03/08/2021 11:09 GMT+7

Chuyên gia Trần Đắc Phu: Đi chợ cách nhật là 'hơi dày'

TTXVN
TTXVN

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo người dân chỉ nên đi chợ 2 lần/tuần nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

Chuyên gia Trần Đắc Phu: Đi chợ cách nhật là hơi dày - Ảnh 1.

Chợ Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) áp dụng phiếu đi chợ - Ảnh: MAI THƯƠNG

Sáng 3-8, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 29 ca mắc COVID-19 mới tại 11 quận, huyện, trong đó có 8 ca trong cộng đồng, 21 ca ở khu cách ly tập trung. Như vậy, từ ngày 27-4 đến nay, Hà Nội đã có 1.374 ca mắc, trong đó có 829 ca được ghi nhận trong cộng đồng.

Đặc biệt, gần đây Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, ở hầu hết tất cả các quận, huyện, đặc biệt là tại các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối... nhiều người tập trung, qua lại.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu giải thích các chợ liên tiếp ghi nhận ca mắc COVID-19 bởi trong số những người đến đây có các ca F0. Thông qua truy vết, giám sát, các lực lượng phát hiện thêm nhiều ca ở khu vực này, chủ yếu là những trường hợp thứ phát từ một ổ dịch trong cộng đồng.

Trong bối cảnh thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, để đảm bảo an toàn, chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không nên đi chợ quá nhiều lần trong tuần, chỉ đi chợ trong trường hợp thật sự cần thiết, tập trung mua những đồ dùng thiết yếu.

Với số lượng hàng hóa ổn định, người dân có thể mua đủ đồ dùng cho mấy ngày mỗi lần, khi mua về cần có phương án bảo quản, sử dụng hợp lý. Để đảm bảo số lượng hàng cần mua, trước khi ra chợ, người dân nên kê khai danh mục cần thiết, mua nhanh, không nên kéo dài thời gian ở những khu vực có nguy cơ.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng việc một số nơi ở Hà Nội phát phiếu đi chợ 2 ngày/lần là "hơi dày", chỉ nên để khoảng 2 lần/tuần là hợp lý.

Cùng với đó, chính quyền, ban quản lý các chợ cũng phải sắp xếp lại việc bán hàng của các tiểu thương và người dân, chỉ nên cho bán những sản phẩm thiết yếu, đặc biệt chú ý khoảng cách giao tiếp giữa hai người; bố trí đường đi mua hàng theo một chiều, tức vào một đầu, ra một đầu. Một số nơi đã có những giải pháp giữ khoảng cách như tấm kính chắn hoặc che nilông, đặt các dấu chân, căng dây, đeo tấm chắn kính khi bán hàng... Tại những nơi có nguy cơ cao, người đi chợ và người bán hàng phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế nhằm hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện tại, Bộ Thông tin - truyền thông đã đưa ra phương án quét mã QR code cho người dân khi di chuyển giữa các địa điểm, chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa phương án này, hỗ trợ cho công tác truy vết khi phát hiện các ca F0 có liên quan.

Chuyên gia Trần Đắc Phu: Đi chợ cách nhật là hơi dày - Ảnh 2.

Vì phân chia đi chợ theo ngày chẵn lẻ nên người dân thường mua nhu yếu phẩm cho 2 - 3 ngày - Ảnh: MAI THƯƠNG

Liên quan đến mô hình bảo vệ các "vùng xanh" an toàn như TP.HCM đã triển khai trong thời gian qua, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng nên nhân rộng hiệu quả các mô hình này tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng và những địa phương có nguy cơ, trong đó có Hà Nội.

Theo đó, cần phân ra các vùng khác nhau để đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại từng địa phương. Vùng đỏ (nguy cơ rất cao), vùng vàng (nguy cơ cao) và vùng xanh (an toàn).

Về nguyên tắc, vùng đỏ đã bị phong tỏa rất chặt, không để F0 lây nhiễm ra cộng đồng; ngược lại, vùng xanh là những vùng chưa có ca bệnh, không để F0 lọt vào bên trong.

Từ đó, các lực lượng có 2 cách truy vết khác nhau: những "vùng xanh" vẫn có thể truy vết được, nhưng những "vùng đỏ" như TP.HCM phải ưu tiên cho công tác điều trị. Mô hình bảo vệ các "vùng xanh" tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang thực hiện chỉ thị 16 là để tạo vùng đệm, vùng lõi để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên