18/04/2005 17:34 GMT+7

Chứng nhân không bị quên lãng

TRẦN NGUYÊN
TRẦN NGUYÊN

TTO - Börries Gallasch là người đã ngồi cạnh tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh khi ông này tuyên bố đầu hàng hôm 30-4-1975. Sau 30 năm, không ai biết Gallasch là ai, đến từ đâu và có vai trò gì trong thời khắc ấy...

wlLiiOGg.jpgPhóng to
Börries Gallasch ngồi cạnh Dương Văn Minh
TTO - Börries Gallasch là người đã ngồi cạnh tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh khi ông này tuyên bố đầu hàng hôm 30-4-1975. Sau 30 năm, không ai biết Gallasch là ai, đến từ đâu và có vai trò gì trong thời khắc ấy...

Nếu không có một câu chuyện thật đẹp vào mùa thu 2001 thì có lẽ, người tiếp xúc với ông nhiều nhất là đại tá Bùi Văn Tùng cũng đã lãng quên...

Một ngày mùa thu năm 2001, Alice Gallasch Helley, một người phụ nữ Âu châu cùng thông dịch viên đến số nhà 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP.HCM. Bà tìm đại tá Bùi Văn Tùng, người mà chồng bà đã dặn dò phải gặp cho được trước khi ông qua đời. Bà nhìn người đàn ông tóc bạc ngồi trên xe lăn mà không giấu được niềm vui: "Tôi là vợ của Börries Gallasch, người phóng viên mà ông đã cho lên xe để cùng đến đài phát thanh vào ngày giải phóng...". Ký ức chợt ùa về trong đầu vị chính uỷ lữ đoàn xe tăng 203, mạnh đến nỗi khi kể lại câu chuyện này ông vẫn còn xúc động...

"30-4-1975, khi chúng tôi đưa ông Dương Văn Minh rời Dinh Độc Lập đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng thì tôi gặp anh phóng viên này. Lúc ấy, xe chở Dương Văn Minh đi trước, xe tôi đi theo sau. Một anh phóng viên mặc đồ bà ba đen, tóc búi củ tỏi xin lên, sau này tôi mới biết đó là anh Hà Huy Đỉnh. Rồi một phóng viên nước ngoài đến, nói bằng tiếng Pháp rất nhẹ nhàng và hiền lành xin đi cùng. Tôi thấy anh này cũng dễ thương nên đồng ý...", đại tá Tùng nhớ lại. Trên xe, họ trao đổi với nhau khá nhiều về cảm giác của những người lính, chuyện về những ngày hành quân tiến về Sài Gòn...

"Thật sự lúc ấy tôi rất mệt nên cũng không nói chuyện nhiều lắm, chỉ nhớ là anh phóng viên này muốn chuyển tải cho bạn đọc thế giới biết về khoảnh khắc chuyển giao quyền lực giữa hai chế độ, đánh dấu sự thống nhất toàn vẹn của VN...".

Cái khoảnh khắc lịch sử ấy không kéo dài, chỉ dao động trong vài giờ, và người cựu chiến binh cũng đang quá mệt mỏi sau những ngày căng thẳng chinh chiến nên họ trao đổi không nhiều. Bức ảnh lịch sử "Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng; chấm dứt chiến tranh mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" thật ra là bước thứ hai của việc tuyên bố này.

Trước đó, đại tá Tùng đã thảo lời đầu hàng, ông Minh chép lại. Nhưng đại tá Tùng lại lo ngại khi phát sóng, ông Minh đọc khác đi nên bèn mượn nhờ máy ghi âm của người phóng viên nước ngoài này để ghi âm và phát. "Tôi nhớ, đầu tiên là chiếc máy không hoạt động được vì hết pin. Các bạn sinh viên đang tụ tập gần đấy lập tức chạy đi và mang về cho chúng tôi bốn viên pin.

Lần đầu tiên, ông Minh đọc không mạch lạc, gãy gọn nên tôi yêu cầu anh phóng viên kia xóa đi và ghi lại. Đến lần thứ hai thì suôn sẻ. Sau đó thì nhân viên của đài phát thanh quay về và phát ngay lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Cuối cùng là tôi đọc tuyên bố tiếp quản thành phố". Ông Tùng nhớ lại, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất về dấu ấn lớn nhất cuộc đời mình...

Đại tá bảo: "Sau khi giải phóng, có lần tôi cũng chợt nhớ đến anh phóng viên nước ngoài này, nhưng rồi lại thôi...". Chỉ có Börries Gallasch vẫn lặng lẽ với những kỷ niệm về ngày độc lập, kỷ niệm về những ngày làm báo tại VN. 15 năm trước đây, ông qua đời vì bệnh ung thư.

Trước khi yên nghỉ, ông còn dặn lại vợ, hãy mang những bài báo của ông đến thăm người chỉ huy quân đội đã giúp ông thực hiện thành công chuỗi phóng sự đặc biệt của đời làm báo. Chính vì thế, bà Alice đã lặn lội nhiều nơi, hỏi thăm nhiều vùng mới tìm được đại tá Tùng. Bà bảo, tìm được bạn của người chồng quá cố của mình là một niềm hạnh phúc, xem như bà đã hoàn thành sứ mệnh mang theo bên người suốt mười mấy năm nay...

Trước đây, cứ mỗi lần nhìn tấm ảnh, chúng tôi lại thắc mắc: người nước ngoài ấy thật ra là ai? Nhưng không ai biết, cũng chẳng có tài liệu nào nói về bức ảnh lịch sử này. Mãi đến kỷ niệm 30-4 năm ngoái, đại tá Tùng mới viết một bài báo giải thích vì sao ông thảo lời đầu hàng cho ông Dương Văn Minh. Trong bài có nhắc sơ qua về phóng viên người Tây Đức tên là Borris Gallash.

Điều đáng tiếc nhất là cái tên đã bị mất những ký tự đặc biệt của tiếng Đức nên mạng internet rộng lớn cũng không tìm ra ông. Chúng tôi gởi bức ảnh này lên khắp các diễn đàn báo chí trên thế giới và cuối cùng tìm được một câu trả lời: "Có lẽ ông ấy là tác giả của tập sách: Thành phố Hồ Chí Minh, giờ đỉnh điểm".

Đó là một tập sách dài hơn 300 trang được ấn bản năm 1975, hiện vẫn còn vài website kinh doanh sách trực tuyến của Đức rao bán. Tập sách là một cái nhìn rất rộng về cuộc chiến VN vì Gallasch đến VN ngay từ ngày khởi động chiến dịch Tây Nguyên. Ông đi qua nhiều vùng đất, đến nhiều nơi và tiếp cận chiến dịch Hồ Chí Minh bằng cái nhìn sắc sảo.

Sau ngày giải phóng, ông còn tiếp tục lưu lại TP.HCM vài năm nữa để tiếp tục công việc của mình. Lúc ấy, ông làm việc cho một hãng thông tấn của Ý, cộng tác với nhiều tờ báo của Anh, Đức. Hiện vợ ông, bà Alice đang sống tại Washington, Mỹ.

TRẦN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên