30/06/2011 05:00 GMT+7

"Chúng tôi không chịu trách nhiệm"

 MAI HOA
 MAI HOA

TT - Sau bài viết “Di tích sắp trôi sông” (Tuổi Trẻ ngày 29-6) phản ánh việc khai thác cát trái phép đang uy hiếp đến cụm di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt, Tuổi Trẻ đã trao đổi với đại diện các cơ quan hữu quan của tỉnh Bắc Ninh về vấn đề này.

8J6Dr2i9.jpgPhóng to

Sơ đồ cụm di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt treo trong đền Phấn Động - Ảnh: Mai Hoa

Ông Nguyễn Ðăng Túc - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh - cho biết nạn khai thác cát trái phép ở xã Tam Ða (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã có từ lâu, nhưng chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến... đê điều.

Việc quản lý vô cùng khó (?)

Về quản lý di tích, ông Túc nói cơ quan ông chỉ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, còn cụ thể thế nào ông cũng không nắm rõ: “Việc quản lý di tích đã được tỉnh Bắc Ninh phân cấp rõ ràng, giao cho chủ tịch UBND các xã trực tiếp quản lý, chúng tôi không chịu trách nhiệm”.

Còn theo ông Nguyễn Duy Nhất - trưởng ban quản lý di tích thuộc Sở VH-TT&DL Bắc Ninh: “Ban quản lý di tích của sở đã thành lập ở địa phương một ban quản lý, thường xuyên túc trực và báo cáo tình hình cho cơ quan văn hóa gần nhất, tức là ban văn hóa xã, vì chúng tôi không thể nào quản lý hết được. Chỉ khi nào vấn đề trở nên nan giải mới báo lên cấp tỉnh. Sau khi được Tuổi Trẻ phản ánh, tôi đã về thăm khu di tích Phấn Ðộng. Nhưng việc quản lý vô cùng khó, vì việc khai thác cát trên sông không thuộc phạm vi quản lý của chúng tôi mà của bên tài nguyên - môi trường!”.

Nhưng khi chúng tôi thắc mắc về việc phối hợp liên ngành ở địa phương nhằm cứu di tích sao ngành văn hóa không biết gì; đặc biệt chúng tôi phân tích kỹ hơn về việc khai thác cát ven bờ sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu di tích; đất đai sụt lở, ngay cả khu đền cũng có nguy cơ đổ xuống sông bất cứ lúc nào, thì ông Nhất giải thích: “Bên Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Yên Phong người ta thành lập cả tổ công tác liên ngành, có cả công an, kiểm tra liên tục mà còn chẳng làm được gì nữa là bên văn hóa chúng tôi. Còn việc phối hợp giữa các cơ quan thì tôi không được biết, vì cũng chưa bao giờ được mời đến những buổi họp liên ngành như vậy”.

Tàu hút cát tạm thời... bỏ chạy

Ông Trần Thọ Lan - trưởng ban quản lý di tích đền Phấn Ðộng - cho biết ngay sau khi Tuổi Trẻ đến tìm hiểu thông tin về nạn khai thác cát trái phép ở khu di tích, lấy ý kiến của người dân và các cấp chính quyền, nhiều cơ quan báo chí khác đã về Tam Ða cùng phản ánh. Ông Nguyễn Duy Nhất cũng đến động viên, khảo sát tình hình. Nhờ thế, ba hôm nay các tàu cát không còn hoạt động ngang nhiên ở chân đền nữa mà chạy sang phía bên kia bờ sông Cầu (thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang) để hút.

Tuy nhiên theo ông Lan: “Ðợi khi “sóng yên biển lặng”, chúng lại quay sang đây tiếp tục tàn phá di tích. Thế nên chiều nay (29-6), chúng tôi sẽ họp thôn khẩn cấp. Chúng tôi sẽ lại viết đơn gửi lên chính quyền, hi vọng sẽ được trả lời. Người dân Phấn Ðộng rất mong muốn các cơ quan báo chí cùng lên tiếng để có tiếng nói mạnh mẽ hơn, yêu cầu cơ quan chức năng phải có biện pháp triệt để, hữu hiệu trước khi tất cả thành quá muộn”.

4JR9cvdM.jpgPhóng to

Đền Miễu ở thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh Ảnh: Mai Hoa

Nằm trong cụm di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt, di tích đền Phấn Động và đền Miễu xưa kia là nơi Lý Thường Kiệt cho quân mai phục, tập kích 30 vạn quân Tống vượt sông Cầu đánh sang. Tương truyền chính từ nơi đây đã vang lên bài thơ thần Nam quốc sơn hà bất hủ. Cụm di tích này đã được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1980. Đến nay, dù đã qua nhiều lần tu sửa nhưng các đền vẫn giữ được khá nhiều hạng mục cổ kính. Nhiều địa danh lịch sử vẫn còn lưu dấu tích như khu Gò Thần, Gò Gươm, bãi Yên Ngựa...

 MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên