09/07/2018 19:45 GMT+7

Chuông vàng vọng cổ: Cải lương thiếu người hội đủ thanh sắc để làm đào kép

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Ở tuổi 13, Chuông vàng vọng cổ vẫn giữ vị thế là một giải thưởng có uy tín để tôn vinh câu vọng cổ, nghệ thuật cải lương trên sóng truyền hình, dù những người thực hiện phải hết sức nỗ lực để duy trì.

Chuông vàng vọng cổ: Cải lương thiếu người hội đủ thanh sắc để làm đào kép - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia thi sơ tuyển Chuông vàng vọng cổ tại cụm thi TP.HCM ngày 6-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vòng sơ tuyển của giải Chuông vàng vọng cổ vừa kết thúc ngày 7-7 tại TP.HCM, sau khi diễn ra ở Cần Thơ (khu vực Tây Nam Bộ) và Bình Dương (Đông Nam Bộ).

Bên cạnh giọng hát là yếu tố đầu tiên, tôi cho rằng ngoại hình cũng rất quan trọng. Bởi sân khấu cải lương đang thiếu những bạn hội tụ đầy đủ tố chất đó để trở thành đào kép

Giám khảo võ Minh Lâm (Chuông vàng vọng cổ mùa đầu tiên)

Mừng và lo

Trong những ngày sơ tuyển, điều đáng mừng là vẫn còn những gương mặt trẻ xuất hiện ở cuộc thi. Có thí sinh mới 16 tuổi.

Có những thí sinh là sinh viên như bạn Lâm Minh Nghiêm, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bạc Liêu. Từ ngày còn đi học, Nghiêm tham gia vũ đoàn ở TTVH Bạc Liêu để có thêm thu nhập đi học.

Nhảy khá đẹp, ngoại hình bắt mắt, thế nhưng anh chàng lại bị quyến rũ bởi những câu vọng cổ ngọt lịm. Được làm quen với các nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, Nghiêm bắt đầu tập tành hát cải lương và nay nhờ anh chị dượt bài "tủ" để đi thi.

Phần dự thi của thí sinh Hồ Thanh Tuyền - Video: QUANG ĐỊNH

Ở cụm thi TP.HCM, Vĩ Luân (20 tuổi, ĐH Công nghiệp TP.HCM) gây cảm tình với ban giám khảo bởi làn hơi tốt, nhịp nhàng, chắc, ngoại hình sáng đẹp khi thể hiện bài Tần Quỳnh khóc bạn. Kim Cương (20 tuổi, Cần Thơ) cũng tạo ấn tượng tốt với giọng ca có nội lực và ngọt ngào...

Còn lực lượng trẻ tham gia nghĩa là vẫn còn niềm tin vào sự nối tiếp, gìn giữ nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, mừng đó rồi lại thấy lo đó bởi những gương mặt có đầy đủ yếu tố thanh - sắc không nhiều.

Nếu như ở những năm đầu tổ chức Chuông vàng vọng cổ có thể thu hút đến hàng ngàn thí sinh tham gia, thì vài năm gần đây chỉ dừng lại ở con số trên dưới 300.

Và trong số lượng ít ỏi đó, để tìm được gương mặt có thể phát triển, đi đường dài cho sân khấu cải lương quả là khó khăn. Những gương mặt gây dấu ấn thì phần lớn đã chinh chiến qua nhiều cuộc thi. Vẫn chưa thấy được một giọng hát thật đặc biệt, tạo bất ngờ đối với người xem...

Vì vậy, công việc sàng lọc ở vòng sơ tuyển của các giám khảo là hết sức vất vả.

Phần dự thi của thí sinh Kim Xuyến - Video: QUANG ĐỊNH

Nỗ lực giữ thương hiệu

Nguồn lực tuyển sinh chủ yếu của Chuông vàng vọng cổ là những nghệ sĩ trẻ từ các tỉnh, các trung tâm văn hóa, các câu lạc bộ đờn ca tài tử. Nhưng những nguồn lực như thế ngày càng thiếu hụt. Sân khấu cải lương ngày một khó khăn, quá thiếu sàn diễn nên không nhiều người trẻ mặn mòi với khát khao trở thành nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp.

Ông Hiền Phương - phó trưởng ban văn nghệ HTV - trăn trở: "Mấy anh chủ nhiệm câu lạc bộ tài tử nói với chúng tôi bây giờ ít bạn trẻ chịu tham gia. Cái lứa hào hứng, có khả năng bắt đầu già rồi. Mấy ảnh nói vui: Giờ tổ chức Chuông... già vọng cổ may ra mới có không khí rần rần như ngày xưa!".

Cố gắng giữ thương hiệu của mình, nhưng Chuông vàng vọng cổ đôi khi cũng làm không ít người ngán vì sợ tính chuyên môn cao, sợ không đủ sức ở đấu trường lớn nên ngại không dám đăng ký thi. Và như thế có thể sẽ bỏ lọt tài năng, những nhân tố mới mẻ.

Ông Minh Hải - trưởng ban văn nghệ HTV - chia sẻ: "Nếu chúng tôi mở rộng độ tuổi tham gia (quy định hiện tại từ 16 đến 35 tuổi) thì có thể sẽ thu hút lượng thí sinh lớn hơn. Nhưng tiêu chí của chúng tôi là chọn được những nhân tố tốt để có thể phát triển đường dài.

Trong hành trình của mình, chúng tôi mừng vì đã góp phần bổ sung được những bạn có khả năng cho sân khấu cải lương, cho các đoàn nghệ thuật. Khá nhiều Chuông vàng vọng cổ hiện đang làm trụ cột ở các đoàn cải lương TP.HCM, Long An, Bạc Liêu...

Biết là khó, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng để chương trình giữ được chất lượng nghệ thuật, thương hiệu riêng của mình!".

Xem trực tiếp trên HTV

Sau vòng thi sơ tuyển, ban giám khảo (ông Hiền Phương, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, nghệ sĩ Võ Minh Lâm) sẽ chọn ra 36 thí sinh để bước tiếp vào vòng tuyển chọn (phát sóng lúc 21h trên HTV vào các ngày chủ nhật 5, 12, 19 và 26-8).

Từ vòng tuyển chọn này, 9 thí sinh được chọn vào vòng chung kết xếp hạng, truyền hình trực tiếp trên HTV vào các ngày 9, 16, 23 và 30-9. Ban huấn luyện gồm NSƯT Phượng Loan, NSƯT Hữu Quốc và NSƯT Quế Trân, NSƯT Kim Tử Long làm giám khảo khách mời. Ngồi ghế "nóng" hội đồng nghệ thuật vòng chung kết xếp hạng gồm NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT Hoa Hạ. Nghệ sĩ hài Tấn Beo sẽ giữ vai trò hoạt náo viên.

Từ cô hàng nước đến ngôi quán quân danh ca vọng cổ Từ cô hàng nước đến ngôi quán quân danh ca vọng cổ

TTO - Chương trình Đường đến danh ca vọng cổ mùa 2 đã khép lại vào đêm 23-2 với ngôi quán quân thuộc về Trịnh Thị Ngọc Huyền, cô gái đến từ Trà Vinh từng đoạt giải chuông bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2016.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên