Read this on Tuoitrenews.vnĐau xót vì bệnh dịchCông bố dịch tay chân miệng? Hôm nay có câu trả lời
Các địa phương đều “kiểm soát được”
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho hay trong tuần qua có trên 2.221 ca mắc tay chân miệng được ghi nhận tại 50 tỉnh thành, tương tự bốn tuần trước đó (2.157-2.297 ca mắc/tuần). Tuy nhiên, tại cuộc họp trực tuyến chiều 20-8, tất cả địa phương “nóng” nhất về bệnh này đều khẳng định dịch đang trong chiều hướng giảm, đã kiểm soát được và chưa đến mức công bố dịch!
Đại diện Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những tỉnh có số mắc cao ở khu vực phía Nam, cho hay số mắc tay chân miệng (1.614 ca) đã tăng 20 lần so với cùng kỳ 2010, đến ngưỡng của điều kiện thứ nhất để công bố dịch. Nhưng còn điều kiện thứ hai thì chưa đến mức không kiểm soát được dịch. “Đề nghị không công bố dịch” - vị đại diện này cho hay.
Tỉnh Đồng Nai, địa phương “nóng” thứ hai ở khu vực phía Nam (chỉ sau TP.HCM) với 3.448 ca kể từ đầu năm, cho hay: ngày nhiều nhất có tới 50 trường hợp mắc tay chân miệng, nhưng đó là thời điểm tuần 25, nay số ca mắc bệnh có giảm nên tỉnh chưa có chủ trương công bố dịch!
Tăng bệnh nhân nhiễm EV71 độc lực cao
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Nguyễn Trần Hiển cho rằng trước đây tỉ lệ nhiễm Coxakie 16 cao trong nhóm bệnh nhân nhiễm virut đường ruột, nay xu hướng EV71 độc lực cao tăng lên. Trước đây, EV71 chỉ chiếm 20% trong nhóm này, nay tăng lên 46%. Trong khi Coxakie 16 gây viêm màng não nước trong thể nhẹ, thì EV71 gây bệnh nặng hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn.
Tuy nhiên ông Hiển cho rằng công bố dịch sẽ phải họp hằng ngày, việc đầu tư và các hoạt động chống dịch sẽ thực hiện theo quy trình như có thảm họa. Năm 2009, khi Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch H1N1 và một năm sau mới công bố hết dịch cũng dẫn đến nhiều hệ lụy. “Công bố dịch cũng là để kiểm soát dịch, nhưng số mắc gần đây đã không tăng, kiểm soát bước đầu có hiệu quả” - ông Hiển phân tích.
Số mắc tay chân miệng không tăng, nhưng rõ ràng đang duy trì ở mức rất cao. Hiện 80% bệnh nhân là lây tại gia đình, lây từ mẹ sang con là 41%. Ông Huấn cho rằng các trạm y tế xã phường, chính quyền sở tại phải đến từng nhà trong vùng ổ dịch, thông báo cho người dân biết cách phòng bệnh thông qua những biện pháp rất đơn giản là rửa tay bằng xà phòng, tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi... bằng dung dịch xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, do virut gây bệnh có thể sống trên sàn nhà, dịch tiết, trên bát đĩa, đồ chơi hàng tuần.
Ông Huấn cũng cho rằng các địa phương chưa thực hiện nghị quyết 18 của Quốc hội là dành 30% ngân sách y tế cho dự phòng bệnh tật. “Trước ngày 25-8, các địa phương phải gửi kế hoạch chống dịch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm. Cục Y tế dự phòng báo cáo ngay những địa phương không gửi kế hoạch, minh bạch số mắc, số tử vong, báo cáo hằng tuần cho Thủ tướng. Nếu không làm kiên quyết, dịch có thể hoành hành cả năm 2012, chưa kể là dịch sốt xuất huyết với 30.000 ca mắc từ đầu năm đến nay” - ông Huấn nói.
Có hiện tượng làm giá Chloramine B Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 8 tại TP.HCM trung bình 300-320 ca/tuần. Tính từ đầu năm đến hết ngày 19-8, ghi nhận 7.528 ca mắc bệnh tay chân miệng trên toàn TP. Đến thời điểm này đã có 24 ca tử vong. Trong đó, các địa phương có số ca bệnh cao nhất vẫn là Q.8 (với 674 ca), huyện Bình Chánh (591 ca), Q.Bình Tân (540 ca), Q.Gò Vấp (465 ca)... BS Phạm Việt Thanh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá từ đỉnh cao nhất là 101 ca/ngày đến nay số ca mắc ở TP giảm còn khoảng 40 ca/ngày, chứng tỏ các biện pháp phòng chống, tuyên truyền vệ sinh, khử khuẩn ở cộng đồng có hiệu quả. Công tác điều trị cũng đã làm tốt với số tử vong giảm. Tuy nhiên, theo BS Lê Bích Liên - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, tính đến thời điểm này chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số ca mới nhập viện là hơn 60 ca/ngày và số đang nằm điều trị là 128 ca. Về tình hình điều trị, bác sĩ Liên cho biết ngày 19-8 Sở Y tế đã điều động các chuyên gia của cả ba bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh nhiệt đới về sở để họp bàn về việc chuẩn bị cho kế hoạch điều trị trong trường hợp khẩn cấp nếu như số ca bệnh tăng lên gấp 5-10 lần so với hiện tại. Phát biểu bên lề hội nghị trực tuyến giữa Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) với các địa phương về bệnh tay chân miệng ngày 20-8, bác sĩ Huỳnh Cao Hải - phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết đang có hiện tượng làm giá của các công ty cung cấp Chloramine B. Chỉ từ 80.000-90.000 đồng/kg đến thời điểm này đã tăng giá từ 130.000-140.000 đồng/kg Chloramine B, việc này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương trong công tác phòng chống dịch. Theo bác sĩ Hải, các cấp có thẩm quyền nên xem xét đưa ra mức giá bán hợp lý cho các doanh nghiệp cung cấp mặt hàng cần thiết trong mùa dịch này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận