12/11/2019 13:32 GMT+7

Chữa bệnh mãi không khỏi, hóa ra do ống nội soi nhiễm khuẩn

L.ANH
L.ANH

TTO - Bệnh nhân ở Hà Giang điều trị suốt 3 tháng nhưng cứ phẫu thuật xong người lại nổi đầy cục, chữa mãi không khỏi. 'Thủ phạm' sau đó được xác định là ống nội soi bị nhiễm khuẩn.

Chữa bệnh mãi không khỏi, hóa ra do ống nội soi nhiễm khuẩn - Ảnh 1.

Tiệt khuẩn dụng cụ phẫu thuật nội soi tại một bệnh viện ở TP.HCM

Phát biểu tại hội thảo quốc tế về thực hiện giải pháp toàn cầu về an toàn người bệnh (được Bộ Y tế tổ chức sáng nay 12-11 tại Hà Nội), Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết tại Hà Giang từng ghi nhận sự cố ống nội soi nhiễm khuẩn, người bệnh bị nhiễm trùng bệnh viện dẫn đến chữa mãi không khỏi.

Theo ông Khuê, người bệnh mắc các bệnh không do bệnh cảnh chính mà do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... do nhiễm khuẩn bệnh viện thì đó là sự cố y khoa.

Theo cảnh báo được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tại hội thảo, các nguy cơ dẫn đến mất an toàn tại bệnh viện bao gồm nhiễm khuẩn bệnh viện (ảnh hưởng tới 10% người bệnh nhập viện), chẩn đoán chậm và không chính xác, phơi nhiễm với tia phóng xạ... 

"Hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật/năm" - Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo.

Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê về số lượng tai biến, nhưng theo Tổ chức y tế thế giới, cứ 10 người bệnh có 1 người bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ y tế, trong đó tới 50% là có thể phòng tránh được. Trong số các chi phí y tế, 14,3% là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa.

Thống kê của Bệnh viện Việt Đức tại hội thảo cho biết có đến 42% tác nhân sự cố là do nhân viên y tế, 32% do tổ chức, dịch vụ, 8% liên quan tới người bệnh, 8% do các yếu tố bên ngoài, 4% do môi trường làm việc.

Trong các yếu tố liên quan đến nhân viên y tế, có 4% do nhiễm trùng bệnh viện, 8% do giao tiếp giữa người bệnh và nhân viên y tế kém hiệu quả, 12% do xác định người bệnh chưa chính xác, 12% do phản ứng phụ của thuốc...

Hiện tại tỉ lệ sự cố y khoa được báo cáo không cao, gần 1/2 lý do dẫn đến việc sự cố không được báo cáo là tâm lý e ngại, sợ bị kỷ luật, sợ đồng nghiệp chê cười, sợ sếp... của nhân viên y tế. 

Nhờ những tác động về chính sách, tỉ lệ nhân viên y tế tự nguyện báo cáo sự cố đã tăng lên, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với bắt buộc phải báo cáo.

Đừng lơ là nhiễm khuẩn bệnh viện Đừng lơ là nhiễm khuẩn bệnh viện

TTO - Liên quan việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được Bộ Y tế tổ chức ngày 31-7 tại Hà Nội, trưởng đại diện Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại VN chia sẻ suốt đời ông không quên hai bệnh nhân ở Mỹ gặp tai biến vì nhiễm khuẩn bệnh viện.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên