20/05/2017 11:00 GMT+7

Chưa được giao đất đã thi công dự án

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Chưa được giao đất, bản vẽ thiết kế kỹ thuật dự án chưa được phê duyệt, chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM)... nhưng chủ đầu tư vẫn thi công ồ ạt hai dự án ở TP Quy Nhơn (Bình Định) hơn một năm qua.

Chủ đầu tư cho đổ đất san lấp hết chiều ngang nhánh sông Hà Thanh để lấy mặt bằng làm cầu Điện Biên Phủ - Ảnh: DUY THANH
Chủ đầu tư cho đổ đất san lấp hết chiều ngang nhánh sông Hà Thanh để lấy mặt bằng làm cầu Điện Biên Phủ - Ảnh: DUY THANH

“Trong rất nhiều cuộc họp, UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, nhà đầu tư hứa hẹn, nhưng sau đó họ không thực hiện. Sắp tới tỉnh sẽ chỉ đạo làm nghiêm theo quy định pháp luật đối với những vi phạm này

Ông Phan Cao Thắng​ (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định)

Đó là dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa và dự án xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài trong vùng quy hoạch của khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa, do liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Thành An làm chủ đầu tư.

Ngày 18-5, tại công trường của hai dự án này, nhiều công nhân với xe múc, xe tải, xe lu đang làm việc khá khẩn trương.

Chưa có ĐTM vẫn đào, lấp hồ điều tiết lũ

Ông Lê Văn Lịch, giám đốc Ban quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định (người được UBND tỉnh giao làm đại diện quản lý hai dự án trên), cho biết ngày 29-12-2015, tỉnh ký hợp đồng hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) hai dự án trên với liên danh Phúc Lộc - Thành An.

Dự án đường Điện Biên Phủ nối dài có mức đầu tư 465 tỉ đồng, thi công trong 27 tháng và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa có mức đầu tư 578,4 tỉ đồng, thi công trong 30 tháng. Tỉnh Bình Định dùng một phần mặt bằng được san lấp trong khu đô thị hồ Phú Hòa để giao nhà đầu tư làm dự án bất động sản nhằm trả vốn.

Sau khi ký hợp đồng, được tỉnh Bình Định cho phép đào lấy đất đèo Son để thông tuyến đường Ngô Mây lên khu đô thị này, nhà đầu tư đã đào đất đắp nền cho dự án đường Điện Biên Phủ nối dài và đổ mặt bằng trong diện tích được quy hoạch làm khu đô thị hồ Phú Hòa (rộng hơn 317ha).

Nhà đầu tư cũng cho đào bới, nạo vét, san lấp xung quanh hồ Phú Hòa - hồ có vai trò quan trọng trong việc giữ nước lũ từ các khu vực lân cận và sông Hà Thanh đổ về, giảm ngập cho khu vực hạ lưu Quy Nhơn.

Tháng 4-2017, nhà đầu tư đổ đất lấn một đoạn sông Hà Thanh làm ảnh hưởng dòng chảy, đồng thời đổ đất chắn ngang hết nhánh sông này ở P.Đống Đa để làm mặt bằng thi công cầu Điện Biên Phủ, gây nguy cơ ngập úng, ngập lụt nghiêm trọng các khu dân cư.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hữu Thiện - trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Bình Định - cho biết đến nay sở chưa phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hai dự án trên.

Cuối tháng 1 và cuối tháng 2, sở lần lượt nhận được hai hồ sơ bản vẽ thiết kế kỹ thuật của hai dự án trên do nhà đầu tư nộp nhưng qua thẩm định, sở đã trả lại vì hồ sơ có nhiều nội dung chưa phù hợp với thiết kế cơ sở và quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 điều chỉnh dự án khu đô thị hồ Phú Hòa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 1-12-2016.

“Sở đã yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban quản lý dự án dân dụng và công nghiệp Bình Định kiểm tra, thống nhất để điều chỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định” - ông Thiện cho hay.

Trong khi đó, ông Đặng Trung Thành - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Bình Định - cho biết đến nay mới chỉ có dự án đường Điện Biên Phủ nối dài được phê duyệt báo cáo ĐTM, còn dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ hồ Phú Hòa thì ĐTM chưa được duyệt vì phải chỉnh sửa.

Ông Thành cũng cho biết cơ quan chức năng chưa giao đất cho nhà đầu tư với hai dự án này.

Cơ quan chức năng bất lực?

Một cán bộ Sở Xây dựng Bình Định cho biết theo quy định pháp luật, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công, vốn, ĐTM thì không được phép thi công.

Tại sao nhà đầu tư thi công hai dự án trên hơn một năm qua mà các cơ quan chức năng không xử lý, đình chỉ? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Đặng Thành Trưng - chánh thanh tra Sở Xây dựng Bình Định - cho rằng đơn vị này đã kiểm tra xuyên suốt đối với hai dự án, có lập biên bản và báo cáo đến UBND tỉnh.

“Tuy nhiên nhà đầu tư không hợp tác, chúng tôi nhiều lần mời làm việc và yêu cầu cung cấp thông tin dự án, nhưng họ không đến nên rất khó khăn” - ông Trưng nói.

Liên quan đến việc này, ông Đặng Trung Thành thừa nhận Sở Tài nguyên - môi trường Bình Định chưa kiểm tra về tài nguyên - môi trường đối với hai dự án trên là có khuyết điểm. Còn ông Lê Văn Lịch nói vì tỉnh cần thu hút đầu tư, mong muốn đẩy nhanh tiến độ để dự án sớm hoàn thành nên có phần “nhẹ tay” với liên danh Phúc Lộc - Thành An (?!).

Ông Lịch cũng cho biết sáng 18-5, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng thi công cầu Điện Biên Phủ vì việc chuẩn bị mặt bằng thi công đã chắn hết nhánh sông Hà Thanh, gây nguy cơ lũ lụt lớn và không có nước mặn để dân nuôi trồng thủy sản phía thượng lưu.

Vì sao tỉnh không xử lý, đình chỉ thi công đối với hai dự án trên do có quá nhiều vi phạm? Chúng tôi đặt câu hỏi này với ông Phan Cao Thắng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định - thì được ông trả lời rằng tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhưng chủ đầu tư không chịu ký!

Những ngày gần đây, chúng tôi đến ban điều hành dự án của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc đặt tại công trường ở TP Quy Nhơn, nhưng cán bộ ở đây cho hay lãnh đạo đi công tác xa. Những nỗ lực liên lạc bằng điện thoại của chúng tôi cũng bất thành.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên