Nửa năm trước, tạp chí danh tiếng Pitchfork có bài đánh giá cặn kẽ đầu tiên về một album V-pop, album LINK của Hoàng Thùy Linh.
Nửa năm sau, See Tình, một ca khúc trong album này do nhóm DTAP sáng tác, hay chí ít là đoạn tiền điệp khúc của nó, vẫn đang gây sốt trên TikTok, thu hút cả giới nghệ sĩ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đoạn nhạc See Tình gây sốt là sự hòa trộn hoàn hảo giữa giai điệu pop hiện đại và âm hưởng "tình tính tang là tang tính tình" của làn điệu dân ca Bắc Bộ, thêm lối chơi chữ hài hước với từ láy - một loại từ làm nên âm sắc rất riêng cho ngôn ngữ chúng ta - mà dù người nước ngoài không hiểu nghĩa thì vẫn thấy rất mực vui tai.
Ba yếu tố ấy cộng lại làm nên một chất keo dính khiến đoạn nhạc gắn vào tâm trí người nghe không rời.
Các hướng "quốc tế hóa" của nhạc Việt
Tất nhiên, trước nay TikTok đã từng hô biến rất nhiều đoạn nhạc thành xu hướng để rồi khán giả cũng không quan tâm người đứng sau ca khúc ấy, nhưng thành công chớm đầu của Hoàng Thùy Linh vẫn gợi mở cho thị trường nhạc Việt, vốn là thị trường nhập siêu, về việc ta có thể giới thiệu kiểu âm nhạc thế nào cho thế giới bên ngoài.
Thậm chí, sự thừa nhận của thị trường quốc tế có thể quay lại đánh thức ngược một nền sáng tạo còn chưa định hình thành ngành công nghiệp ở Việt Nam.
"Quốc tế hóa" dường như nằm trong chiến lược của rất nhiều nghệ sĩ V-pop, và mỗi người lại có những cách khác nhau để đạt mục tiêu này.
Chẳng hạn như Hà Anh Tuấn với dự án âm nhạc Chân trời rực rỡ có lẽ là phiêu lưu nhất của anh sau nhiều năm hát nhạc pop xưa với tạo hình quý ông.
Chỉ cần tưởng tượng chất huyền bí rong ruổi dặm xa thấm đẫm các bản new age của Kitaro và sự thương mến với Việt Nam mà ông từng thể hiện (khi viết nhạc cho bộ phim Heaven and Earth) được hòa trộn cùng một nghệ sĩ đương đại khéo léo như Hà Anh Tuấn, ta đã có thể tin đây sẽ là một album độc đáo.
Ngay cả nếu sản phẩm này lặn tăm trên trường quốc tế thì việc cộng tác gần gũi với một nhạc sĩ lớn cũng sẽ giúp thị trường pop Việt vốn dễ luẩn quẩn được dãn thêm những chiều kích mới.
Lại có những nghệ sĩ khôn ngoan theo cách khác, như Đức Phúc với việc hợp tác boyband nước Anh 911, thanh xuân của nhiều thế hệ. I do, bản hit năm xưa của nhóm, được dịch thêm lời Việt ngay lập tức lên số 1 tab thịnh hành YouTube Việt Nam.
Song, kiểu hợp tác như thế thật ra cũng chẳng khác chi Đan Trường song ca cùng Triệu Vy năm xưa, chỉ khác chăng ngày đó Triệu Vy vẫn còn đang đỉnh cao danh tiếng ở làng giải trí Hoa ngữ, còn 911 nay đã là những ông chú không còn được quan tâm trên thị trường Âu - Mỹ.
Một cuộc chạm mặt như vậy sau rốt cũng chẳng khác chi lấy món cũ đã nguội đem ra xào xáo lại và không đem tới giá trị mới mẻ.
Nhìn từ làn sóng nhạc pop Đông Nam Á
Là khu vực đông dân và năng động bậc nhất thế giới, Đông Nam Á hứa hẹn trở thành "vùng đất của sữa và mật ong" cho nhạc pop trong những năm tới. Các nghệ sĩ Đông Nam Á từ những người theo sau trào lưu đang dần trở thành người tạo ra trào lưu.
Người Malaysia đâu chỉ tự hào về Dương Tử Quỳnh trong điện ảnh, họ còn có thể tự hào về Yuna - nữ nhạc sĩ/ca sĩ đạt chứng chỉ đĩa vàng tại Mỹ vào năm 2019 với ca khúc Crush.
Cũng như nhiều nghệ sĩ Việt Nam chọn kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài, Yuna cũng hợp tác với các nghệ sĩ Âu - Mỹ tên tuổi như Usher, Tyler, nhưng luôn cố gắng để lại "dấu vân tay" âm nhạc của cô trong từng tác phẩm ra mắt.
Ta cũng nên nhắc tới Pyra - nữ ca sĩ Thái Lan - từng được tạp chí NME trao tặng giải thưởng Nghệ sĩ solo xuất sắc châu Á nhờ các nhạc phẩm không né tránh vấn đề chính trị phức tạp ở quê hương; hay hiện tượng indie Phum Viphurit được tạp chí Rolling Stone so sánh như Mac DeMarco của châu Á.
Viphurit đã khởi nghiệp từ một hãng đĩa nhỏ ở Bangkok rồi dần có cả những chuyến lưu diễn khắp châu Âu và Bắc Mỹ.
Điểm chung trong những câu chuyện này là tuy quốc tế hóa, các nghệ sĩ trên luôn giữ trong âm nhạc sự bí ẩn của sức hút Đông Nam Á - nền văn hóa vẫn thuộc về phía mù sương với người nước ngoài.
Yuna vẫn có thể cover bản Here comes the sun trong một bộ phim của Oliver Stone, nhưng đó không phải điều người ta muốn nghe ở cô, cái người ta muốn nghe là một người phụ nữ đạo Hồi lúc nào cũng xuất hiện với chiếc khăn đội đầu che tóc có thể sáng tác và hát R&B thế nào, và mô hình của Yuna là một ví dụ đáng tham khảo cho các nghệ sĩ Đông Nam Á tiếp theo.
Tuy còn quá sớm để nói Đông Nam Á sẽ trở thành đế chế như K-pop, bởi K-pop là một chiến lược kinh tế - văn hóa được rót hàng tỉ USD phát triển bài bản, nhưng điều chắc chắn là, sau rốt, thế giới đã muốn nghe chúng ta hát, và câu hỏi giờ đây thuộc về chính chúng ta, rằng ta có thể hát gì cho họ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận