Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam - Ảnh: LÂM HOÀI
Cử tri hỏi không biết trả lời thế nào
Chất vấn giám đốc Công an TP tại HĐND TP Hà Nội sáng nay 6-12, trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề tại sao đến nay vẫn chưa khởi tố sai phạm tại doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh).
"Doanh nghiệp này sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống, về công tác trật tự xây dựng và công tác PCCC. Từ tháng 8-2016 thanh tra TP đã chuyển Công an TP Hà Nội điều tra và giám đốc Công an TP hứa sẽ khởi tố sớm", ông Nam nhắc ông Đoàn Duy Khương - giám đốc Công an Hà Nội,
"Xin cho biết lý do gì đến giờ phút này chưa khởi tố được vi phạm xây dựng cũng như an toàn PCCC của doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên? Mới đây nhất, cảnh sát PCCC cũng đã chuyển tiếp 13 hồ sơ về các toà nhà của doanh nghiệp này không thực hiện các quy định an toàn PCCC".
Chia sẻ băn khoăn này, đại biểu Hoàng Huy Được (huyện Ba Vì) lưu ý rằng việc khởi tố vụ án sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh đã được nhắc tới nhiều lần tại các cuộc họp trước đây của HĐND Hà Nội.
"Đã qua 2 kỳ họp, xới lên như thế, tạo dư luận trong cử tri mà chúng tôi không biết trả lời thế nào. Người ta đặt vấn đề phải chăng củi này ướt mà không khởi tố được, không cháy được. Đó là câu chuyện dẫn tới lòng tin của cử tri đối với những việc chúng ta đã nói", đại biểu Được bày tỏ.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương tại HĐND TP Hà Nội sáng 6-12 - Ảnh: LÂM HOÀI
Làm thận trọng vì ảnh hưởng người lao động
Trả lời câu hỏi này trong phiên chất vấn buổi chiều, giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho hay ngày 29-11-2016 cơ quan cảnh sát điều tra công an TP đã chính thức nhận toàn bộ hồ sơ của thanh tra TP chuyển theo đúng chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Cùng ngày, phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra - trưởng phòng PC46 - đã ra quyết định phân công điều tra viên tổ chức xác minh, điều tra theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
"Đúng như các đại biểu đặt vấn đề, thời gian xác minh, điều tra là 20 ngày theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, nhưng đó là đối với các vụ việc đơn giản, không phức tạp. Đối với các vụ việc phức tạp, thời gian là 60 ngày, không quá 2 tháng", ông Khương nói.
"Đây là vụ việc xảy ra ở một công ty có nhiều tình tiết, nội dung cần phải tập trung lực lượng, biện pháp để xác minh điều tra, làm rõ. Chúng tôi đã trao đổi và phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân TP để giám sát các hoạt động thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, trong đó có nội dung cần phải giám định thiệt hại".
Giám đốc công an Hà Nội cho biết đã đề xuất Sở Tài chính, cơ quan chuyên môn đánh giá thiệt hại nhưng đến giờ chưa nhận được kết quả giám định, nên chưa có cơ sở để khởi tố vụ án.
"Đặc biệt, tôi cũng nói thêm, tuy đây là DN tư nhân nhưng cũng là một DN lớn có hơn 20.000 lao động ở 40 tỉnh, thành và Lào. Vì vậy phải điều tra xác minh với tinh thần tích cực, khẩn trương nhưng phải thận trọng, vì sẽ tác động, ảnh hưởng tới đời sống người lao động, cũng như các khách hàng đã mua và đang ở tại các dự án của DN này", ông Đoàn Duy Khương nói.
Tôi khẳng định không có việc củi ướt hay là củi khô, chắc đại biểu Được là luật sư nên hình tượng hóa mang tính văn học, còn về luật thì cơ quan cảnh sát điều tra luôn thượng tôn pháp luật chấp hành nghiêm chỉnh các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, thận trọng, khách quan.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương
Chưa xử lý được cán bộ nào
Trước đó, ông Đoàn Duy Khương đã nhận được nhiều chất vấn về tình trạng vi phạm trật tự đô thị. Giám đốc Công an TP Hà Nội thừa nhận việc đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, lòng đường hè phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và kỳ vọng của người dân.
"Đến nay chúng tôi chưa nhận được báo cáo xử lý đối với bất cứ cán bộ nào liên quan đến quản lý trật tự hè phố", ông Khương thông tin và cam kết nếu phát hiện vi phạm sẽ kiến nghị lãnh đạo các quận, huyện xử lý ngay".
Đại biểu Hoàng Huy Được cũng phản ánh tình trạng vỉa hè giờ tan tầm bị các phương tiện "chiếm dụng". Ông Được đề nghị TP xem xét lắp đặt các barie trên vỉa hè để ngăn xe máy, trả chỗ cho người đi bộ.
Vi phạm xây dựng 'rất nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết'
Ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - nhìn nhận như vậy khi là người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn HĐND TP Hà Nội sáng nay 6-12.
Dẫn hàng loạt công trình xây dựng vi phạm kéo dài nhưng không được xử lý dứt điểm, trong khi đó lại xuất hiện phát sinh vi phạm mới, đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm) truy trách nhiệm cơ quan quản lý trước thực trạng trên.
Giải trình trước HĐND, ông Lê Văn Dục thừa nhận thành phố đặt mục tiêu đến 30-9 sẽ xử lý xong các trường hợp vi phạm trên. Tuy nhiên, tính đến 30-11 vẫn còn tới 130 công trình vi phạm có mức độ nghiêm trọng, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm.
"Các vi phạm quá sâu, quá khó giải quyết, gây bức xúc như các dự án của Đại Thanh, TSQ (Hà Đông), Alaska.
"Cứ bảo là không biết chứ thanh tra xây dựng biết hết, tai mắt khắp nơi. Do đó, đã kiểm tra được 100% công trình, có ngày giờ, địa điểm kiểm tra để quy trách nhiệm", ông Dục nói.
Theo giám đốc Sở Xây dựng, năm 2016 và các năm về trước, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được khoảng 60% công trình xây dựng. Nhưng từ năm 2017, các lực lượng của sở đã thanh tra, kiểm tra được 100% công trình xây dựng.
Ông Dục cho biết hiện cơ quan chức năng đã giải quyết được 70% các công trình vi phạm, tuy nhiên trên các địa bàn vẫn để xảy ra gần 2.000 công trình vi phạm mới.
Về phương án xử lý vi phạm, ông Dục cho hay riêng với các công trình vi phạm mới, hiện sở đã có phương án xử lý và gửi cho chính quyền địa phương. Phấn đấu sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2018. Riêng đối với 130 công trình vi phạm tồn tại, sở sẽ tiếp tục phối hợp địa phương xử lý.
Ông Lê Văn Dục trả lời chất vấn - Ảnh: LÂM HOÀI
Hứa nhiều rồi, giải quyết đi
Ngay sau đó, ông Dục nhận được nhiều chất vấn về tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn TP chưa được xử lý dứt điểm, trong khi xuất hiện nhiều trường hợp mới.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng khi triển khai các dự án giao thông qua các khu dân cư, đường bắt buộc phải cắt vào nhà dân nên khó tránh khỏi hình thành nhà siêu mỏng, siêu méo.
Ông Dục phân trần: Nhóm 132 công trình siêu mỏng, siêu méo tồn tại gần 1 năm như trên các trục đường Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn - Văn Cao, Thanh Nhàn… nếu cứ để tồn tại sẽ có thể trở thành siêu mỏng siêu méo "treo". Cả năm 2017 rất cố gắng cũng chỉ giải quyết được 16 trường hợp do không thể hợp thửa hợp khối được nữa.
Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh giải pháp tới đây là kiên quyết thu hồi, nhát là với các trường hợp diện tích chỉ 5-10m2.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tỏ ra không hài lòng: "Đây là vấn đề chất vấn rất nhiều lần, tôi nhớ là 3 lần, đồng chí hứa cũng nhiều lần. Đề nghị cho biết lộ trình giải quyết dứt điểm, không cần viện dẫn số liệu, thông tin về việc phân loại nhà siêu mỏng, siêu méo".
Ông Lê Đức Dục "hứa" trong quý 1-2018 Sở ông cùng Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Tài nguyên môi trường sẽ phối hợp với các địa phương tham mưu trình TP phương án xử lý từng trường hợp siêu mỏng, siêu méo.
Phải giải trình nếu bị nhắc trong video
Trước phiên chất vấn, HĐND TP đã cho chiếu đoạn video dài 30 phút về các điểm nóng và các công trình vi phạm nổi cộm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị để làm căn cứ cho các đại biểu xem xét, chất vấn các cá nhân, đơn vị liên quan.
Ngay sau đó, lần lượt các đơn vị Công an thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc, UBND quận Đống Đa, huyện Đan Phượng… đều phải đăng đàn giải trình vì bị nhắc tới trong đoạn video nói trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận