Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 gây nhiều ý kiến trái chiều về khâu tổ chức - Ảnh: BTC
Tối 20-11, đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM). Người đăng quang là thí sinh 19 tuổi Đỗ Thị Hà (Thanh Hóa). Bên cạnh lời khen cho nhan sắc thí sinh và hoa hậu, sự kiện vấp phải nhiều luồng ý kiến tiêu cực trên mạng xã hội về khâu tổ chức.
Dài gần 4 tiếng, nhiều quảng cáo và giải phụ
Phần thi áo dài bị chê dài khi diễn ra trong 35 phút với 5 bộ sưu tập của 5 nhà thiết kế và có đến 5 hoa hậu Việt Nam tham gia. Phần thi này được xếp ngay đầu chương trình nên không khí hơi chùng. Phần xuất hiện của 5 hoa hậu Ngọc Hân, Thu Thảo, Kỳ Duyên, Mỹ Linh và Tiểu Vy cũng phần nào khiến thí sinh bị lu mờ dù họ mới là người thi chính.
Các mẫu thiết kế được giới thiệu lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng Việt Nam nhưng bị chê rườm rà, tối màu, ảm đạm và khiến thí sinh trông già dặn.
Phần thi áo dài kéo dài 35 phút - Ảnh: BTC
Thời lượng quảng cáo trong kịch bản chỉ là 20 phút cho gần 4 tiếng, nhưng nội dung đêm chung kết cũng lồng ghép thêm nhiều màn để nhà tài trợ có cơ hội xuất hiện trên sân khấu hay quảng bá các vật phẩm quà tặng. Vì có nhiều nhà tài trợ, những màn này cũng khá dài, dẫn đến tổng thời lượng dài nhưng các phần thi quan trọng lại tách xa nhau.
Đặc biệt, màn công bố giải phụ khiến khán giả mệt mỏi khi trở thành màn phân phát danh hiệu suốt 15 phút với tận 9 giải. Đó là các giải: người đẹp được yêu thích nhất, truyền thông, biển, có làn da đẹp nhất, áo dài, du lịch, thể thao, tài năng, thời trang.
Dù thời gian đã về đêm, ban tổ chức vẫn công bố top 5 của từng giải phụ rồi mới đến người chiến thắng. Trong khi đó, điều khán giả đang mong chờ là sớm công bố hoa hậu và á hậu.
Có 9 giải phụ, trong đó nhiều giải công bố toàn bộ top 5 trên sân khấu - Ảnh: BTC
Điều đáng nói là cách phân bổ thời lượng không hợp lý, lúc chậm chạp, lê thê, lúc công bố các top và danh hiệu lại dồn dập.
Bộ ba MC cũng không phải điểm sáng. Khán giả Nguyễn Việt Trung nhận xét: "Một chương trình hơi hướng giải trí mà MC có vẻ nghiêm túc quá. MC nên có một chút đối đáp vui nhộn, ngẫu hứng và vui vẻ chứ không nên máy móc, rập khuôn như vậy".
Thi ứng xử: câu hỏi sáo rỗng, trả lời nước đôi
Nếu dàn thí sinh năm nay không được quảng bá nhiều về học vấn như vậy, hẳn khán giả đã không quá thất vọng khi đêm qua top 5 ứng xử ấp úng, vấp váp với câu trả lời thiếu độ chín.
Một fanpage về hoa hậu bình luận: "Tại sao phần thi quan trọng như ứng xử lại để trùng câu hỏi? Các câu hỏi cũng rất tệ, toàn bắt phải lựa chọn cái nào hơn cái nào, không làm bật khả năng ứng xử hay tính cách thí sinh. Câu hỏi yêu cầu chọn giữa 'cái đầu lạnh' hay 'trái tim ấm áp', 'người con hiếu thảo' hay 'có ích cho xã hội', 'nốt nhạc riêng lẻ' hay 'hoà chung vào dàn nhạc'".
Video: Tân Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà bị chê thi ứng xử ấp úng, thiếu tự tin
Trước ba câu hỏi ít nhiều sáo rỗng và đi vào lối mòn này, các thí sinh đều chọn "cả hai". Cách trả lời này bị cho là nước đôi, an toàn và thiếu sáng tạo.
Với câu "người con hiếu thảo hay người có ích cho xã hội", khán giả Na Nguyễn gợi ý: "Tại sao thí sinh không bẻ ngược lại: Với người mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng ta nên người mà ta còn vô ơn bất hiếu thì sao có thể là một người biết yêu thương, quan tâm hay san sẻ với người khác ngoài xã hội?".
Bên cạnh đó, còn một câu hỏi có - không khá rập khuôn: "Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020, bạn có nghĩ mình là hình mẫu cho các cô gái trẻ?".
Trước câu hỏi này, Hoa hậu Đỗ Thị Hà bị chê ứng xử tệ, ấp úng và thiếu tự tin: "Tôi nghĩ mình là người mang đủ phẩm chất, những yếu tố cần và đủ của con gái Việt Nam. Và dù có trở thành hình mẫu của con gái Việt Nam hay không, tôi sẽ là người truyền cảm hứng đến giới trẻ. Và tôi, tôi sẽ làm được".
Người đẹp nhân ái Huỳnh Nguyễn Mai Phương ứng xử tốt nhất nhưng trượt top 3 - Ảnh: BTC
Chỉ có một câu hỏi khá gợi suy ngẫm là câu: "Con người đối xử tàn nhẫn với thiên nhiên nên thiên nhiên đang trả thù?” (câu hỏi này bị trùng nên trưởng ban tổ chức Lê Xuân Sơn phải bổ sung thêm một câu hỏi miệng).
Một phần nhờ câu hỏi này, thí sinh Huỳnh Nguyễn Mai Phương thi ứng xử lưu loát, trôi chảy nhất đêm qua. Nhưng dù ứng xử tốt hơn hoa hậu và hai á hậu, Mai Phương (cũng là Người đẹp nhân ái) dừng chân ở top 5.
Khán giả Diệp Anh cho rằng: "Sau nhiều năm, phần ứng xử của Hoa hậu Việt Nam vẫn không hề có ý kiến cá nhân mà vẫn rất sách vở".
Ca từ của Hoàng Thùy Linh, Binz nói về chuyện báo thù, tình dục - Ảnh: NVCC/Chụp màn hình
Bài hát của Hoàng Thùy Linh, Binz liệu có phù hợp?
Trong đêm chung kết, Hoàng Thùy Linh hát Kẽo cà kẽo kẹt còn rapper Binz diễn bản rap Bigcityboi. Nhưng ca từ hai ca khúc liệu có phù hợp với sự kiện tôn vinh phụ nữ Việt?
Kẽo cà kẽo kẹt được đặt tên từ câu nói "Kẽo cà kẽo kẹt. Lấy tranh chồng chị. Chị khoét mắt ra" trong truyện cổ tích Tấm Cám, với thông điệp báo thù, báo oán "tranh chồng" và bản phối mang màu sắc tâm linh, bí ẩn. Chủ đề "tranh chồng" đặt trong bối cảnh cuộc thi hoa hậu có vẻ nhạy cảm.
Còn Bigcityboi là bản rap 18+ với lời rap mô tả ẩn dụ hoặc trực diện về tình dục. Dù Binz đã thay đổi hai câu trong bài, từ "Trói em bằng cà vạt. Penthouse trên Đà Lạt" thành "Trói em vào vần thơ. Dù văn chương anh rời rạc" nhưng nhiều câu khác vẫn giữ nguyên ("Nếu mà ngoan em sẽ được thương. Nếu mà hư em sẽ được phạt") và tổng thể vẫn không quá khác bản gốc.
Hoa hậu Đỗ Thị Hà bị phản ứng vì phát ngôn tục trên mạng xã hội
Hôm 20-11, sau khi đăng quang hoa hậu, Đỗ Thị Hà bị phát hiện nhiều bài đăng trên trang cá nhân vào năm 2019 mà trong đó cô dùng những từ tục viết tắt để đối đáp với bạn bè. Nhiều khán giả cho rằng đây là lùm xùm đáng chú ý nhưng có thể thông cảm vì đó là những trao đổi riêng tư của Đỗ Thị Hà với bạn bè chứ không phải phát ngôn trước công luận.
Trong buổi họp báo sáng 21-11 (được truyền trực tuyến), Hoa hậu Đỗ Thị Hà giải thích vì cô "vô tư nên hay nói vui đùa và có thể khiến mọi người nghĩ không hay". Hoa hậu hứa sẽ sửa đổi cách phát ngôn để xứng đáng với danh hiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận