Tranh thủ những buổi nghỉ học, Phan Đình Kiệt (giữa) và hai em đi lượm ve chai ở bãi rác - Ảnh: Thái Thịnh |
Ấy là bởi suốt những năm làm lớp trưởng, ngoài giờ học, Kiệt tới các bãi rác để lượm ve chai, nhôm nhựa bán kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Thế là với số tiền tích góp 2.000 - 3.000 đồng mỗi ngày từ bán ve chai, Kiệt đã mua cho mình và hai đứa em những quyển tập, chiếc cặp, bút viết tinh tươm mỗi khi năm học mới bắt đầu.
Ba anh em Kiệt học cùng trường nhưng chỉ có một chiếc xe đạp. Vì vậy giờ tan học, Kiệt chờ em cùng về. Khi lên cấp II, nhà cách trường hơn 3km.
Để đến lớp mỗi buổi sáng, có hôm Kiệt xin đi chung xe với bạn, hôm nào không xin được mấy anh em lại thay nhau chia làm hai chuyến, cứ thế tới lớp suốt bốn năm nay.
Căn nhà của gia đình Kiệt chưa đầy 7m2 cho năm người ở, nằm trên khoảng đất trống do bà con chòm xóm thương tình góp ván dựng lên cách đây đã hơn 10 năm.
Nhìn đứa con trai sau bữa ăn trưa lại tất bật khoác chiếc áo lao động, mang bao bì đi lượm ve chai, cô Mai Thị Huyền (mẹ Kiệt) khóc. Cô kể chồng mắc chứng suy nhược cơ thể nên sức khỏe ngày càng yếu, không làm được việc nặng.
Chi phí chăm lo cho gia đình và ba đứa con ăn học đều phụ thuộc vào công việc làm thuê, bữa được bữa mất nên con cái không được học hành đàng hoàng. Kiệt và em gái chênh nhau hai tuổi nhưng năm nay đều học chung một lớp.
“Năm Kiệt 6 tuổi, vì không có tiền nên gia đình đành phải cho Kiệt nghỉ hai năm và hai anh em lên lớp 1 cùng lúc” - cô Huyền nghẹn ngào kể.
Thương cha mẹ nên ba anh em đã biết phụ giúp gia đình từ những ngày còn nhỏ. Khi mới học lớp 5, thấy các cô chú đi rao thu mua sắt vụn, chai lọ..., Kiệt đã biết lượm chai nhựa tích góp mỗi ngày đem bán.
“Những buổi nghỉ học, mình thường tới các bãi rác hoặc lượm ven đường ở thôn, xóm, xã những chai lọ mà người ta vứt đi rồi gom lại.
Một chai nhựa hay lon bia là 200 đồng, 10 lon là đã có 2.000 đồng rồi. Bây giờ cả ba anh em mình đều đi lượm nên một ngày có khi kiếm được 30.000 đồng” - Kiệt tươi cười khoe.
Mẹ Kiệt tâm sự có lúc ba anh em vào tận các chòi trong rẫy sâu để lượm lon bia đến tối mịt mới về. “Nhiều lần thương quá nói mấy đứa đừng đi nữa, nhưng chúng cứ kiên quyết xin đi, nói con muốn mua một tập vở mới, chiếc cặp mới giống như các bạn trong lớp” - cô Huyền gạt nước mắt kể.
Ngoài việc lượm ve chai, vào những vụ mùa cà phê khi người ta thu hoạch xong, Kiệt cũng mang bao vào rẫy để đi mót lại đem bán.
Phan Thị Thương (em gái Kiệt) lấy chiếc áo ấm được gấp cẩn thận trong ngăn kéo ra khoe rằng đây là chiếc áo mà em mua được từ số tiền tích góp từ việc lượm ve chai. Rồi những cuốn sách, tập vở hay đóng các khoản quỹ lớp, quỹ đoàn cũng đều từ số tiền anh em Kiệt tự kiếm được.
Cô Hồ Thị Diệp, giáo viên chủ nhiệm của Kiệt, cho biết vì học giỏi và năng nổ trong các hoạt động của lớp nên Kiệt được bạn bè yêu mến bầu làm lớp trưởng suốt bốn năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận