21/07/2013 17:22 GMT+7

Chuyện màu da ở Mỹ

VIỆT TOÀN chuyển ngữ
VIỆT TOÀN chuyển ngữ

TT - Ngày 28-8-1963, mục sư đáng kính Martin Luther King (con) đọc bài diễn văn lịch sử đòi chấm dứt sự kỳ thị người da đen trước 250.000 người ở thủ đô Washington.

Xứ cờ hoa giờ đây lại đang loay hoay với câu chuyện của nửa thế kỷ trước với một Martin khác. Nhà báo Mỹ Scott Duke Harris (*) viết riêng cho Tuổi Trẻ từ Mỹ.

n7t9z7UY.jpgPhóng to
Cảnh sát đối mặt đoàn biểu tình ở Beverly Hills, bang California ngày 17-7 - Ảnh: Reuters

Tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ mong muốn anh dân phòng da trắng Zimmerman, 28 tuổi, bị kết tội trong vụ bắn chết thiếu niên 17 tuổi người Mỹ gốc Phi Trayvon Martin vừa qua. Vụ việc đáng chú ý này vẫn còn gây nhiều tranh cãi và hiện đang chia rẽ người dân trong lòng nước Mỹ (Tuổi Trẻ ngày 16-7-2013 đã đăng bài).

Với nhiều người, việc Tổng thống Barack Obama, có cha là người Kenya, đắc cử là bằng chứng cho thấy tiến bộ vượt bậc trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng sắc tộc ở Mỹ. Tuy vậy, dù cho Tổng thống Obama có là hiện thân của tiến bộ ấy thì thành công của ông và của người Mỹ gốc Phi vẫn chỉ là những ngoại lệ mà thôi. Chia rẽ sắc tộc và bất bình đẳng vẫn còn là câu chuyện lớn của nước Mỹ và điều này đặc biệt đúng khi áp vào hệ thống tư pháp hình sự.

Ngày nay, một bé trai nếu sinh ra với màu da đen ở những khu vực nghèo khó của Mỹ thì thật đáng buồn, nhiều khả năng nó sẽ trở thành một tên tội phạm và có kết cục trong tù thay vì ngồi trên giảng đường đại học.

Chính thứ thành kiến cho rằng thanh niên da đen thường là “những kẻ phá rối” là nguyên nhân khiến Martin phải chết.

Zimmerman mang theo súng bên mình một cách hợp pháp nhờ vào luật kiểm soát súng đạn không chặt chẽ của bang Florida, và khi nhìn thấy cậu thiếu niên da đen mặc áo khoác có nón trùm đầu đang đi bộ trong một khu dân cư thì ngay lập tức kết luận cậu ta chắc chắn là tội phạm!

Các băng ghi âm cho thấy khi gọi báo cảnh sát về trường hợp Martin, Zimmerman lầm bầm những nội dung xúc phạm như: “Lũ khốn này lúc nào cũng tìm cách trốn chạy”.

Thật ra thì Martin đang trên đường đến thăm nhà của bạn gái cha mình. Nếu Martin là một thiếu niên da trắng hay gốc Á thì ắt hẳn Zimmerman đã không có thứ suy nghĩ ấy. Zimmerman đã theo dõi Martin dù cho cảnh sát bảo điều đó là không cần thiết. Lẽ ra Zimmerman nên đợi cảnh sát đến sau cuộc gọi của mình. “Quan sát và báo cáo” tình hình là điều một anh dân phòng nên làm trong tình huống này. Trong khi đó, Martin lại đang nói chuyện điện thoại với một người bạn và cô gái này sau đó khai rằng Martin tỏ ra giận dữ do bị theo dõi. Cậu ta còn nói cảm thấy đang bị một “tên da trắng” phân biệt chủng tộc quấy rầy mình.

Không có băng hình ghi lại hay nhân chứng tận mắt chứng kiến cuộc đụng độ giữa hai người, và đây cũng chính là cơ sở chủ yếu để Zimmerman dùng để biện hộ cho mình trước một người đã chết. Zimmerman bước ra khỏi xe và cuộc đụng độ xảy ra sau đó, lúc đầu là qua lời nói rồi sau đó đến vũ lực. Theo lời biện hộ của Zimmerman thì Martin đánh trước, áp đảo anh ta rồi đập đầu anh ta xuống nền đường. Zimmerman khai rằng sợ nguy hiểm đến tính mạng nên rút súng ra bắn vào ngực Martin.

Các bằng chứng cho thấy có thể Zimmerman đã đánh giá sai tình hình và đưa ra vài quyết định sai lầm, còn Martin cũng có sai trong đó. Tuy nhiên, Martin thì đã chết, còn Zimmerman lại được tuyên vô tội, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc anh ta không có tội.

Quyết định của bồi thẩm đoàn đã làm bùng phát những cuộc biểu tình phi bạo lực mà có lẽ sẽ khiến mục sư Martin Luther King (con) cảm thấy tự hào cho những người cùng màu da. Điều đáng buồn là vài người biểu tình - chủ yếu là thanh niên da đen - lại tụ tập thành các nhóm đập phá trên phố, từ đó càng làm sâu sắc thêm thứ thành kiến đã dẫn đến cái chết của Martin.

Những người ủng hộ Martin lý luận rằng với những bằng chứng có được, Zimmerman lẽ ra phải bị kết án ngộ sát. Tôi không dám quả quyết rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn là sai vì nguyên tắc của luật pháp Mỹ là một bị cáo được xem là “vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội”. Vì thế Zimmerman vẫn được xem là vô tội, ngay cả sau khi anh ta vội vã cho rằng Martin là tội phạm.

Nhiều người vẫn đang tập trung nói về phương diện sắc tộc của vụ án này nhưng cũng cần phải nhìn nhận đó là dấu hiệu cho thấy luật kiểm soát súng đạn không chặt chẽ của Mỹ đang là vấn đề lớn hiện nay. Zimmerman đâu cần phải mang súng để thực hiện nhiệm vụ “quan sát rồi báo cáo tình hình cho cảnh sát”. Liệu anh ta có ra khỏi xe và đối mặt với Martin nếu như không mang súng trên người? Martin lúc ấy chỉ cầm theo một điện thoại, một ly trà và gói kẹo. Zimmerman mới là kẻ có súng và nguy hiểm. Anh ta là người rình kẻ mà mình cho là khả nghi, nếu không muốn nói là “con mồi” của anh ta.

Thế nên, luật kiểm soát súng đạn không chặt kết hợp với phán quyết kiểu như của bồi thẩm đoàn kia sẽ khiến nước Mỹ có thêm nhiều Trayvon Martin và George Zimmerman nữa. Mà nói thật là Zimmerman rồi sẽ được lấy lại súng của mình sau phán quyết đó.

HOcx4VbW.jpgPhóng to
Tổng thống Obama tại Nhà Trắng- Ảnh: Reuters

“Trayvon Martin có thể là tôi cách đây 35 năm”

Cách so sánh của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong lần nói chuyện với các nhà báo tại Nhà Trắng ngày 19-7 đã được dẫn làm lời tựa của hầu hết báo chí thế giới. Theo nhận định, đây là lần phát biểu bất ngờ của ông về phán quyết của phiên tòa kết thúc cách đây một tuần.

“Quý vị biết đấy, khi Trayvon Martin bị giết chết, tôi từng tự nhủ chuyện đó có thể xảy đến với con mình. Còn nói theo một cách khác thì cậu ta có thể là tôi cách đây 35 năm.

Một khi bồi thẩm đoàn đã tuyên bố thì đó là cách vận hành của hệ thống tư pháp của chúng ta.

Cộng đồng người Mỹ gốc Phi nhận thấy vấn đề này qua những trải nghiệm cá nhân và đó là một lịch sử không mất đi. Rất ít người Mỹ gốc Phi chưa từng bị các nhân viên bảo vệ theo dõi trong cửa hiệu mà mình đang vào mua sắm. Tôi có nằm trong số này.

Cộng đồng người Mỹ gốc Phi biết rằng hiện có chuyện về bất cân bằng chủng tộc trong việc thực thi luật hình sự của chúng ta. Điều đó dẫn đến những hệ quả trong cách người ta diễn giải vụ Trayvon.

Theo câu chuyện hiện nay, tôi nghĩ chúng ta rất cần xem xét lại một số luật địa phương coi có phải chúng đã được chuẩn thuận theo cách dẫn đến kiểu can thiệp, xung đột và thảm kịch như đã xảy ra tại Florida.

Tôi thông cảm được những cuộc biểu tình và tuần hành chừng nào chúng vẫn không mang tính bạo lực. Nếu có những chuyện bạo lực xảy ra, tôi sẽ thấy rằng chúng đang làm ô danh chuyện đã xảy đến với Trayvon Martin và gia đình cậu ấy.

Với nhiều người thật khó để tiếp nhận câu chuyện vừa qua nhưng tôi không muốn chúng ta mất đi hi vọng mọi việc sẽ được cải thiện. Mỗi thế hệ mới dường như đều đang đạt được những tiến bộ giúp thay đổi cách hành xử của mình, dẫu rằng điều đó không có nghĩa nạn phân biệt chủng tộc đã bị loại trừ hoàn toàn”.

______________

(*) Scott Duke Harris là nhà báo Mỹ từng đoạt giải báo chí Pulitzer, có nhiều bài viết và phóng sự đăng trên các báo và tạp chí lớn như Los Angeles Times, USA Today, Forbes, The Christian Science Monitor…

VIỆT TOÀN chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mỹ kỳ thi màu da da đen