18/01/2020 14:31 GMT+7

Chuột - từ tranh đến phim

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Trái với sự ghét bỏ của con người với loài chuột trong quá khứ, ở văn hóa đại chúng, loài vật này lại đứng trên một ngôi riêng, từ tranh tường ngập ngụa tinh thần phản kháng của Banksy cho đến những thước phim hoạt hình của điện ảnh Hollywood.

Chuột - từ tranh đến phim - Ảnh 1.

Tác phẩm graffiti Toxic Rat của nghệ sĩ tranh tường Banksy - Ảnh: ARTSY

Gọi tên Banksy bởi hầu hết tác phẩm của "siêu sao" đường phố này đều gây tiếng vang trên thế giới, còn tranh về loài chuột trên những bức tường vốn dĩ luôn là đề tài khiêu khích các nghệ sĩ graffiti.

Ngụ ngôn của tăm tối

Banksy (và những nghệ sĩ graffiti khác) tìm thấy ở loài chuột một biểu tượng không thể thay thế được về đời sống của người dân ở những khu vực xập xệ, tiếng nói của tầng lớp thấp hơn đòi thay đổi điều kiện sinh hoạt. Chúng đại diện cho phong trào phản kháng được những nghệ sĩ đường phố khởi xướng.

Vậy nên, như một thị dân của thành phố ngổn ngang vấn đề, những chú chuột trên tường hiện lên ở mọi góc khuất, con hẻm: đứng bên cạnh ống xả thải, cầm bảng hiệu mang diễn ngôn chính trị hoặc chạy nhảy quanh người vô gia cư.

Những bức tranh tường dạng này đã trở thành của báu cho người dân nghèo trong nỗ lực phản ứng lại cuộc sống tồi tệ. Chúng là "biển báo" của các khu ổ chuột trên khắp thế giới, nơi du khách có thể đồng cảm với người dân thay vì chỉ ngắm những ô cửa sổ nở hoa sến sẩm và xa rời.

Chuột - từ tranh đến phim - Ảnh 2.

Chú chuột mồ côi Stuart bước vào thế giới của loài người để tìm chính mình, chú chuột Mickey nổi tiếng thế giới và chuột Remy với thính giác siêu nhạy - Ảnh: AMAZON

Ở thế kỷ 14, loài chuột mang đại dịch Cái chết đen đến toàn cõi châu Âu, còn ngày nay con vật lại mang trên mình mọi tội vạ của con người mà tội lớn nhất là đẻ nhiều.

Giễu nhại điều đó không ai làm tốt hơn nghệ sĩ Steve Cutts. Ra mắt cách đây hai năm, bộ phim hoạt hình Happiness của Steve Cutts lan nhanh trên mạng xã hội như tốc độ sinh sản của loài chuột.

Dưới nền nhạc lãng mạn của thiên tài người Pháp Georges Bizet, Steve Cutts đã so sánh một cách trào phúng dân số của loài chuột với con người, cười nhạo vào những hạnh phúc ảo tưởng và báo hiệu tương lai xám xịt cho nhân loại.

Nhân năm chuột, Happiness lôi kéo thêm được một vài ngàn lượt xem, còn hai năm qua dân số thế giới tăng hơn 500 triệu người.

Chuột - từ tranh đến phim - Ảnh 3.

Chú chuột Mickey nổi tiếng thế giới và chuột Remy - Ảnh: WALT DISNEY

Thay tướng đổi vận cho họ nhà chuột

Với quá khứ chẳng mấy tốt đẹp giữa con người với loài chuột sau những cơn đại dịch, đâu phải dễ để thay đổi hình ảnh của chúng trong mắt mọi người. Ấy vậy, bất chấp những con vật khác với vẻ ngoài thân thiện, gần gũi hơn, các nhà làm phim Hollywood lại đâm đầu cải tạo nhận dạng của loài gặm nhấm nhỏ bé này.

Chuột Jerry, Mickey hay chuột đầu bếp Remy, chuột mồ côi Stuart... nghiễm nhiên trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng, là ngôi sao doanh thu không thua kém những minh tinh hạng A.

Nếu ở loài chuột có đặc điểm gì đó để các nhà làm phim bỏ qua dáng vẻ bề ngoài của chúng thì có thể chính là sự tinh quái, nghịch ngợm. Chú chuột Jerry chỉ sống trong một cái hốc nhỏ nhưng lại gây ra hàng tá sự phiền toái cho ngôi nhà.

Chuột đầu bếp Remy trong bộ phim Ratatouille với khứu giác, vị giác siêu nhạy cũng làm rối tung một nhà hàng. Dường như các chú chuột càng nhỏ thó bao nhiêu, vấn đề chúng gây ra càng lớn bấy nhiêu.

Khác với những hãng phim hoạt họa chỉ muốn khuấy lên chút sóng gió thú vị, các nhà làm phim điện ảnh ưa đào sâu vào mối quan hệ giữa chuột và sinh vật quyền lực nhất trên đời - con người.

Chuột Stuart (trong phim Stuart Little) được một gia đình loài người nhận nuôi và phải tìm cách để thích nghi lối sống mới, chuột Ben (trong phim Ben) bảo vệ cậu bé Daniel trước những vụ bắt nạt và căn bệnh tim bẩm sinh.

Trong thế giới như vậy, loài chuột vĩ đại hơn rất nhiều so với những gì người ta nhắc đến lá gan của chúng.

Chuột - từ tranh đến phim - Ảnh 4.

Chuột Remy với khứu giác, vị giác siêu nhạy - Ảnh: IMDB

Giới làm phim gần đây có xu hướng tìm kiếm loài động vật khác để thay thế cho những chú chuột đã quá nhẵn mặt trong nghệ thuật đại chúng. Cuộc đua làm phim giờ đây chuyển thành cuộc chiến "thú bông", nghĩa là ai tìm được một con vật đáng yêu vừa đưa được lên màn ảnh vừa có thể làm nhân vật nhồi bông thì người đó sẽ nắm phần hơn.

Thế nhưng, nhiều người vẫn tin rằng loài chuột sẽ luôn tái xuất trong các dự án điện ảnh, bởi sau tất thảy, chúng vẫn là loài động vật khiến chúng ta phải giáp mặt cơn đau đầu hằng ngày.

Bao nhiêu năm qua, loài chuột đã nhòm thế giới từ cái hốc nhỏ, còn con người nhìn chúng trong truyện dân gian, phim hoạt họa, phim điện ảnh và tranh vẽ.

Loài chuột là minh chứng lớn nhất cho nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của nhân loại, nhưng biết đâu, khi nhìn ngược lại vào hang của chúng, con người mới thấy mình là nhân vật "ăn khách" nhất của chuột.

chuot 3

Tác phẩm Mickey Mouse của họa sĩ Andy Warhol - Ảnh: ARTSY

Hình ảnh chú chuột thoát ra khỏi những đường ống cống để đóng góp vào những cảnh phim sinh động đã chạm đến niềm hăng say sáng tác của các nghệ sĩ.

Andy Warhol cho ra đời liền tù tì 200 bức in về chú chuột Mickey, bên cạnh chân dung của Santa Claus, Dracula, Superman. Tất cả bản in này đã trở thành một phần trong cuộc đời sáng tác đầy tranh cãi của Andy Warhol, liệu rằng cái gì là nghệ thuật, cái gì là văn hóa rởm.

Chuột chèo thuyền, chơi đàn... tại đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Tý Chuột chèo thuyền, chơi đàn... tại đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Tý

TTO - Sáng 23-12, không khí tại các xưởng sản xuất linh vật và mô hình trang trí đường hoa Nguyễn Huệ cho Tết Canh Tý 2020 khá tất bật. Những gia đình chuột sắc màu, vui tươi đang dần thành hình.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên