25/09/2015 09:25 GMT+7

10 năm Chuông vàng vọng cổ: "khoái nghe người hát hồn nhiên"

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Tối 24-9, tại nhà hát truyền hình HTV diễn ra đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2015. Tính tới mùa giải năm nay, Chuông vàng vọng cổ bước vào tuổi lên 10.

Nguyễn Thanh Toàn trong giây phút đăng quang quán quân Chuông vàng vọng cổ 2015 - Ảnh: Quang Định

Mười năm là một hành trình khá dài lẫn bền bỉ để khuyến khích phong trào ca hát và tôn vinh bài vọng cổ, mà không phải đơn vị nào cũng đủ tâm và tầm để duy trì.

Chuông vàng vọng cổ chính thức ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 2006 với tên gọi ban đầu là Ngôi sao vọng cổ truyền hình.

Từ sân chơi chỉ có quy mô trong Đài truyền hình TP.HCM ở bước khởi đầu, Chuông vàng vọng cổ dần dần mở rộng ra khu vực Nam bộ và đến nay là cuộc thi có tính chất toàn quốc.

Sức lan tỏa của cuộc thi ngày càng mạnh mẽ, chỉ số rating (tỉ lệ người xem) ngày càng cao, thậm chí nhỉnh hơn so với một vài chương trình giải trí đang được yêu thích ở đài.

Không thể phủ nhận Chuông vàng vọng cổ có những đóng góp tích cực trong việc khuyến khích phong trào ca hát cải lương. Trong một cuộc tọa đàm cách đây vài năm, NSND Huỳnh Nga từng nói vui:

“Từ ngày có Chuông vàng vọng cổ, mấy ông thầy đờn than dữ lắm. Cứ vô mùa giải là bị mấy đứa đệ tử dựng đầu dậy thiệt sớm, nịnh nọt mua cà phê, thuốc lá rồi năn nỉ dợt đàn cho nó tập ca thiệt hay, thiệt nhuyễn để đi thi!”.

Có thể nói với những nỗ lực của mình, Chuông vàng vọng cổ tạo nên một “thương hiệu” riêng.

Các thí sinh đoạt giải cao Chuông vàng vọng cổ qua từng mùa thi dù vẫn còn không ít khó khăn để khẳng định chỗ đứng trong tình hình sân khấu cải lương hiện nay nhưng có những cái tên nổi trội, gây được chú ý.

Như Võ Minh Lâm, chuông vàng mùa đầu tiên, nay là anh kép chánh sáng giá của sàn diễn cải lương, chuông vàng 2007 Ngọc Đợi - cô đào cưng của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, chuông vàng 2009 Thu Vân được Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang mời về làm đào chánh...

Riêng năm nay, có ý kiến đánh giá chất lượng các thí sinh có phần giảm sút so với những mùa giải trước. Ông Minh Mẫn - trưởng Đoàn văn công Đồng Tháp - đề xuất:

“Ban tổ chức nên tổ chức định kỳ hai năm một lần, chứ như hiện nay thì hơi dày. Vì tài năng trẻ cải lương cũng không có nhiều, mình thi giãn ra để các em có thời gian trưởng thành, có thời gian hình thành thêm một lớp thí sinh mới. Thi dày quá nhiều khi không tránh khỏi tình trạng vét thí sinh, dẫn đến chất lượng không như mong muốn!”.

Ở một khía cạnh khác, anh Hoàng An - một khán giả đến từ Thủ Đức - bày tỏ: “Tôi thích cuộc thi ở tính chất phát hiện những nhân tố mới, lạ, có giọng ca hay, độc đáo, kiểu như tìm ra ngọc mà chưa được mài.

Sau này, tôi thấy nhiều bạn vô vòng chung kết nghe đâu từng hoạt động ở các đoàn nghệ thuật nên thi thố thấy có vẻ chuyên nghiệp hơn, mà như vậy cá nhân tôi lại thấy không đã lắm. Tôi khoái nghe các bạn hát hồn nhiên, không có sự can thiệp mạnh của kỹ thuật, không nặng nề thi thố”.

Có quan tâm đòi hỏi, có kỳ vọng và chờ đợi nên Chuông vàng vọng cổ đủ tự tin trên con đường của mình.

Vượt qua hơn 300 thí sinh dự thi, Nguyễn Thanh Toàn đến từ Cà Mau đoạt chuông vàng trị giá 50 triệu đồng của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2015, đồng thời đoạt luôn giải thí sinh được yêu thích nhất.

Thí sinh Nguyễn Văn Hợp đoạt chuông bạc. Tô Kim Phương - cô gái đến từ Cần Thơ - nhận giải ba và giải do hội đồng báo chí bình chọn.

Nguyễn Thanh Toàn chinh phục hội đồng nghệ thuật với số điểm cao nhất trong hai tiết mục dự thi: Dấu ấn giao thời (tác giả: Triệu Trung Kiên - Hoàng Song Việt) và ba câu vọng cổ trong bài Bài ca thành phố mùa xuân (tác giả: Lâm Viên).

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên