Chuyện biết rồi, khổ lắm nhưng phải nói mãi

LÊ THÚY HẰNG
LÊ THÚY HẰNG

TT - Cũng không cần đến thông tin từ nhóm nghiên cứu của Quỹ hòa bình và phát triển VN mà chúng ta mới biết rằng giáo viên đang... bất ổn. Ai cũng biết, nói cũng nhiều, hứa hẹn không ít và rồi mọi chuyện lại yên ắng, tĩnh lặng như những vòng sóng trên mặt nước.

Không phải cứ xây thêm nhiều trường cao tầng, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, tăng thêm số người đi học, hoàn thành thêm nhiều thứ phổ cập... là đã làm cho nền giáo dục lớn mạnh hơn. Giáo dục, cũng như bất cứ thứ gì khác trên đời này, cần không chỉ lượng mà cả chất, không chỉ bề thế bề ngoài mà còn phải vững chắc bên trong.

Xin trích lời của GS Hoàng Tụy: “Không thể có nền giáo dục tốt nếu thiếu giáo viên tốt”. Đương nhiên là không thể có giáo viên tốt nếu như đầu vào của các trường sư phạm “thảm hại” như hiện nay. Thành thật mà nói, chỉ có ở những nơi đời sống còn thấp thì phụ huynh và học sinh mới lấy “ổn định” làm tiêu chí khi định hướng và lựa chọn ngành sư phạm. Còn ở những nơi kinh tế phát triển thì không mấy ai lại (dại dột) đi chọn cái nghề không mấy triển vọng này (nếu như còn có cơ hội khác). Khi đọc các tấm gương hiếu học vượt khó vươn lên trên các báo, đoạn cuối thường có nhắc đến ngành nghề tương lai mà các em đã lựa chọn và đang nhọc nhằn theo đuổi, tôi thường khó nén được tiếng thở dài khi thấy viết em đang theo học ngành... của trường ĐH sư phạm..., mơ ước của em sau này là làm thầy/cô giáo.

Ước mơ ấy rất đẹp, rất cần cho xã hội nhưng các em đã đủ khó khăn rồi, để bù lại những nỗ lực vượt khó, trả được số nợ mà các em đã, đang và sẽ gánh trên con đường đi đến tương lai, nghề giáo khó mà đáp ứng được. Một em học trò khoe với tôi rằng do nhà em là hộ nghèo nên chị em đi học được vay tiền, được gần 30 triệu đồng rồi. Tôi lo lắng “vậy ra trường lấy đâu ra mà trả, cô đi làm hơn mười năm rồi mà lương tháng có hơn 3 triệu”. Học trò tôi vô tư: “Hây dà, cô đi dạy mà kể làm chi”! Qua đó cũng biết giới trẻ nghĩ gì về cái nghề được coi là cao quý (mặc định kèm theo đạm bạc) này.

Năm nào bộ, rồi sở, rồi phòng cũng có vài việc làm mới đưa về yêu cầu giáo viên thực hiện, gọi là đổi mới. Năm nào cũng thấy bộ đưa ra công văn quản lý (hoặc cấm) dạy thêm (thậm chí còn đưa dạy thêm vào mục chống tham nhũng trong giáo dục). Tại sao giáo viên phải dạy thêm? (Việc dạy đủ số tiết quy định cộng với vô số việc được giao ở trường đối với người sức khỏe bình thường là đã hết hơi rồi, về đến nhà thay vì nghỉ ngơi lấy sức lại lao đầu vào dạy thêm, đối với giáo viên là việc cực chẳng đã). Câu trả lời giản dị nhất: không dạy thêm làm sao nuôi được con, làm được nhà để ở, sắm sửa được thứ này thứ kia... trong khi lương nhà nước trả chỉ vừa đủ cho nhu cầu tối thiểu của một cuộc sống độc thân.

Giáo viên đi dạy bên cạnh kiến thức chuyên môn tốt còn phải cố gắng để giữ gìn hình ảnh của mình. Việc giữ gìn hình ảnh, bên cạnh trau dồi phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức nhà giáo, gương mẫu trong sinh hoạt... còn phải cố cho tươm tất, đàng hoàng (không mong gì hơn, chỉ mong ngang mức trung bình của xã hội).

Hình ảnh một ông thầy xơ xác, sống cuộc sống chật vật... ắt hẳn chẳng đẹp gì (và có phần kém trân trọng)! Chiếc áo có thể không làm nên thầy tu, nhưng ông thầy tử tế (về mọi mặt) chắc chắn sẽ làm nên nền giáo dục lớn mạnh!

LÊ THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên