Phóng to |
Chuyến xe đi Svay Rieng (Campuchia)… Nơi cửa xe treo một chiếc áo TNXP bạc thếch - áo của anh Hoàng Hải, đội viên TNXP ngày nào. Áo treo cho thẳng thớm, để dành khi làm lễ…
15-7 là ngày khánh thành nhà tưởng niệm 24 TNXP hi sinh cách đây 34 năm tại xã Kokisom, huyện Svay Tiep, tỉnh Svay Rieng. Họ là những người thuộc đại đội 3, trung đội 3, liên đội 303, tổng đội 3 TNXP bị lính Pol Pot sát hại dã man trong một trận càn.
Nhật ký một cựu TNXP
Sáng 1-6-2012, tại Sài Gòn, đoàn chúng tôi xuất phát từ nhiều điểm khác nhau, mang theo tất cả vật tư đã được chuẩn bị từ đêm hôm trước dưới cơn mưa tầm tã. Đêm 31-5, Sài Gòn mưa như trút nước, anh em phải tập kết gạch, ngói, ximăng chuẩn bị cho sáng nay lên đường. Tận 1 giờ sáng anh em mới về nhà.
Xe chúng tôi lăn bánh trên đất bạn, lần lượt vượt qua những địa danh quen thuộc như ngã ba Chi Phu, ngã ba Trâu Chết, ngã ba Tà Y… Ký ức của một thời đau thương mà hào hùng trở về trong tâm trí.
Lực lượng lao động chỉ có bảy anh em TNXP, anh Hân bộ đội (Vũ Đức Hân, cựu chiến binh sư đoàn 7, người đóng vai trò tích cực trong việc tìm kiếm địa điểm và vận động quyên góp xây dựng công trình tưởng niệm TNXP) và bốn nhân công địa phương, cũng là anh em chủ khu đất xây nhà tưởng niệm. Không ai rành về xây dựng. Lưng áo ướt đẫm, chúng tôi người cắt gạch, người khiêng gạch, người trộn ximăng. Những tấm lưng, những gót chân, những bờ vai ngày nào đã chai sần vì Tổ quốc, những bàn tay đã rời cuốc xẻng bao năm, nay lại muốn sần lên những vết chai cho tình đồng đội. Dự định chừng mươi mười lăm ngày xong, vậy mà đến hơn 20 ngày mọi thứ mới xem như là tạm hoàn tất…
Những dòng nhật ký này anh Hoàng Hải viết tay giữa những trưa nắng gắt hay những chiều mưa dầm, lúc công việc xây cất tạm dừng. Anh chia sẻ: “Dân ở đây nghèo lắm. Nghèo đến nỗi kiến vàng bằm nhỏ xào với bắp chuối là món ăn quen thuộc. Cuộc sống kham khổ là vậy nhưng họ sẵn sàng hiến đất xây nhà tưởng niệm”.
Suốt sáu năm, những cựu TNXP biết bao lần qua lại Campuchia, đặc biệt là đoạn kéo dài từ ngã ba Chi Phu đến ngã ba Chùa Kok, để tìm kiếm nơi 24 TNXP hi sinh ngày 22-7-1978. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của ông Bùi Duy Hiến (chiến sĩ sư đoàn 7 - người đã tham gia tẩn liệm thi thể những TNXP trước khi đưa về VN an táng) mới tìm ra được nơi diễn ra sự kiện đau lòng.
Kỷ niệm thức dậy
Sáng chủ nhật 15-7, ông Nguyễn Văn Tuấn quyết định không đẩy xe bánh bò, bánh tiêu đi bán như mọi ngày. Hừng đông, ông theo xe của đoàn TNXP trở lại nơi hơn ba chục năm rồi ông chưa lần nào trở lại vì “sợ nhìn cảnh cũ chịu không nổi”. Ngày đó, Tuấn chỉ là cậu bé mới 15 tuổi, nhỏ nhất trong đại đội 3. Ngồi bất động trên ghế, đôi mắt người đàn ông gần 50 tuổi đỏ quạch, ngấn nước. Ông kể: “Hôm đó khoảng 8 giờ tối, đơn vị được lệnh di chuyển đến địa điểm mới. Trời mưa tầm tã, mấy anh chị em đội mưa đi bộ mười mấy cây số. Tầm hơn 4 giờ sáng, mọi người dậy nhóm bếp nấu cơm, chuẩn bị ăn sớm để đi làm thì bọn Pol Pot kéo tới. Tui mới chạy ra, vừa kịp la lên thì bị bắn vào chân khuỵu xuống, ngất xỉu”.
Toàn bộ TNXP đại đội 3 bị bắt giữ. Lính Pol Pot thay nhau hãm hiếp các nữ TNXP, lột hết quần áo, giải các chị ra ngoài cánh đồng rồi xả súng, mổ bụng. Khi thấy cảnh tượng đó, các anh dù bị trói chặt vẫn phẫn nộ vùng lên. Bọn Pol Pot đập đầu các anh ngay tại chỗ, riêng đại đội trưởng Ngô Đức Minh bị giặc đốt thi thể.
Run run dò từng bước ra trước hai mô hình hầm chữ A vừa được phục dựng, bà Nguyễn Thị Sáu - mẹ liệt sĩ Võ Thị Ngọc Mai - như khuỵu xuống. Vừa dìu mẹ, chị Võ Thị Ngọc Thanh, em gái chị Ngọc Mai, nghẹn ngào: “Chị Hai trốn má đăng ký theo TNXP hồi mới 16 tuổi. Có lần chị về thăm nhà, đi tiệm may một cái áo trắng mà hổng đủ tiền lấy. Tui lúc đó mới 7 tuổi, đem con heo đất của mình đập ra lấy tiền đem cho chị lấy áo. Chị ôm tui vô lòng hun hít, nói là chị nhớ em, nhớ má lắm nhưng chị phải đi công tác xa lắm, lâu lâu chị mới về. Lần đó, chị đem cái áo trắng mới lên đường rồi không về nhà nữa”. Rưng rưng đốt ba cây nhang, má Nguyễn Thị Sáu khấn: “Con ơi, biết con và anh em đồng đội được có nơi thờ phụng ấm áp như vầy, má cũng yên lòng”.
Ngước cặp mắt đã mờ đục hướng lên tấm bia ghi tên 24 liệt sĩ đặt giữa nhà tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Việt tìm tên con trai: liệt sĩ Nguyễn Văn Hoa. Bà kể: “Nó đi, nó đâu có xin tui. Nó về được có một lần hồi còn ở nông trường Lê Minh Xuân. Thằng Hoa mất rồi. Mấy tháng sau, thằng Nghĩa em nó cũng đi bộ đội qua Campuchia rồi mất tích tới bây giờ…”.
Đêm trước ngày khánh thành nhà tưởng niệm, những cựu TNXP và bộ đội từng chiến đấu ở chiến trường K có một đêm thức cùng đồng đội đã khuất. Quanh khu nhà tưởng niệm, 24 ngọn nến thắp suốt đêm. Thỉnh thoảng, cơn gió mạnh thổi qua làm tắt vài ngọn nến, cô bé Hoàng Thị Mỹ Dung lật đật quấn giấy báo thắp lại. Dung là con gái của chị Nguyễn Thị Tuyết, đội viên đại đội 3, người đã được điều đi tập văn nghệ trước ngày xảy ra thảm kịch nên may mắn sống sót. Dung tâm sự: “Mấy chuyến mẹ và mấy cô chú đi tìm nơi này, em cũng xin theo. Em luôn nghĩ mọi người đã chết cho mẹ em được sống”.
Dung đã nói thay lòng mẹ. Chị Tuyết, mỗi khi được hỏi lại chuyện cũ, lại nấc nghẹn không nói được trọn lời. Trên trang web của Liên đội 303 biên giới, chị viết: “Thật hạnh phúc khi mấy ngày nữa là được sang Campuchia làm lễ hoàn công nhà tưởng niệm. Mong các bạn biết rằng dù có muộn màng nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ và chưa bao giờ thôi thương nhớ về các bạn. TNXP 303, sống mãi… ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận