên ra trường vẫn có thể làm việc ở các doanh nghiệp thiết kế, lắp ráp, vận hành các phương tiện đường bộ khác như tại các bến cảng, sân bay...
Tuy nhiên, cơ hội việc làm sẽ chỉ đến và tốt với những người có kết quả học tập tốt, đam mê với công việc và chấp nhận mức thu nhập tương ứng với khả năng làm việc của bản thân.
* Cho em hỏi sự khác nhau giữa hai ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển - tự động hóa và ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Nhu cầu xã hội đối với ngành này như thế nào? (tranngocvinh@...)
- PGS-TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Cả hai ngành đều học về các hệ thống, dây chuyền, thiết bị tự động. Tuy nhiên, ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa thuộc khoa điện - điện tử học chủ yếu phần điện tử và lập trình. Trong khi đó ngành cơ điện tử thuộc khoa cơ khí học đều ba lĩnh vực: cơ khí, điện tử và lập trình. Hiện nay nhu cầu nhân lực ngành cơ điện khá lớn, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm rất tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận