Người dân tràn ra lòng đường dự lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội là hình ảnh quen thuộc của các năm trước - Ảnh: NAM TRẦN
Nhà chùa cũng "hứa" không niêm yết giá tiền làm lễ mà ‘tùy tâm’.
Đây là những thông tin về kế hoạch chấn chỉnh lễ cầu an vốn gặp nhiều tai tiếng mấy năm qua mà đại diện chùa Phúc Khánh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online ngay sau thông tin về văn bản chấn chỉnh hoạt động cầu an đầu xuân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm dẹp bỏ mê tín dị đoan, "bảo vệ chính pháp".
Theo đại đức Thích Minh Đức - đại diện chùa Phúc Khánh, năm nay nhà chùa thực hiện nhiều cải tổ để chấn chỉnh lễ cầu an, thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cải tổ đầu tiên mà nhà chùa thực hiện là sẽ tổ chức khóa lễ cầu an bắt đầu từ mùng 6 Canh Tý 2020 đến hết tháng giêng, chứ không giới hạn vào một số ngày như các năm trước. Nhà chùa tính toán lượng người phù hợp cho mỗi buổi để các khóa lễ chỉ gói gọn trong khuôn viên của chùa.
"Năm nay chắc chắn không còn cảnh ngồi tràn ra đường lễ vọng như trước nữa. Chùa Phúc Khánh nghiêm túc trong việc thực hiện các văn bản của Trung ương Giáo hội cũng như các ban ngành. Đặc biệt, nhà chùa sẽ đảm bảo cao nhất về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường suốt khóa lễ xuân Canh Tý", đại đức Thích Minh Đức khẳng định.
Việc cải tổ thứ hai mà chùa Phúc Khánh cho biết họ đang thực hiện là không thu tiền theo "giá niêm yết", mà "theo tinh thần nhà Phật và tùy tâm".
Những năm trước, chùa này thu cố định 150.000 đồng cho lễ cầu an, giải "sao xấu" thì mỗi sao là 150.000 đồng.
Đại đức Thích Minh Đức cho biết tuy "tùy tâm" nhưng về lễ vật và nghi thức, lễ nghi sẽ vẫn được nhà chùa thực hiện đầy đủ, trang nghiêm và thành kính.
Về yêu cầu "tránh mê tín dị đoan", "bảo vệ chính pháp" mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra trong văn bản chỉ đạo mới đây, đại đức Thích Minh Đức khẳng định chùa Phúc Khánh năm nay chỉ tổ chức lễ cầu an.
Vị đại diện chùa Phúc Khánh cũng khẳng định ngay cả những năm trước thì nhà chùa chỉ thực hiện lễ cầu an như một nghi lễ có từ lâu đời của nhân dân, theo đúng tinh thần của Phật giáo Việt Nam, chứ không hành khoa cúng nhương tinh giải hạn theo như cách của các đạo sĩ đạo Lão trước đây.
"Phật giáo Việt Nam khác với Phật giáo một số nước theo Phật giáo nguyên thủy ở chỗ từ khi du nhập luôn hòa quyện các tín ngưỡng dân gian, hội nhập với các tôn giáo khác, cùng với các tín ngưỡng thờ phụng, tưởng niệm các anh hùng có công với nước của dân tộc.
Phật giáo Việt Nam tự hào về tinh thần này, vì đây là điểm quan trọng để Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, vì vậy tín đồ Phật giáo Việt Nam vẫn đến chùa, làm lễ cầu nguyện quốc thái dân an theo nghi thức nhà Phật và tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công với Đạo và Đời.
Tại chùa Phúc Khánh, từ trước tới nay các khóa lễ thuần túy theo nghi thức truyền thống Phật giáo Việt Nam", đại đức Thích Minh Đức nói.
Vị đại đức này cho biết thêm trong các khóa lễ, ngoài tổ chức tâm linh ra, chùa Phúc Khánh sẽ giáo hóa cho phật tử hiểu về ý nghĩa nghi thức cầu an trong đạo Phật, từ đó phật tử hiểu rằng "muốn giải trừ được vận hạn chỉ bằng cách làm nhiều việc thiện, hồi hướng công đức, phóng sinh, tham gia các chương trình thiện nguyện như hiến máu, hiến mô tạng, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận