27/08/2008 08:27 GMT+7

Chưa nên bỏ án tử hình đối với tội tham ô và nhận hối lộ

VÕ VĂN THÀNH - MINH QUANG
VÕ VĂN THÀNH - MINH QUANG

TT - Loại tội phạm nào không nên áp dụng hình phạt tử hình? Làm sao để việc xử lý hình sự tội phạm về môi trường và đầu cơ trở nên khả thi hơn? Đó là những nội dung đang có nhiều tranh luận trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

A7omIfWW.jpgPhóng to
Ông Đinh Văn Quế -Ảnh: M.Q.
TT - Loại tội phạm nào không nên áp dụng hình phạt tử hình? Làm sao để việc xử lý hình sự tội phạm về môi trường và đầu cơ trở nên khả thi hơn? Đó là những nội dung đang có nhiều tranh luận trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

Từ kinh nghiệm hơn 20 năm xét xử các vụ án hình sự, ông Đinh Văn Quế (chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao) đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này. Ông Quế nói:

- Qua thực tiễn xét xử cho thấy Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều bất cập, một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh đổi mới, hội nhập của đất nước. Nhất là những quy định về tội phạm kinh tế, môi trường, công nghệ thông tin... Đặc biệt, hiện nay đã xuất hiện một số hành vi mới cần phải hình sự hóa để xử lý nghiêm khắc. Ví dụ loại hành vi từ chơi game, mới đầu là tiền ảo nhưng sau đó thành tiền thật, dẫn tới chiếm đoạt tiền thật chứ không phải tiền ảo.

* Xu hướng chung của thế giới là thu hẹp tối đa phạm vi áp dụng án tử hình, đây cũng là vấn đề rất được quan tâm trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự?

- Hiện đang có 29 tội danh có quy định hình phạt tử hình. Như vậy là nhiều. Tôi được biết Bộ Công an đã có đề án đề nghị bỏ chín tội danh có quy định hình phạt tử hình nhưng trong nhiều cuộc hội thảo về sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự đã đề nghị bỏ án tử hình đối với 13 tội danh. Nhìn chung những tội danh như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ... được sự nhất trí cao về việc không áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, hai tội danh tham ô và nhận hối lộ còn nhiều băn khoăn. Tôi cho rằng nếu không để hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ và tham ô thì sẽ không có lợi về mặt chính trị, làm giảm lòng tin của nhân dân.

* Bộ luật hình sự quy định mười tội danh về môi trường, trong đó có tội danh phải chịu mức án tới 15 năm tù. Nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý về các tội danh này, mặc dù ở nhiều nơi môi trường bị ô nhiễm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...

- Với quy định hiện hành thì rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh về môi trường. Cấu thành của nhóm tội gây ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải có đồng thời ba yếu tố sau mới xử lý hình sự được: hành vi thải chất gây ô nhiễm môi trường trước đó đã bị xử phạt hành chính, người bị xử phạt hành chính cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục, do không thực hiện biện pháp khắc phục mà gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ riêng việc hiểu thế nào là "cố tình" đã có khó khăn, vì nhiều trường hợp người ta có khắc phục nhưng chỉ để "làm phép" cũng không xử lý được. Tôi cho rằng không nên quy định đã bị "xử phạt hành chính" ở đây, mà cứ "gây ra hậu quả nghiêm trọng" là xử lý hình sự luôn.

* Từ thực tế của tình hình kinh tế hiện nay, ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã đề xuất phương án sửa tội đầu cơ, theo hướng bổ sung hành vi đầu cơ "trong tình hình có khó khăn về kinh tế". Ông nghĩ sao?

- Đây là điều cần thiết, thực tiễn xét xử lâu nay cho thấy chưa có vụ đầu cơ nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một trong những điều kiện để cấu thành tội đầu cơ là đối tượng lợi dụng tình trạng khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo, nhưng vừa qua chúng ta đâu có khan hiếm gạo, xăng dầu mà các mặt hàng này vẫn bị đầu cơ.

* Liên quan đến tội danh khủng bố, vừa qua xuất hiện hình thức khủng bố tinh thần qua tin nhắn, điện thoại. Ví dụ như bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã bị các đối tượng buôn bán than lậu nhắn tin đe dọa tính mạng...

- Hiện tội khủng bố được coi là tội xâm phạm an ninh quốc gia. Thực tiễn xét xử lại có nhiều trường hợp người phạm tội không phải vì mục đích chống lại chính quyền nhân dân mà còn vì mục đích khác. Do đó, theo tôi, tội phạm này không nên quy định ở chương các tội phạm về an ninh quốc gia nhằm trừng trị được cả các hành vi khủng bố vì những động cơ, mục đích khác. Đồng thời, sửa đổi bổ sung một số hành vi có tính chất khủng bố đối với cá nhân và quy định các dấu hiệu cấu thành tội phạm này cho phù hợp với thực tế đã và đang xảy ra.

Chẳng hạn, hành vi khủng bố không chỉ ép buộc chính quyền mà có nhiều trường hợp là ép buộc những người có chức vụ, quyền hạn. Như đối tượng dọa mang mìn đến đặt trong nhà một quan chức nào đó, chưa thể xử đối tượng theo tội giết người, xử theo tội đe dọa giết người cũng không được vì người bị đe dọa tuyên bố là "tôi không sợ". Như vậy, quy định về tội danh khủng bố nên tương đối mở rộng để có thể xử lý hình sự cả những trường hợp khủng bố tinh thần.

* Theo Bộ luật hình sự, trong 267 tội danh, tất cả đều có hình phạt tù. Theo ông, với những tội phạm ít nghiêm trọng, nên chăng bỏ bớt hình phạt tù mà mở rộng áp dụng hình phạt tiền?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, nhất là đối với các tội phạm về kinh tế mà hành vi chủ yếu là để kiếm lợi nhuận bất chính, nên phạt tiền nhưng mức tiền phải nhiều hơn quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành.

VÕ VĂN THÀNH - MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên