27/12/2015 16:45 GMT+7

Chuyên gia nước ngoài nói về chuyện "du hí hoàng hôn"

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TT - Chống tham nhũng luôn là vấn đề nan giải ở nhiều quốc gia vì nhiều nguyên nhân. Ở một số quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển, tham nhũng phổ biến đến nỗi người dân xem đó là chuyện bình thường vì nó diễn ra gần như công khai mỗi ngày.

TS Terry F. Buss
(viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - Ảnh: Quỳnh Trung
TS Terry F. Buss (viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - Ảnh: Quỳnh Trung
Ở Mỹ giám sát rất chặt chẽ các giao dịch tài chính, đặc biệt là những người có dấu hiệu giàu lên bất thường. Những người có công việc thu nhập thấp nhưng lại sở hữu ôtô đắt tiền, nhà to thì thuộc diện tình nghi của các cơ quan điều tra. Ngoài ra, nếu ai đó cố gắng giao dịch số tiền từ 10.000 USD trở lên thì cũng thuộc diện tình nghi của FBI. Vì vậy rất khó rửa tiền ở Mỹ

Theo tôi, đây là một hiện tượng rất nguy hiểm.

Chú trọng bồi dưỡng đạo đức

Gần đây báo chí Việt Nam đưa tin nhiều quan chức các tỉnh sắp về hưu được phát hiện có tên trong danh sách các chuyến du lịch “hoàng hôn nhiệm kỳ” để học tập kinh nghiệm xổ số. Đầu tiên, tôi muốn khẳng định đây không phải là hiện tượng hiếm có.

Những trường hợp tương tự có ở rất nhiều nước. Một số nghị sĩ Úc bị phát hiện sử dụng tiền ngân sách để du lịch ở Ý và tham gia một khóa học nấu ăn. Họ thuê máy bay riêng, ở những khách sạn sang trọng khiến tổng chi phí chuyến đi lên đến 60.000 USD.

Hay như ở Mỹ, các quan chức tham gia những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm bằng... tiền của các công ty tư nhân. Một số nước cho rằng đây không phải là hành vi tham nhũng nhưng người dân thì cho rằng như thế là tham nhũng và tỏ thái độ giận dữ.

Tôi từng có thời gian làm việc ở Ngân hàng Thế giới (WB). Chúng tôi thường cung cấp những khóa đào tạo cho các quan chức chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới về kinh nghiệm quản trị. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao xác nhận tham gia nhưng lại không đến.

Thay vào đó, họ cho người thân tham gia và những người này biến chuyến đi học tập thành những chuyến đi mua sắm. Sau đó, WB rút kinh nghiệm bằng cách tổ chức những khóa học trực tuyến.

Những hành vi lợi dụng chức vụ để sách nhiễu người dân cũng chính là tham nhũng. Ở một số nước nghèo và đang phát triển, có những người dân dù thu nhập chỉ khoảng 2-3 USD mỗi ngày nhưng họ vẫn phải bấm bụng chi tiền để “bôi trơn” cho những người cung cấp dịch vụ công.

Như vậy là không công bằng và chính phủ cần phải bảo vệ họ.

Trong hơn hai năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội, tôi thường xuyên theo dõi tình hình đất nước Việt Nam.

Theo tôi, nếu Việt Nam muốn chống tham nhũng hiệu quả thì có ba giải pháp chính: Một là trả lương cao cho những người làm việc trong bộ máy công quyền. Hai là chú trọng bồi dưỡng tư cách đạo đức cho cán bộ, công chức.

Cuối cùng nhưng quan trọng nhất là các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam phải đặt việc phòng chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, đừng nên chỉ nhận định: “Tham nhũng là quốc nạn, làm xói mòn niềm tin của nhân dân và đe dọa sự tồn vong của chế độ” nhưng không đề ra những biện pháp quyết liệt để phòng chống tham nhũng. Tôi cho rằng các lãnh đạo Việt Nam cũng đã tìm hiểu kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của các nước rồi.

Kinh nghiệm quốc tế

Là người nghiên cứu chính sách công nên tôi thường tìm hiểu về một số mô hình phòng chống tham nhũng của một số quốc gia. Chẳng hạn như ở Úc, một số bang trước đây xảy ra tình trạng tham nhũng tràn lan đã thành lập ủy ban chống tham nhũng độc lập.

Các ủy ban này được trao quyền trực tiếp điều tra các nghi án tham nhũng, trong đó có cả những vụ việc liên quan đến các quan chức cấp cao của chính quyền. Những quốc gia như Malaysia và Indonesia có những phiên tòa đặc biệt để xét xử các vụ án tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy.

Mô hình chống tham nhũng thứ ba mà tôi muốn đề cập chính là ở Mỹ. Có rất nhiều cơ quan ở Mỹ có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, trong đó có Bộ Tư pháp, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Ngoài ra, mỗi cơ quan chính phủ đều có một phòng ban thanh tra, có trách nhiệm theo dõi các dữ liệu tài chính cũng như những người có dấu hiệu tham nhũng.

Cá nhân tôi rất ấn tượng với hệ thống phòng chống tham nhũng của Singapore. Nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng Singapore có mức độ tham nhũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Họ trả lương rất cao cho các quan chức chính phủ, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn rất cao về tính chuyên nghiệp của bộ máy công vụ. Singapore mong muốn có một bộ máy công vụ minh bạch và trong sạch nhất, do đó họ không tha thứ cho những hành vi sai trái.

Chúng ta phải nhắc đến cố lãnh đạo Lý Quang Diệu vì ông đã góp phần tạo ra một bộ máy công quyền tốt và hiệu quả như thế.

TS TERRY F. BUSS
(viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ)

Quản trị tốt sẽ giúp ngăn chặn tham nhũng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Sarah Dix và ông Jairo Acuña-Alfaro - hai cố vấn chính sách của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) - cho biết phòng chống tham nhũng hiệu quả sẽ giúp Việt Nam tạo ra một xã hội công bằng hơn cho tất cả người dân, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Cô Sarah Dix và ông Jairo Acuña-Alfaro dẫn kết quả hai nghiên cứu về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam mới đây của UNDP đã lưu ý Việt Nam bốn điểm chính sau đây:

1. Việt Nam không cần phải đợi phát triển hơn nữa rồi sau đó mới tập trung chống tham nhũng;

2. Chống tham nhũng là hành động khẩn thiết nếu muốn phát triển bền vững;

3. Dẫu hệ thống quản trị có phức tạp thì sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân trong phòng chống tham nhũng sẽ giúp giảm tham nhũng;

4. Cam kết cải thiện hệ thống quản trị của Chính phủ là yếu tố quan trọng trong việc chống tham nhũng.

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên