Thị trường chứng khoán đỏ lửa ngay khi mở phiên 26-9. Trong ảnh là nhà đầu tư đang theo dõi một phiên giao dịch chứng khoán - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bi quan vì những dự báo tiêu cực về kinh tế toàn cầu, ngay khi mở phiên hôm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lập tức đối diện áp lực bán trên diện rộng.
Nhiều cổ phiếu mất giá
Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn trong ngành ngân hàng bị nhà đầu tư bán ra, trong đó phải kể đến các mã như BID (BIDV), VPB (VPBank), CTG (Vietinbank), MBB (MBBank), TCB (Techcombank)...
Song song đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn cũng bị giảm giá, bao gồm VHM (Vinhomes), BCM (Becamex), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MWG (Thế giới di động)...
Dù không chiếm áp đảo, nhưng thị trường vẫn ghi nhận được dòng tiền đổ vào mua, giúp một số cổ phiếu vẫn giữ đà tăng trưởng như GAS (PetroVietnam Gas), VCB (Vietcombank), EIB (Eximbank), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy), PDN (Cảng Đồng Nai)...
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, chỉ số tất cả các nhóm ngành đều bị giảm, trong đó nhóm công nghệ thông tin tạm thời giảm ít nhất, giảm sâu nhất rơi vào nhóm năng lượng.
Các nhóm bị âm từ 2% trở lên gồm có bất động sản, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, nguyên vật liệu, tài chính và năng lượng.
Mặc dù có xuất hiện dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu, nhưng cung vẫn chiếm áp đảo cầu, tạm khép lại phiên giao dịch sáng 26-9, chỉ số VN-Index giảm 29,64 điểm (-2,46%) xuống còn 1.173,64 điểm. Cả rổ VN30 cũng bị giảm tới 28,67 điểm (-2,36%) lùi về 1.186,74 điểm.
Tình hình ở sàn HNX và rổ HNX30 cũng không mấy khả quan, khi ghi nhận mức giảm lần lượt 8,15 điểm (-3,08%) xuống 256,29 điểm và 19,43 điểm (-4,22%) xuống 441,34 điểm. Trong khi đó sàn UpCOM tạm thời mất 1,64 điểm (-1,85%) xuống 86,95 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tạm dừng ở mốc hơn 9.480 tỉ đồng. Toàn thị trường có 802 mã chứng khoán giảm điểm, trong khi số mã tăng điểm là 117.
Dự báo xu hướng thị trường
Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm được lý giải do ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Mỹ, khi chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm dưới mức 30.000 điểm - thấp nhất trong gần 2 năm do đồng USD tăng mạnh và chỉ số công nghiệp Nasdaq đóng cửa với mức giảm 1,8%.
"Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bi quan do ảnh hưởng từ dự báo tiêu cực về tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát cao ngất ngưởng và giảm chi tiêu của người tiêu dùng", chuyên gia Chứng khoán Yuanta cho biết.
Chưa kể, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất trong ngày do ảnh hưởng từ đà giảm của giá dầu Brent.
Vì nhận định xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì ở mức giảm, nên phía Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng bán ở giai đoạn này và nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30-35% danh mục.
Tuy nhiên, riêng nhà đầu tư trung hạn cũng chưa nên mua mới giai đoạn này và chỉ nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng chỉ ra tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số vẫn duy trì ở mức tiêu cực. Với việc VN-Index thiết lập mức thấp mới trong tuần và kể từ đầu tháng 8, bên bán có vẻ như đang lấy lại quyền kiểm soát thị trường.
Dự báo trong phiên giao dịch mở đầu tuần này, thị trường có thể sẽ xuất hiện phiên giảm điểm. Tuy nhiên lực mua có thể sẽ được thúc đẩy từ các hỗ trợ ở vùng giá thấp và tạo ra sự giằng co cho thị trường sau đó.
Nếu VN-Index và VN30 có thể đóng cửa trên 1.185 điểm và 1.200 điểm, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục sau đó. Ngược lại thì xu hướng giảm điểm sẽ được củng cố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận