03/07/2017 13:26 GMT+7

Chưa bị đụng đến 'nồi cơm', Qatar vẫn án binh bất động

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh dự báo còn kéo dài với việc Qatar bác bỏ yêu sách và tuyên bố không đầu hàng trước áp lực của khối Ả Rập. Nhưng nếu đụng đến nồi cơm "khí đốt", mọi việc sẽ khác.

Bé gái người Qatar cầm hoa và ảnh chân dung Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại sân bay Doha  - Ảnh: Reuters
Bé gái người Qatar cầm hoa và ảnh chân dung Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại sân bay Doha - Ảnh: Reuters

“Chúng tôi tin rằng thế giới không chịu sự quản lý của tối hậu thư. Chúng tôi tin thế giới vận hành bằng luật pháp quốc tế, bởi một trật tự vốn không cho phép nước lớn bắt nạt nước nhỏ

Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani (Ngoại trưởng Qatar)

Hôm qua (2-7), Qatar vẫn án binh bất động dù thời hạn 10 ngày cân nhắc bản yêu sách 13 điểm của các nước Ả Rập, đứng đầu là Saudi Arabia, đã kết thúc.

Tại cuộc họp báo ở thành phố Roma (Ý) một ngày trước, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã mạnh mẽ tuyên bố Doha sẽ không đáp ứng bất cứ điều khoản nào trong bản yêu sách.

“Tất cả mọi người đều hiểu các yêu sách đó xâm phạm đến quyền tự chủ của Nhà nước Qatar, ngăn chặn tự do ngôn luận và áp đặt cơ chế kiểm soát lên Qatar” - Ngoại trưởng Sheikh Mohammed chỉ trích.

Qatar không sợ bị trả đũa

Bình luận về bản yêu sách của Liên minh vùng Vịnh, ngoại trưởng Qatar cho rằng việc nó đi kèm với điều kiện phải đáp ứng trong 10 ngày đã là một vấn đề và “khước từ là lựa chọn duy nhất”.

Cuộc khủng hoảng đang ở thế kẹt: Doha một mực đòi đối thoại, trong khi các nước vùng Vịnh nhấn mạnh bản yêu sách của họ là “không thể trả giá”.

Danh sách này bao gồm một số nội dung “khó” với Qatar, chẳng hạn như hạ bậc quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Doha, ngưng hoạt động kênh truyền thông Al Jazeera...

Theo Reuters, Đại sứ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tại Nga Omar Saif Ghobash trước đó cảnh báo Qatar có thể đối mặt với các biện pháp cấm vận mới nếu không đáp ứng các yêu cầu. Cũng theo vị này, Liên minh vùng Vịnh có thể ép các đối tác làm ăn phải chọn giữa họ và Doha.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash lại giảm nhẹ khả năng leo thang khủng hoảng. Theo ông, phương án thay thế có thể là “một cuộc chia tay” - ám chỉ khai trừ Qatar khỏi tổ chức Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Không rõ những cảnh báo trên có làm Doha suy nghĩ lại không. Ngoại trưởng Sheikh Mohammed tuyên bố tại Roma là nước này thậm chí không sợ bị trả đũa quân sự sau động thái phớt lờ tối hậu thư của Liên minh vùng Vịnh.

Về sự tồn tại của GCC, ông cho rằng tổ chức này được dựng lên để đối phó với các mối đe dọa bên ngoài, nhưng khi mối đe dọa đến từ bên trong thì tính bền vững của GCC đang bị đặt dấu hỏi.

Tương lai bất định của vùng Vịnh

Về hướng phát triển sắp tới của cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, trang Gulf News của UAE đưa ra ba kịch bản: (1) Qatar sẽ chấp nhận bản yêu sách của các thành viên GCC và Ai Cập; (2) Các nước vùng Vịnh đưa ra hành động quân sự buộc Qatar đổi ý; (3) Kéo dài cuộc khủng hoảng lâu nhất có thể, đi kèm là nhiều hệ lụy cho khu vực.

Với những biểu hiện trước mắt, nhà phân tích Mustapha Karkouti cho rằng Qatar có thể sẽ chọn phương án 1 cộng với một chút phương án 3.

Xung quanh việc Qatar bị Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cô lập còn tồn tại nhiều góc nhìn khác nhau, tùy đó là phe nào.

Trong bài xã luận trên trang Doha News, nhà phân tích Mohammed Al-Jufairi đưa ra câu trả lời: khí đốt hóa lỏng. Nói cách khác, ông cho rằng động cơ cấm vận Qatar của các nước vùng Vịnh là tiền.

Ông Mohammed giải thích: “Saudi Arabia đang tiêu tốn nhiều tiền của vì cuộc chiến tranh ở Yemen. Nước này phải chịu đựng thâm hụt ngân sách ngày càng tăng trong khi giá dầu liên tục giảm, đó là chưa kể đến điều kiện sống khó khăn của một bộ phận lớn người dân sống nhờ phúc lợi. Vậy thì Saudi Arabia phải tìm cách nhanh và dễ nhất để kiếm tiền - câu trả lời là thôn tính Qatar”.

Quan điểm trên chỉ mang tính một chiều, tuy nhiên nó đúng ở một điểm: Qatar là nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới và họ sẽ không để ai đụng đến “nồi cơm”.

Hiện tại, hoạt động xuất khẩu khí đốt của Qatar vẫn đang diễn ra bình thường dù việc đi lại, nhập khẩu lương thực... đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cấm vận. Giới quan sát nhận xét tuy Doha còn kiềm chế không đáp trả, nhưng nếu đụng đến khí đốt thì chuyện sẽ khác.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên