29/03/2009 08:02 GMT+7

Chúng tôi: nhân chứng Tuol Sleng - Kỳ 3: Những đứa trẻ sống sót

ĐINH PHONG
ĐINH PHONG

TT - Khi được các bạn ở Trung tâm Tư liệu Campuchia mời sang Phnom Penh để họp báo, tôi đã đề nghị phải tìm ra tung tích bốn đứa trẻ chúng tôi đã cứu từ nhà tù Tuol Sleng năm 1979. 30 năm đã qua, cuộc tìm kiếm xem ra khó có kết quả, chúng tôi thật buồn.

Khi chúng tôi vào nhà tù Tuol Sleng thì chỉ còn bốn em nhỏ sống sót, những người tù khác còn sống bị đem theo cuộc tháo chạy ngày 7-1-1979 ai còn ai mất và có ra làm nhân chứng trong các phiên tòa hay không?

KxGW86DZ.jpgPhóng to
Hai anh em Norng Chan Phal (phải) và Norng Chan Li tại trại mồ côi Cửu Long năm 1982
Kỳ 1: Những thước phim bằng chứngKỳ 2: “Lò sát sinh” Tuol Sleng

Chỉ có những em bé này đã nhìn thấy những ngày cuối cùng của những đao phủ ở Tuol Sleng. Chúng tôi ân hận: ngày đó, sau khi đưa các em đến bệnh viện cấp cứu, chúng tôi không có dịp trở lại thăm. Khi các em được đưa về nuôi dưỡng ở trại mồ côi, chúng tôi cũng không gặp. Thế rồi các biến động chính trị ở Campuchia kéo dài, chúng tôi không có dịp trở lại Campuchia để truy tìm tung tích các em bé.

Trở lại nơi đã thoi thóp

Khi Trung tâm Tư liệu Campuchia đăng báo kêu gọi những người biết về tội ác ở nhà tù Tuol Sleng ra làm nhân chứng, hết ngày 2-2-2009 là hạn chót theo quy định của tòa án, vẫn không có tung tích gì của bốn em nhỏ mà chúng tôi muốn gặp. Ngày 4-2-2009, một thanh niên đến Trung tâm Tư liệu Campuchia xin được giúp đỡ để ra làm nhân chứng. Trong lúc chờ đợi, người thanh niên được xem ảnh trưng bày trong phòng và anh òa khóc khi chỉ vào tấm ảnh bốn đứa trẻ trước cửa nhà tù Tuol Sleng, cho biết anh là đứa trẻ lớn nhất trong bốn đứa trẻ ngày đó. Tên anh là Norng Chan Phal.

Phal đã ôm lấy chúng tôi khi gặp mặt. Dòng nước mắt nghẹn ngào. Tôi và anh Hồ Văn Tây đã đi cùng Phal và hai con nhỏ của anh đến nhà tù Tuol Sleng ngay khi đặt chân đến Trung tâm Tư liệu Campuchia chiều 15-2-2009. 30 năm qua, Phal có một hai lần vào đây, lần nào em cũng khóc vì không tìm ra tung tích bố mẹ. Tôi đã kể cho Phal nghe về buổi sáng hôm ấy cách nay 30 năm, đoàn làm phim chúng tôi đã tìm ra em trong đống quần áo cũ, đang thở thoi thóp.

Năm đó Phal 9 tuổi, bây giờ đã 39 tuổi. Tôi chỉ nơi Phal nằm trong căn bếp bên cạnh vườn rau trụi lá, bây giờ vườn rau không còn nữa nhưng em vẫn xúc động nhìn vào nơi mà mình đã từng thoi thóp giữa sống chết. Tôi dắt Phal đi các nơi mà lực lượng Pol Pot đã từng tra tấn và giết hại tù nhân. Phal và hai con nhỏ cùng chúng tôi đi xem hết các phòng trưng bày hàng vạn tấm hình chúng đã chụp người tù, song Phal nói với các con: “Không có ảnh của ông bà nội!”.

Chiều và tối hôm đó, ba cha con Chan Phal quây quần bên chúng tôi cùng ăn cơm, kể lại chuyện xưa. Phal kể rằng sau khi được chúng tôi phát hiện ở nhà tù Tuol Sleng, bốn em nhỏ được đưa vào bệnh viện. Năm 1982, ông Keo Chanda - chủ tịch chính quyền Phnom Penh - đến đưa các em về trại mồ côi do Binh đoàn Cửu Long quản lý, tên là trại Cửu Long. Phal được đi học lái xe và trở thành công nhân lái xe ủi.

Phal kể bốn em bé được cứu sống tháng 1-1979 có hai anh em là Phal và Norng Chan Li (em ruột Phal). Bây giờ Chan Li lái xe chở hàng ở xa Phnom Penh. Cha Phal tên Norng Chan quê ở Kampot là một cán bộ Khơme Đỏ phụ trách đường sắt và mẹ là Mong Dan, cũng là nhân viên Khơme Đỏ. Không rõ vì lý do gì cha của Phal bị bắt rồi đem đi mất. Mẹ và hai anh em Phal bị bắt đưa vô nhà tù Tuol Sleng. Mẹ bị giam trên lầu, hai anh em Phal ở dưới đất cùng ba em bé khác. Chiều nào mẹ cũng ra lan can nhìn hai con chơi dưới sân.

Cho đến rạng sáng 7-1-1979, chỉ huy nhà tù Tuol Sleng bắt tất cả tù nhân lên xe chở đi. Hai anh em Phal và hai đứa trẻ núp trong bụi cây tìm bố mẹ. Nhưng không có mẹ Mong Dan trong số người đi nên Phal tin là mẹ còn ở lại, không chịu lên xe di tản. Cho đến trưa nhà tù vắng lặng, bốn đứa trẻ mò về bếp kiếm cơm ăn. Chúng chờ mãi mà không thấy mẹ và người lớn. Bụng đói, chúng lượm bất cứ thứ gì trong bếp để ăn kể cả cơm thiu mốc, rau thối. Mấy hôm sau thì chúng kiệt sức ôm nhau nằm chờ chết, đứa bé nhất không có gì ăn đã chết. Sau đó bộ đội tình nguyện VN vào cứu.

MCNBaNcC.jpgPhóng to
Norng Chan Phal (bìa phải) tại cuộc họp báo ngày 16-2-2009 ở Phnom Penh

Làm nhân chứng

“Ngoài hai anh em Phal, hai đứa trẻ kia giờ ở đâu?”, tôi hỏi. Phal nghe nói có một người Đức, một người Nhật đã xin hai em về làm con nuôi. Hai anh em Phal sống trong trại mồ côi, lúc đầu nói thạo tiếng Việt, nhưng sau này không còn bộ đội VN nữa nên đã quên hết. Bây giờ Phal có vợ là Lai Xaron làm nghề buôn bán và hai con gái Cam Ti 13 tuổi đang học lớp 6 và Ammara mới 6 tuổi. Gia đình Phal sống với ông bà ngoại, tạm đủ ăn và lo cho các con ăn học.

Chúng tôi đã gặp cả gia đình Phal. Lai Xaron là cô gái đẹp, hiền hậu, biết rõ hoàn cảnh của Phal nên rất yêu quý chồng. Bố mẹ vợ của Phal cũng hiểu hoàn cảnh mồ côi của con rể nên rất yêu thương. Ông bà nhường cho gia đình Phal căn hộ ở trên gác, dù sống trong ngõ hẻm nhưng căn hộ cũng khang trang và rộng rãi.

Phal kể rằng mình rất nhớ một cán bộ VN tên Mai Lâm phụ trách trại mồ côi Cửu Long. Sau này khi rời trại mồ côi, Phal không còn gặp cán bộ đó nữa. Năm 1989, khi bộ đội VN rút quân về nước, Phal và các em trong trại mồ côi đã ra đường gần đài Độc Lập tiễn đưa bộ đội VN. Các em trào nước mắt cố tìm trong hàng quân các chú bộ đội quen biết, những người đã cứu các em, nhưng không tìm được ai.

Phal nói: “Bộ đội VN về nước làm chúng em rất lo bởi Pol Pot có thể quay trở lại, rồi bọn xấu sẽ đe dọa chúng em. Vì lẽ đó trong nhiều năm liền chúng em phải giấu tung tích, không dám nói về tội ác diệt chủng. Đã bao năm qua, không ai đưa những đao phủ Pol Pot ra tòa xét xử để trả lời cho những người bị chúng giết hại, tra tấn, tù đày; cũng chẳng ai bắt chúng bồi thường cho những người đã bị hành hạ”. Nghĩ vậy, anh em Phal lo học hành kiếm việc làm để sinh sống và lo cho gia đình. Thế rồi, khi nghe lời kêu gọi ra làm nhân chứng, Phal tìm về Trung tâm Tư liệu Campuchia, xin được gặp luật sư nhờ bảo vệ cho những lời tố cáo của mình. Nhờ đó, chúng tôi đã gặp lại một trong bốn trẻ em đã được cứu sống tháng 1-1979.

Chúng tôi và Phal đã đến dự phiên thẩm vấn Duch. Phal rất được giới báo chí quan tâm và phỏng vấn. Song khi nghe Tòa án đặc biệt nói rằng đơn tố cáo của Phal có thể không được chấp nhận vì đã trễ, Phal rất buồn. “30 năm rồi, cha mẹ tôi chết không tìm được xác, các em sống mồ côi vì bọn Pol Pot, vậy mà sao họ cứ tìm cách kéo dài phiên tòa hoài? Bao giờ mới vạch mặt bọn diệt chủng, bao giờ chúng mới nhận tội?”, Phal hỏi chúng tôi. Tôi biết đó cũng là lý do mà Norng Chan Li - em Phal - nghe tôi có mặt ở Phnom Penh mà không về, nghe có phiên tòa mà không chịu nộp đơn tố cáo.

Phiên tòa còn có thể kéo dài. Khác với em trai, Norng Chan Phal vẫn còn chờ để được ra làm nhân chứng.

____________________

Ngày đó, chúng tôi gặp Chia Hua ở Siem Reap, không quần áo, ngồi một chỗ ngơ ngác nhìn người qua lại. Bên cạnh em là những đứa bé khác xanh xao nhìn soi mói khắp nơi để tìm thức ăn. Điều đặc biệt là cổ em bị dao cắt đứt da từ trước ra sau, trên đầu ruồi bu kín.

Kỳ tới: Chia Hua - người bị cắt cổ

ĐINH PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên