08/07/2022 14:00 GMT+7

Chuyên gia chia sẻ một số quan niệm chưa đúng về ăn uống

B.H
B.H

Khi cơ thể có dấu hiệu nóng trong người như nổi mụn, nhiệt miệng… một số người quy kết cho thực phẩm hoặc món ăn mình vừa sử dụng. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, việc đổ lỗi cho một thực phẩm hay món ăn nào đó chưa thật sự chính xác.

Chuyên gia chia sẻ một số quan niệm chưa đúng về ăn uống - Ảnh 1.

Chìa khóa để có một cuộc sống khỏe chính là một chế độ ăn đa dạng, hoạt động thể lực hợp lý và tránh căng thẳng

Tại chuỗi hội thảo chuyên đề "An toàn thực phẩm và dinh dưỡng đúng cách đối với sức khỏe cộng đồng" diễn ra vừa qua tại miền Trung và Tây Nam Bộ, một số quan niệm chưa đúng liên quan tới thực phẩm và dinh dưỡng là nguyên nhân gây nóng, chế độ "kiêng" chất béo, quan niệm về chất phụ gia sử dụng trong thực phẩm… đã được PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, phân tích và giải đáp.

Một thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nóng

PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh, việc "gây nóng" có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như chế độ ăn mất cân bằng, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia hoặc do tác dụng không mong muốn của một số thuốc, hay do một số bệnh lý…

Điển hình như trường hợp mì ăn liền, PGS.TS Lê Bạch Mai khẳng định: mì ăn liền không phải là "thủ phạm" gây nóng. Mì ăn liền chỉ là một thực phẩm cung cấp chủ yếu chất bột đường tương tự như gạo, bún, bánh phở... 

Việc gây "nóng" là do bữa ăn chưa đảm bảo tính đa dạng, thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng nào đó và mất cân đối giữa các chất dinh dưỡng. Vậy nên, sử dụng mì ăn liền cũng cần thực hiện đúng cách để đảm bảo cân đối giữa 4 nhóm chất dinh dưỡng.

Như vậy, nóng trong người đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng ta nên được tư vấn, kiểm tra để có giải pháp xử trí hiệu quả nhất.

PGS.TS Lê Bạch Mai cũng cho biết thêm, để có một cuộc sống khỏe mạnh nói chung, tránh vấn đề "nóng trong" nói riêng, chính là chế độ ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng, đáp ứng đủ nhu cầu của mỗi người, ngoài ra kết hợp hoạt động thể lực hợp lý và tránh căng thẳng.

Nên công bằng hơn với chất béo

Một số chị em e ngại sử dụng thực phẩm chứa chất béo, đặc biệt là những thức ăn được chế biến qua chiên rán, bởi cho rằng chúng gây tác động xấu đến sức khỏe.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan. PGS.TS Lê Bạch Mai chia sẻ, dầu/mỡ là chất béo tinh chế, giữ vai trò quan trọng trong cung cấp các acid béo không no cần thiết cho cơ thể. Vì thế, bữa ăn hằng ngày cần được cung cấp đầy đủ và cân đối giữa chất béo động vật với chất béo thực vật.

Chuyên gia chia sẻ một số quan niệm chưa đúng về ăn uống - Ảnh 2.

Bữa ăn hằng ngày cần được cung cấp đầy đủ và cân đối giữa chất béo động vật và thực vật.

Trong ẩm thực, chiên, rán là một phương pháp chế biến nhằm tạo hương vị cho món ăn, góp phần giúp bữa ăn đa dạng và ngon miệng. 

PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết, thực phẩm chiên không xấu nếu được chế biến đúng cách, tiêu thụ hợp lý về số lượng và số lần sử dụng. Chúng chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi chọn chất béo không phù hợp mục đích sử dụng, chiên ở nhiệt độ quá cao, thời gian chiên quá lâu, lạm dụng đồ chiên thái quá… 

Ngoài ra, sử dụng dầu ăn/mỡ để chiên xào còn là cách cung cấp thêm một phần chất béo cho cơ thể và giúp cho món ăn ngon miệng hơn.

Đừng quá sợ hãi với phụ gia

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, để được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, các chất phụ gia phải được nghiên cứu và chứng minh về tính an toàn với sức khỏe con người. Bộ Y tế đã quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm bao gồm loại phụ gia và mức sử dụng tối đa phụ gia trong thực phẩm.

Chuyên gia chia sẻ một số quan niệm chưa đúng về ăn uống - Ảnh 3.

Người tiêu dùng nên đọc nhãn mác thực phẩm để biết về loại phụ gia và lựa chọn sản phẩm được cấp phép bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền

Như vậy, người tiêu dùng không quá lo lắng về tính an toàn của phụ gia thực phẩm, mà nên chú ý tới việc đọc nhãn mác thực phẩm, lựa chọn sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép bởi các cơ quan chức năng.

Những sản phẩm được cấp phép đồng nghĩa với việc nhà sản xuất tuân thủ đúng các quy định về phụ gia thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Không có thực phẩm xấu, chỉ có bữa ăn xấu

Hiện nay có một số tin đồn như ăn dưa muối có nguy cơ ung thư dạ dày và làm tăng huyết áp; măng tươi gây ra sỏi thận; mì ăn liền không tốt cho sức khỏe… khiến không ít người hoang mang và có tâm lý "vừa ăn vừa lo".

Theo đó, PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết, không có thực phẩm xấu, chỉ có bữa ăn xấu do người tiêu thụ chưa phối hợp đúng các loại thực phẩm, chế biến và ăn sai cách có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Chuyên gia chia sẻ một số quan niệm chưa đúng về ăn uống - Ảnh 4.

Không có thực phẩm xấu mà chỉ có bữa ăn xấu, chế biến và ăn sai cách sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe

Theo phân nhóm thực phẩm, mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo, bún, bánh phở, bánh mì… 

Khi sử dụng mì ăn liền, nên coi mì ăn liền chỉ là 1 thực phẩm. Để tạo thành món ăn hay bữa ăn đạt yêu cầu về dinh dưỡng hợp lý cần kết hợp với các thực phẩm nhóm khác như nhóm cung cấp chất đạm (thịt, trứng, tôm…), nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ (rau, quả…).

Thêm vào đó, xét về mặt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực khách có thể yên tâm khi chọn loại mì ăn liền được cấp phép bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền, còn nguyên bao gói, trong hạn sử dụng, được nấu chín và ăn ngay sau khi nấu. Vì thế, mì ăn liền là thực phẩm được lưu thông phân phối tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.

B.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên