Chùa Cầu (Hội An) đón khoảng 5.000 lượt khách/ngày khiến công trình chịu tải trọng lớn - Ảnh: T.T.D.
Trước hiện trạng xuống cấp của Chùa Cầu, TP đã yêu cầu giảm tải số người lên Chùa Cầu trong cùng một thời điểm xuống còn 40 người để giảm sức ép lên kết cấu cầu
Ông Nguyễn Văn Sơn (phó chủ tịch UBND TP Hội An)
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia này vào những ngày giữa tháng 4 cho thấy khách tham quan trên di tích này vẫn không hề ngớt.
Quan sát bằng mắt thường có thể nhận ra các điểm có dấu hiệu xuống cấp. Thậm chí ở một số vị trí, nước mưa thấm vào phần mối nối bằng gỗ khiến các vết loang mục bị ăn mòn rộng ra, gỗ bị xô lệch, tường vữa bị nứt.
Ông Nguyễn Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - bày tỏ sự sốt ruột đối với di tích Chùa Cầu: "Ngoài tuổi thọ sử dụng, tải trọng từ lượng du khách tham quan hằng ngày, điều đáng quan ngại hơn là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang làm kết cấu cầu bị ảnh hưởng".
Ông Nguyễn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cũng cho biết những dấu hiệu của việc xuống cấp xuất hiện khá rõ từ các mối nối giữa các kết cấu công trình. Tại nhiều vị trí khung xương, các chốt gỗ kết nối các giằng gỗ lại với nhau đã có dấu hiệu mục. Các mối nối này đóng vai trò rất quan trọng đến kết cấu, độ ổn định công trình.
Hiện nay, mỗi ngày Chùa Cầu đón tiếp bình quân 5.000 lượt người lên tham quan, vào lúc cao điểm người lên Chùa Cầu tham quan, chụp hình lưu niệm nêm chật khiến công trình chịu tải trọng lớn. Ông Sơn cho biết để giảm lượng khách trên công trình, TP cũng đã cho làm một cầu phụ kế bên công trình để du khách qua lại, dễ dàng ngắm di tích hơn.
Sự chậm trễ tu bổ Chùa Cầu được ông Nguyễn Chí Trung lý giải là do thủ tục quyết toán các dự án tu bổ cũ ở các gói nhỏ của dự án tu bổ do Sở VH-TT&DL Quảng Nam làm chủ đầu tư) tại Chùa Cầu chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Cẩm - giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam - cho rằng lý do vướng thủ tục thực ra chỉ là một phần rất nhỏ.
Cái chính là dự án tu bổ Chùa Cầu là vấn đề quá lớn, quá nhạy cảm, không chỉ liên quan đến một di tích tầm cỡ mà là vấn đề tâm linh. Chọn giải pháp nào cũng là một câu chuyện mà ít ai dám quyết nên ảnh hưởng đến quyết tâm tu bổ di tích này.
Trong khi đó, ông Sơn cho biết TP Hội An đã liên lạc với Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam - chủ đầu tư của gói hạ bộ trong dự án về tu bổ Chùa Cầu - để đề nghị đốc thúc thủ tục quyết toán các gói tu bổ Chùa Cầu đã thực hiện trước đây, sớm xúc tiến các thủ tục cho dự án tu bổ toàn diện Chùa Cầu.
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã cam kết sẽ hoàn tất các thủ tục quyết toán muộn nhất trong năm nay. "Phương án hạ giải hay cụ thể như thế nào cần có thêm các bàn thảo, đây là vấn đề rất nhạy cảm liên quan đến một di tích quý báu" - ông Sơn nói.
"Rất đáng lo ngại"
Nhiều kết cấu bằng gỗ của Chùa Cầu đã xuống cấp - Ảnh: T.B.D.
Trong bản đánh giá hiện trạng Chùa Cầu mà Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cung cấp cho Tuổi Trẻ, các chuyên gia nêu việc xuống cấp ở di tích này ở mức độ rất đáng lo ngại. Chùa Cầu được xây dựng từ đầu thế kỷ 17, quá trình sử dụng hơn 400 năm đã làm công trình này đi xuống về cấu kiện.
Các nhà khoa học nhận định rằng hệ thống chịu lực chính nói chung đã xuống cấp rất rõ, đặc biệt bộ phận chịu lực quan trọng nhất gồm móng, mố, trụ nay đã tới lúc cần có giải pháp can thiệp trước khi quá muộn, phát sinh các dấu hiệu nguy hiểm.
"Nếu để ý chi tiết trên khung gỗ, các mối nối, tường vôi của Chùa Cầu thì dễ dàng thấy nhiều vị trí bị ố đen, gỗ bị ăn mục, tường nứt ra, các khớp nối bằng gỗ bị mòn, mục và nằm vênh hẳn" - một cán bộ làm việc tại di tích Chùa Cầu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận