23/04/2024 15:21 GMT+7

Chuyên gia, địa phương lo ngại gì về kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia?

Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia đang gây nhiều lo ngại cho Đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia, nhà quản lý nói gì về dự án này?

Sơ đồ dự án - Nguồn: Ủy ban sông Mekong Việt Nam

Sơ đồ dự án - Nguồn: Ủy ban sông Mekong Việt Nam

Sáng 23-4, tại TP Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia và thực hiện tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Lo kênh đào Phù Nam Techo làm khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long thêm trầm trọng

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã bày tỏ quan ngại dự án này sẽ có những tác động tiêu cực tới Đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên gia lo thiếu nước mùa khô

PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ, lo ngại dự án này không chỉ lấy nước phục vụ giao thông thủy như thông báo của Campuchia mà phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp của họ.

Nếu tính toán đầy đủ thì vào mùa khô, nếu có kênh Phù Nam Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu (hai phân lưu của sông Mekong) khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 50%.

"Những năm khô hạn như năm 2016 và năm 2024, tình trạng thiếu hụt nước sẽ thêm trầm trọng. Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô chứ không thể xem là không đáng kể.

Chắc chắn là với mức suy giảm theo ước tính như thế này thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường", ông Tuấn cảnh báo.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng vào mùa mưa, kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ (lũ trên sông Mekong và lũ tràn đồng).

Như vậy đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, phía bắc của kênh diện tích ngập sẽ gia tăng lên, trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi tham vấn - Ảnh: CHÍ QUỐC

PGS.TS Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi tham vấn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Lũ thấp sẽ không những ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết như đập Tha La mà còn làm giảm nguồn cá, nguồn phù sa, nguồn dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học do chuỗi thức ăn thay đổi một cách đáng kể.

Dự báo các cánh đồng và vùng đất ngập nước nổi tiếng như Anlung Pring là nơi bảo tồn sếu của Campchia và vùng đất ngập nước Trà Sư, Tỉnh Đội, khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ sẽ giảm lượng nước đáng kể và de dọa sự tồn tại đặc điểm đa dạng sinh học ở các nơi này.

Đồng tình, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết vào mùa khô dòng chảy sông Mekong và sông Bassac về hạ lưu đã giảm trong nhiều năm nay.

Nếu kênh đào Phù Nam Techo lấy thêm một lượng nước (hiện chưa rõ lấy thêm một lượng bao nhiêu), khi đó dòng chảy về hạ lưu chắc chắn sẽ sụt giảm, dẫn tới khả năng thiếu hụt lượng nước vào mùa khô, sẽ có tác động đối với Đồng bằng sông Cửu Long là điều chắc chắn.

"Trong giai đoạn thực hiện và hoạt động của dự án chắc chắn có tác động đến khu vực hạ lưu sông, vùng biển. Còn mức độ tác động ít hay nhiều thì cần có các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, độc lập, mang tính quốc tế. Từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu các tác động và đưa ra giải pháp thích ứng để phát triển kinh tế - xã hội, môi trường vùng hạ lưu ở Đồng bằng sông Cửu Long", theo ông Tuấn.

Cần phối hợp chặt chẽ với Campuchia

Sông Hậu đoạn chảy qua TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sông Hậu đoạn chảy qua TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Võ Đức Phong - Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho rằng về dự án, hiện còn nhiều thông tin chưa được phía Campuchia cung cấp đầy đủ nên còn nhiều cái mơ hồ, chưa hình dung được kênh đào này ảnh hưởng thế nào tới sản xuất nông nghiệp.

"Đề nghị Ủy ban sông Mekong Việt Nam hợp tác chặt chẽ với phía Campuchia ngay từ khâu nghiên cứu dự án để kịp thời phát hiện bất lợi, đồng thời thường xuyên chia sẻ thông tin với các tỉnh để chúng tôi có thông tin về kênh đào này nhằm chủ động tham mưu UBND tỉnh đưa ra giải pháp phù hợp hơn trong tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp", ông Phong kiến nghị.

Còn ông Võ Kim Thuần - chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, cho rằng thông tin về kênh đào Phù Nam Techo khiến tỉnh rất lo ngại, trước hết là lo ngại ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt, đến sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đồng thời vấn đề lưu thông tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười chuyên chở hàng hóa liên tỉnh qua Long An, qua kênh Rạch Chanh, Thủ Thừa về TP.HCM… nếu nguồn nước thiếu hụt sẽ ảnh hưởng nhiều tới lưu thông thủy.

"Thông tin dự án này còn nhiều hạn chế, đề nghị phía Campuchia cần chia sẻ, minh bạch thêm thông tin. Ủy ban sông Mekong quốc tế cần có nghiên cứu, đánh giá tác động xuyên biên giới và đề nghị chia sẻ đánh giá tác động này cho các quốc gia thành viên", ông Thuần đề xuất thêm.

Còn thiếu nhiều thông tin về dự án

Ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế nhận được công văn chính thức của Campuchia về dự án đường thủy nội địa kênh đào Phù Nam Techo vào ngày 8-8-2023.

Thông báo này nêu mục đích của dự án là kết nối giao thông đường thủy nội địa và kết nối hàng hải bằng cách xây dựng một tuyến đường thủy dài 180km, mở rộng và đào sâu các kênh hiện có, đào một số đoạn mới nối biển với trọng tải tạo 1.000 DWT cùng ba âu thuyền để duy trì mực nước cho giao thông thủy.

Đến hiện tại phía Campuchia vẫn chưa có thông tin về một số yếu tố kỹ thuật của dự án như: cao độ lòng sông tại điểm đầu và điểm cuối của các đoạn kênh, độ dốc lòng kênh, chiều rộng mặt kênh, cao độ của bờ kênh, lưu lượng xả nước, quy tắc hoạt động trong mùa khô và mùa mưa…

Vì sao kênh đào Phù Nam Techo gây chú ý?Vì sao kênh đào Phù Nam Techo gây chú ý?

Campuchia không có tuyến đường trực tiếp nối từ sông ra biển. Họ đang kỳ vọng kênh đào Phù Nam Techo sẽ “thay đổi cuộc chơi” sau khi xây xong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên