21/12/2018 13:11 GMT+7

Chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên: Không phải để tạo áp lực

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TTO - Dù đã ban hành hơn 4 tháng qua, nhưng hiện vẫn có những ý kiến khác nhau về chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên...

Chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên: Không phải để tạo áp lực  - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) trao đổi để thiết kế bài giảng ứng dụng công nghệ vào dạy học - Ảnh: NAM TRẦN

Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông theo thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT và chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT hiện là căn cứ mới nhất để đánh giá hiệu trưởng, giáo viên.

Dù đã ban hành hơn 4 tháng qua nhưng hiện vẫn có những ý kiến khác nhau trong bối cảnh các nhà trường đang loay hoay xử lý nhiều bất cập giáo dục.

Nếu năng lực hiệu trưởng tốt, việc giao tự chủ cho hiệu trưởng nhiều hơn về nhân sự là việc sớm muộn phải làm. Làm được việc này sẽ giải quyết nhiều bất cập trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, từ đó thúc đẩy những thay đổi khác

Ông Lê Hồng Vũ (trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội)

Áp lực "chuẩn phẩm chất"

Với tiêu chuẩn của chuẩn hiệu trưởng (gồm 5 điều), có một tiêu chuẩn được các chuyên gia giáo dục cho rằng nếu các hiệu trưởng làm tốt thì sẽ "có tính quyết định" như chìa khóa giúp các nhà trường bứt phá, nói một cách khác là "thay máu".

Sáu năm trước, Bộ GD-ĐT từng có hướng dẫn 791 cho phép các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học (nay là kế hoạch giáo dục), xuất phát từ việc thí điểm thành công tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. 

Có nhiều trường phổ thông trên cả nước đã "bắt sóng" với hướng dẫn này và ở những nơi thành công, được ví như luồng gió mới làm thay đổi hoàn toàn tư duy của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên. Sự thay đổi thể hiện trong thiết kế kế hoạch, đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý tài chính, sắp xếp lao động trong nhà trường...

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội - nhận xét "quản trị nhà trường" là tiêu chuẩn tập trung vào nội bộ, còn các tiêu chuẩn 3, 4, 5 trong bộ tiêu chuẩn hiệu trưởng là hướng ngoại. 

Nhưng "hướng nội" có tốt thì mới "hướng ngoại" tốt được. Và với yêu cầu của đổi mới giáo dục thì tiêu chuẩn "quản trị nhà trường" theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần được quan tâm.

Tiêu chí được xếp đầu tiên trong cả chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên là "phẩm chất nghề nghiệp". Hầu hết các cán bộ, giáo viên được hỏi đều không thắc mắc nhiều về "chuẩn" này nhưng đây lại là tiêu chuẩn liên quan nhiều nhất đến tâm tư nhà giáo trong thời điểm hiện nay. 

Nhiều giáo viên dị ứng khi có những văn bản mới nhắc đến việc soi xét "phẩm chất". Lý do là giáo viên đang chịu rất nhiều áp lực, búa rìu dư luận trước những sự cố nghề nghiệp, đặc biệt là các vụ việc sai phạm nghiêm trọng của một bộ phận nhà giáo - một trưởng phòng GD-ĐT tại Hà Nội nhận xét. Cũng vì thế mà nhiều giáo viên nghe đến "chuẩn phẩm chất" là thấy áp lực.

Những giáo viên sai phạm không nhiều nhưng dư luận lại đánh đồng với tất cả những người làm việc trong ngành giáo dục. Điều đó khiến nhiều giáo viên tâm tư. Vì thế, đưa ra chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên là cần, nhất là bây giờ. Tôi không cho đây là áp lực mà có chuẩn thì giáo viên có cơ sở để không làm sai, để phân biệt giữa người làm sai và người làm tốt, không xảy ra việc đánh đồng".

Cô Nguyễn Thị Hồng Tâm (phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Không thể "giậm chân tại chỗ"

Cô Bùi Thị Duy - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Hăn (Sìn Hồ, Lai Châu) - cho rằng trong một xã hội hiện đại, lại đứng trước yêu cầu sắp tới thực hiện chương trình phổ thông mới, từng nhà giáo phải hoàn thiện mình, "không thể giậm chân tại chỗ". 

Ở vị trí một phó hiệu trưởng, cô Duy cho rằng đã là lãnh đạo, ở vị trí người đứng đầu thì "tất cả mọi mặt phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn giáo viên, chứ không thể chỉ bằng được...".

Theo cô Duy, hiệu trưởng, hiệu phó là công việc "làm dâu trăm họ", nên khó thể làm hài lòng tất cả mọi người vì sự hiểu biết và nhận thức của các giáo viên, các bộ phận khác nhau. 

"Trong nhà trường, lãnh đạo có thể làm hài lòng được 70-80%. Công việc của hiệu trưởng là cố gắng để số chưa hài lòng ấy hiểu được mình, phục mình. Quan điểm của tôi là không thể nôn nóng, mà hãy thuyết phục họ bằng hành động, bằng khả năng chuyên môn, quản trị...".

Chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên: Không phải để tạo áp lực  - Ảnh 4.

Việc đặt ra chuẩn tạo động lực cho các thầy cô tự bồi dưỡng vì sự phát triển của học sinh. Trong ảnh: cô trò Trưòng THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Với một trường miền núi như Trường tiểu học Nậm Hăn, việc huy động trẻ đến trường, duy trì sĩ số lớp học đã khó. Nhưng bên cạnh đó, trường còn phải đặt ra những mục tiêu chất lượng giáo dục cụ thể. 

"Nhiều học sinh khi vào lớp 1, sau vài buổi học lại bị cô giáo kêu không biết viết, nhận thức rất chậm. Chính tôi lại đến từng lớp học, cầm tay học sinh, giúp các em viết được. Khi đó, chúng tôi lại phải trao đổi để các cô tiếp tục cố gắng rèn cho các em, không thể buông, không thể để các em bỏ học".

Với chuẩn hiệu trưởng, cô Duy cho rằng các tiêu chuẩn đều rất quan trọng, nhưng cần ưu tiên hơn cả là yếu tố chuyên môn, quản trị, hiểu được tâm tư của giáo viên trong trường. Còn với chuẩn giáo viên, cần quan tâm đặc biệt đến chuyên môn, kiến thức, kỹ năng sư phạm. 

"Kỹ năng sư phạm còn phụ thuộc vào năng khiếu mỗi người. Với chuẩn kiến thức có thể cố gắng học tập, có bằng là đạt được, nhưng kỹ năng sư phạm không phải cứ có bằng cấp là đạt ngay..." - cô Duy phân tích.

Biến áp lực thành động lực

Cô Nguyễn Thị Hồng Tâm - phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) - cho biết dự kiến tháng 1-2019 mới tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng, giáo viên nhưng ngay sau khi hai chuẩn được ban hành, trong đợt kiểm tra định kỳ với một số trường phổ thông, phòng cũng kết hợp kiểm tra luôn các tiêu chuẩn... 

"Cũng còn những băn khoăn, nhưng sau khi được giải thích chuẩn bị để các thầy cô soi lại mình, ngành GD-ĐT có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, có nghĩa không phê phán mà là đích để hướng tới" thì đa số cán bộ, giáo viên ủng hộ.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - trưởng nhóm nghiên cứu chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) - cho biết chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông không phải là căn cứ để xếp loại công chức - viên chức mà là căn cứ để các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên đánh giá xem mình đang ở đâu, thiếu cái gì để tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ.

Trước ý kiến cho rằng việc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn có thể giội áp lực lên lãnh đạo, giáo viên nhà trường phổ thông, bà Bùi Thị Kim Liên - phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trực Ninh (Nam Định) - cho rằng trước bất cứ quy định mới nào thì cũng sẽ có một bộ phận nảy sinh tâm lý "ngại thay đổi", nhất là giáo viên, hiệu trưởng đã lớn tuổi. 

Nhưng việc đặt ra chuẩn không phải tạo sức ép để các nhà giáo "không chịu nổi", mà để tạo động lực cho các thầy cô tự bồi dưỡng vì sự phát triển của học sinh. 

"Làm hiệu trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn này. Đó không phải là những tiêu chuẩn quá sức, mà trong phạm vi có thể phấn đấu. Nếu không đạt thì cũng không thể lãnh đạo được" - bà Liên nhấn mạnh.

Theo bà Liên, chuẩn hiệu trưởng là thước đo quan trọng không chỉ đối với các hiệu trưởng đương nhiệm trong việc tự hoàn thiện mình mà còn là đích nhắm cho các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng và giáo viên thuộc diện quy hoạch hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tự đánh giá, lên kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo.

Lo nhất là ngoại ngữ

Đa số hiệu trưởng, giáo viên đều chỉ bày tỏ lo ngại về "tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học". "Giáo viên THPT thì thuận lợi hơn nhưng giáo viên tiểu học, mầm non thì gặp khó khăn. Ở tỉnh tôi có một số địa bàn khó khăn, để giáo viên đạt chuẩn này là việc rất khó khả thi" - một giáo viên chia sẻ.

"Giáo viên hiện tại đang phải đảm nhiệm rất nhiều việc, thời gian lao động của giáo viên đang quá tải, chưa kể còn phải làm ngoài giờ...Vì thế để bứt ra đi học ngoại ngữ là việc khó. Nhưng nếu buộc phải đạt thì có thể sẽ gây nên làn sóng giáo viên đổ xô đi học chỉ để lấy chứng chỉ cho đạt chuẩn, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, chưa kể sẽ xảy ra tiêu cực" - một giáo viên ở Hà Nội có ý kiến.

Trong đợt tập huấn cho cán bộ cốt cán về hai chuẩn do Bộ GD-ĐT tổ chức, một số cán bộ cũng thừa nhận tiêu chí 17 (trình độ ngoại ngữ) là điểm yếu với số đông hiệu trưởng hiện nay. Về lo lắng này, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trên cơ sở các chuẩn, nếu đánh giá chưa đạt thì các sở GD-ĐT phải xây dựng kế hoạch, đề xuất với các cấp quản lý chương trình, nội dung cần bồi dưỡng để đáp ứng chuẩn.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng tiêu chí về chuẩn ngoại ngữ của giáo viên và cán bộ quản lý đều có một "vùng lõm" rất rõ. Nhưng chuẩn không phải xây dựng áp dụng cho một thời điểm mà thực hiện trong thời gian dài, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới nên giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt có đủ thời gian để điều chỉnh, cải thiện.

Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông: Buộc Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông: Buộc 'đầu tàu' phải thay đổi

TTO - Từ ngày 4-9, thông tư 14/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn, với 18 tiêu chí có hiệu lực.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên