Thông thường người ta xin lỗi khi làm sai, làm ảnh hưởng điều gì đó tới cá nhân khác và có hướng khắc phục. Tuy nhiên có những lời xin lỗi trên các công trình cứ nằm mãi từ năm này qua năm nọ. Thậm chí các bảng này có nơi hư hỏng, bạc màu nhưng công trình vẫn ì ạch nằm đó gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người dân.
Thậm chí cụm từ "Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này" khi dịch ra tiếng Anh bị sai nhưng vẫn treo trên nhiều công trình. Điều này cho thấy sự qua loa, làm cho có của các nhà thầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường - nhận định những lời xin lỗi trên đã bị lạm dụng.
"Xin lỗi đáng lẽ người ta chỉ dùng trong trường hợp sửa chữa đường sá, công trình bất chợt gây phiền hà. Thời gian thực hiện ngắn trong ngày. Còn đối với những công trình lớn thì cần biển thông tin công trình đầy đủ, thi công đảm bảo an toàn, không bầy hầy trên đường phố ảnh hưởng người dân.
Không phải cứ treo biển xin lỗi rồi để công trình cỏ mọc dại không ai làm năm này qua năm khác. Hãy dùng hành động thay cho lời nói", ông Thuận góp ý.
Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết tính đến tháng 11, tại TP.HCM có 68 vị trí rào chắn (đã giảm 5 vị trí so với tháng 9). Các rào chắn này nằm trên 30 tuyến đường.
Để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã đề ra hai giải pháp chính. Thứ nhất là đề xuất xây dựng mở rộng đường sá và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đang làm.
Sở này cũng đề nghị Thanh tra sở phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động xây dựng của một số công trình có rào chắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận