29/04/2014 08:59 GMT+7

Chuyện một người mẹ miền Nam

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ai gặp bà Tư Bê (Đặng Thị Tăng) cũng ấn tượng với tiếng cười giòn giã, sảng khoái của bà, y như bà đã sống suốt 87 năm bình yên, sung sướng. Nói điều ấy với bà, bà lại cười: “Tôi là một bà mẹ miền Nam. Mà ở khắp Việt Nam này đâu phải bà mẹ nào cũng được bình yên. Nhưng mà phải vui chớ, vui mới sống được những ngày còn lại, con à”.

Đằng sau nụ cười của bà là nỗi chịu đựng đắng cay. Đằng sau những phút nô giỡn như con trẻ với chắt nội là cả một đời làm mẹ đau đớn trong chia ly, mất mát. “Tôi đã đổi nghĩa vụ làm mẹ để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Bốn đứa con, bốn số phận khác nhau. Chiến tranh dài quá. Các con tôi chắc cũng hiểu hoàn cảnh của đất nước để mà hiểu mẹ” - trên gương mặt bà, khi nụ cười tan đi, những vết hằn như sâu thêm.

Nhật ký của mẹ

Mãi về sau này, khi đã rời xa những công việc, nhiệm vụ, đã yên ả trong ngôi nhà mới của con gái, bà mới thong thả ngồi lại bên chiếc bàn gỗ xưa đã được cha đóng cho từ hồi tiểu học, đặt bút viết lại vài trang hồi ký, nhật ký những ngày thiếu nữ mơ mộng, hoạt động sôi nổi, làm mẹ gian truân. Bà ngập ngừng: “Muốn viết về các con nhiều, nhưng thật sự tôi lại ít biết về con quá, không biết cả món ăn con thích. Tôi nào có được nuôi con...”.

Năm 1945, Đặng Thị Tăng 18 tuổi, là một thư ký của hãng Nhật tại Sài Gòn, nhiều mộng mơ và luôn khát khao có cuộc sống độc lập, tự chủ. Cơn gió cách mạng mang không khí tươi mới, huy hoàng của độc lập, tự do thổi tới, cô mang tất cả sức trẻ, nhiệt tình tham gia phong trào Thanh niên tiền phong, đi thẳng vào cuộc kháng chiến. Hôm nay, bà Tư Bê cười: “Hồi đó nghe kể chuyện 10 năm “vạn lý trường chinh” ở Trung Quốc, chúng tôi bảo nhau gì mà dài ghê vậy, mình đi kháng chiến một hai năm rồi về với má. Ấy thế rồi ai ngờ lại đi luôn một cây 30 năm...”.

Bắt đầu bằng công tác cứu thương, bà trở thành một cán bộ tình báo Khu 9 và chẳng bao lâu đứng vào Tỉnh ủy Cần Thơ. Suốt quá trình ấy bà còn lấy chồng, sinh con, rồi chồng đi tập kết để lại bốn đứa con, đứa lớn nhất 7 tuổi, đứa nhỏ còn trong bụng... Hoạt động lúc bí mật, lúc công khai trong đô thị, bao nhiêu thử thách, yêu cầu đặt trước mặt người mẹ trẻ. Không thể chu toàn cả hai, bà phải lựa chọn. “Và mẹ tôi đã chọn nhiệm vụ cách mạng. Những lúc mẹ khóc, có lẽ sẽ dễ chịu hơn lúc phải nuốt nước mắt vào tận sâu thẳm trái tim” - chị Tư Giang (tức nhà báo Ngô Hoàng Giang), con gái duy nhất của bà, đỡ lời, thấu hiểu mẹ bằng tình cảm của một người mẹ.

Cả bốn người con bà đều phải đứt ruột mang đi gửi cơ sở nuôi giúp. “Hoàng Phương ở với mẹ đến lúc biết đi thì gửi về nhà ông ngoại, rồi sang nhà bà Bèo. Hoàng Sơn 3 tháng, mẹ tập cho bú được sữa bò thì gửi ông bà Hữu bán kim chỉ ở chợ. Hoàng Giang là con gái nên ráng giữ được tới gần 3 tuổi. Hoàng Lâm là út, mới sinh tròn tháng thì mẹ phải về hoạt động hợp pháp ở nội thành, lại đành chia tay con” - bà nhớ lại. Ba người con trai đều xa mẹ từ khi chưa biết nói, chưa biết gọi “Mẹ ơi”.

Bà viết trong nhật ký: “Gửi con đứt từng đoạn ruột. Sữa căng nhức nhối mà không cho con bú được, ruột gan mẹ rối bời. Đêm nằm khóc, ngồi dậy cũng khóc, gặp đồng chí phải quay đi khóc lén. Bác Hai đến bồng con về thấy vậy cũng khóc. Chỉ có làm cách mạng, đi theo lý tưởng cộng sản, người mẹ mới có thể xa con, xa núm ruột của mình”.

Nhưng, như con gái bà nói, nước mắt còn rớt ra ngoài tức là khi trong lòng còn dễ chịu.

Nước mắt chảy ngược

Phương 17 tuổi, lo con bị bắt lính, bà ngược xuôi tổ chức chuyến về thành đón con vào cứ. Phương gia nhập đơn vị quân giới thành quân giải phóng. Hai mẹ con chỉ gặp nhau một lần trên chiếc xuồng xuyên đêm từ Cần Thơ về Cà Mau ấy rồi thôi. Chưa tròn 20 tuổi, Phương đã mãi mãi nằm lại bên bờ sông Trẹm. Ở căn cứ của Tỉnh ủy Cần Thơ, bà Tư Bê được báo tin. Bình tĩnh đợi kết thúc cuộc họp, bà xuống xuồng một mình bơi mãi ra xa, quay mũi vào một bụi rậm, chờ cho dòng nước mắt trào tuôn ra ngoài. “Khóc ở căn cứ sợ làm yếu lòng anh em” - bà giải thích đơn giản vậy.

Sơn không chờ được đến ngày mẹ về đón. 13 tuổi, trong một lần tắm sông, người bạn bị đuối, Sơn lao ra cứu và cả hai bị nước cuốn đi. Hay tin, bà Tư Bê một lần nữa đứt ruột. Bà quýnh quáng đón Hoàng Giang vào căn cứ khi con gái mới 12 tuổi, để Giang lớn lên trên đường kháng chiến. Còn Hoàng Lâm? Bà bảo: “Lâm còn nhỏ, tôi hi vọng chiến tranh chấm dứt trước khi con lớn”.

Nhưng chiến tranh vẫn kéo dài. Năm 1969 bà bị bắt, lần lượt trải qua những trại tù khét tiếng: khám lớn Cần Thơ, Thủ Đức, Tân Hiệp, Côn Đảo. Cái án chín năm khổ sai, chín năm biệt xứ không làm bà nản lòng mong đợi hòa bình, bà bình thản ngồi đan tấm áo len gửi về cho con gái, cương quyết trong từng đợt đấu tranh chính trị, can trường trước những đòn tra tấn dã man. Hòa bình không còn lâu, nhưng hòa bình đã đến trễ hơn tuổi 18 của Hoàng Lâm. 1973, Lâm 18 tuổi, biết rõ cả gia đình mình theo kháng chiến nhưng vẫn không thể tránh lệnh tổng động viên. Lâm đi lính, đứng ở phía bên kia chiến tuyến với mẹ, với chị, với cha, anh. Chưa đầy một năm sau Lâm tử trận. Trong lúc ấy, bà được trao trả theo Hiệp định Paris.

Hòa bình đến vào ngày 30-4-1975. Hoàng Giang như bay về Cần Thơ tìm em. Cùng lúc cô nhận được hai tin sét đánh: Lâm đã mất, và mất vì đi lính cộng hòa. Hai tin sét đánh ấy cũng đến với bà Tư Bê khi bà cùng chồng hân hoan về quê hương trong tư thế người chiến thắng. Nước mắt đang vỡ òa vui sướng lại chảy ngược vào trong.

Từ ấy, mỗi năm bà Tư Bê lại làm giỗ chung cho ba con trai vào ngày 2-9. Thắp ba nén nhang lên bàn thờ, bà thì thầm: “Ba đứa con, đứa còn nhỏ, đứa bộ đội, đứa lính cộng hòa, đứa nào cũng là con của mẹ”. Khách đến chơi, hỏi chuyện, bà bảo: “Vì chiến tranh, vì hoàn cảnh mà có người bên này, người bên kia. Là con dân miền Nam tôi hiểu rõ lắm, khi làm công tác tình báo, địch vận, tôi đã thuyết phục được rất nhiều người đang làm cho chính quyền cộng tác với mình. Vậy rồi con tôi cũng không thể ngoại lệ. Ở miền Nam này, biết bao gia đình như gia đình tôi...”. Rồi bà thở dài: “Chiến tranh dài quá, bao nhiêu người, bao nhiêu điều đau khổ. Các cháu hãy cố mà giữ lấy hòa bình”.

Iss1D9Vd.jpgPhóng to
Nụ cười thật tươi của bà Tư Bê sau bao đau đớn của cuộc đời - Ảnh: Tự Trung

Bà cũng có những phút thanh thản hiếm hoi. Bà cười thật duyên, kể về niềm vui của mình những ngày hòa bình này: tập thể dục, đọc, viết, chơi với cháu và cứ vài ngày lại gọi điện thoại ra Côn Đảo. Trên hòn đảo xa ấy bà có một người bạn tri kỷ: ông Nguyễn Phú Hội, người bạn trai cùng quê, cùng học một lớp thuở thiếu thời. Chiến tranh đã đẩy họ ra xa nhau, và rồi lại gần nhau trong một nghịch cảnh: bà là tù chính trị, được bầu vào ban đại diện để đứng đầu các cuộc đấu tranh; ông là phó quản đốc trại giam, phụ trách hành chính.

“Khi ấy tôi đã nhận ra bạn mình, biết ông là người tốt, nhưng vị trí đối diện nhau nên không thể nói ra được” - bà cười. Mấy mươi năm sau, biết ông Hội cùng cả gia đình vẫn ở lại Côn Đảo, bà đã vượt sóng ra thăm. Tình bạn nối lại sau 73 năm xa cách với những câu chuyện miên man thơ phú...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên